Hai ngân hàng vẫn “đắm” hàng trăm tỷ đồng ở Tập đoàn Đại Dương

Báo cáo tài chính quý 2/2017 của công ty cổ phần tập đoàn Đại Dương (mã: OGC) cho thấy công ty này vẫn đang vay nợ 445 tỷ đồng của Ngân hàng TMCP Quốc Dân. Khoản vay đã được duy trì từ giữa năm 2014 t
Hai ngân hàng vẫn “đắm” hàng trăm tỷ đồng ở Tập đoàn Đại Dương

Được biết khoản vay 445 tỷ đồng đó là vay ngắn hạn để OGC đầu tư dự án KĐT số 1 thuộc KĐT mới phía Nam Tp. Bắc Giang với tài sản bảo đảm là 32 triệu cổ phiếu OCH (giá trị tại thời điểm kí Hợp đồng tín dụng là 564,5 tỷ đồng, tương ứng giá 17.640 đồng/cổ phiếu) và 2,5 triệu cổ phiếu OceanBank.

Khoản vay đó được giải ngân từ ngày 21/6/2014 với lãi vay kể từ ngày giải ngân đầu tiên là 11%/năm. Như vậy khoản vay đã được thực hiện trước thời điểm ông Hà Văn Thắm bị khởi tố.

Ngày 7/7/2015 ngân hàng NCB có yêu cầu OGC thực hiện bổ sung tài sản đảm bảo cho khoản vay trước ngày 15/7/2015 nếu không sẽ thực hiện giải chấp số cổ phiếu đó. Trong năm 2016 cả hai bên đã thống nhất chủ trương là OGC sẽ dùng một số tài sản để hoàn trả khoản nợ này nhưng tại thời điểm lập báo cáo kiểm toán thì hai bên vẫn đang trong quá trình thảo luận để đưa ra phương án giải quyết.

Ngoài ra, tại ngày 21/6/2016 NCB đã thông báo cho OGC rằng khoản vay đó đã quá hạn và ngân hàng phân vào loại nợ nhóm 5 tức nợ có khả năng mất vốn. Tại thời điểm 31/12/2016 khoản vay đã quá hạn và chưa được gia hạn thêm.

Trong các báo cáo quý 1 và quý 2 năm nay, OGC vẫn ghi nhận khoản nợ 450 tỷ đồng với NCB nhưng ngân hàng NCB lại không đề cập cụ thể đến khoản vay này ngay cả trong các báo cáo kiểm toán 2016 lẫn các báo cáo quý sau đó. Tại thời điểm cuối năm 2016, NCB có chưa đến 400 tỷ đồng nợ xấu, trong đó nợ nhóm 5 chỉ hơn 200 tỷ. Tại thời điểm cuối quý 2/2017, nợ xấu của NCB tổng cộng hơn 500 tỷ trong đó nợ nhóm 5 là 309 tỷ đồng.

Ngoài NCB, Ngân hàng Hàng Hải (Maritime Bank - MSB) cũng còn khoản tiền chưa lấy được tới 500 tỷ đồng tại công ty con của OGC là Công ty cổ phần dịch vụ hỗ trợ và Phát triển đầu tư.

Cụ thể 500 tỷ đồng này là trái phiếu do MSB phát hành cho công ty con với mục đích đầu tư vào dự án Sunrise Resort Hội An và bổ sung vốn lưu động. Thời hạn của trái phiếu là 5 năm, nhưng sau 1 năm công ty có nghĩa vụ mua lại hoặc nhờ người mua lại trái phiếu này bất cứ lúc nào MSB đề nghị bán lại.

Lãi suất trái phiếu cho năm đầu tiên là 15%/năm, các năm tiếp theo thả nổi theo lãi suất tiết kiệm 12 tháng của 4 ngân hàng lớn nhất cộng với biên độ 1%/năm. Hình thức đảm bảo là không có tài sản đảm bảo.

Tại thời điểm 30/6/2015 số dư nợ gốc là 500 tỷ. MSB đã yêu cầu công ty cổ phần dịch vụ hỗ trợ và phát triển đầu tư mua lại trái phiếu này. Đến 31/12/2016 MSB tiếp tục yêu cầu công ty thực hiện thủ tục chuyển nhượng trái phiếu cho chủ sở hữu mới là Công ty CP đầu tư Tiến An (trước đây là công ty mua bán nợ VID), tuy nhiên Công ty CP dịch vụ hỗ trợ và phát triển đầu tư của OGC chưa thực hiện thủ tục theo yêu cầu. Sau đó, MSB đã khởi kiện lên tòa án nhân dân TP. Hội An tỉnh Quảng Nam, tòa án đã có bản án sơ thẩm.

Theo quyết định của tòa sơ thẩm, công ty CP Dịch vụ Hỗ trợ và phát triển Đầu tư chấp nhận thanh toán trả MSB số tiền hơn 687 tỷ đồng, trong đó 500 tỷ tiền gốc và 187 tỷ tiền lãi.

Tuy nhiên sau đó công ty con của OGC lại nộp đơn kháng nghị lên tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng xem xét lại với quyết định trên và hiện đang chờ quyết định kháng nghị của Tòa án tối cao tại Đà Nẵng. Trên báo cáo hợp nhất của OGC vẫn ghi nhận đang nợ 500 tỷ đối với Maritime Bank.

Theo Tùng Lâm/ Trí thức trẻ

>> Quý 2/2017, Ocean Group báo lỗ gần 300 tỷ đồng

Có thể bạn quan tâm