Hà Nội: Tiếp tục phát huy kết quả phổ cập giáo dục, xóa mù chữ

Chiều 15/5, đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), do Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ làm trưởng đoàn, đã làm việc với Sở GD&ĐT Hà Nội về công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ năm 2017 trên địa bà
Hà Nội: Tiếp tục phát huy kết quả phổ cập giáo dục, xóa mù chữ

Theo báo cáo của Sở GD&ĐT, Hà Nội là đơn vị đầu tiên được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi vào năm 2000; duy trì tốt công tác phổ cập giáo dục THCS và hiện có 30/30 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn phổ cập THCS mức độ 2. Hằng năm, kinh phí trực tiếp dành cho công tác phổ cập giáo dục tại Hà Nội khoảng 2 tỷ đồng.

Ngoài ra, ngân sách Thành phố đầu tư cho ngành giáo dục trong năm 2017 cho các quận, huyện, thị xã và các trường trực thuộc đạt hơn 12 tỷ đồng. Về công tác xóa mù chữ, Hà Nội hiện có 584/584 xã, phường, thị trấn và 30/30 quận, huyện, thị xã đạt tiêu chuẩn xóa mù chữ cấp độ 2. 

Điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, giáo viên về cơ bản đáp ứng đảm bảo duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ ở các cấp học. Từ năm 2014, các quận, huyện, thị xã được trang bị phần mềm phổ cập giáo dục, xóa mù chữ tạo điều kiện tốt cho công tác nhập số liệu, điều tra chính xác, tiết kiệm thời gian và công sức. Ở các khối, các cấp học, công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ luôn được quan tâm và có những thành tích đáng ghi nhận. 

Tuy nhiên, công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ vẫn còn nhiều tồn tại. Một số địa phương vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của GD&ĐT hiện nay. Cụ thể, khu vực nội thành, sĩ sỗ lớp đông trong khi diện tích trường, lớp còn thiếu. Khu vực ngoại thành còn nhiều điểm lẻ và khó khăn về cơ sở vật chất. Sự phối hợp của các quận, huyện, thị xã sử dụng phần mềm với nhà cung cấp còn nhiều trở ngại, khó kết nối với nhà cung cấp nên ảnh hưởng không nhỏ đến việc cập nhật và xử lý số liệu…

Đánh giá về công tác phổ cập giáo dục của Hà Nội, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ ghi nhận sự nỗ lực của Hà Nội trong việc duy trì kết quả phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi và nâng mức độ đạt chuẩn phổ cập giáo dục ở các độ tuổi khác, trong đó, cấp tiểu học được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mức độ 3; cấp THCS đạt chuẩn phổ cập giáo dục mức độ 2; công tác xóa mù chữ được công nhận đạt chuẩn mức độ 2. Bộ GD&ĐT đề nghị Hà Nội tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, nhất là những giáo viên dạy các lớp đầu cấp để chuẩn bị tốt cho việc áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới; tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để mọi người dân, ở mọi độ tuổi đều được thụ hưởng một nền giáo dục có chất lượng. 

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý khẳng định: Thời gian qua, các cấp, các ngành đã dành sự quan tâm đặc biệt cho công tác phổ cập giáo dục và xóa mù chữ, góp phần không nhỏ vào kết quả của ngành GD&ĐT Thủ đô. Phó Chủ tịch Ngô Văn Quý tiếp thu các ý kiến, đề xuất của đoàn công tác của Bộ GD&ĐT nhằm tiếp tục duy trì, phát huy tốt hơn nữa kết quả công tác phổ cập giáo dục và xóa mù chữ trên địa bàn thành phố thời gian tới.

Tại buổi làm việc còn diễn ra lễ ký biên bản cam kết duy trì, phát huy kết quả phổ cập giáo dục, xóa mù chữ năm 2017 của Hà Nội giữa đại diện Ban Chỉ đạo phổ cập, xóa mù chữ Thành phố Hà Nội và Bộ GD&ĐT.

Có thể bạn quan tâm