Hàng loạt lãnh đạo Cty Thực phẩm Sao Ta bất ngờ thoái vốn ngay trước thềm... tăng vốn

CTCP Thực phẩm Sao Ta vừa công bố hàng loạt đăng ký bán cổ phiếu của các lãnh đạo công ty. Đáng chú ý, động thái này diễn ra đúng thời điểm Sao Ta chuẩn bị tổ chức ĐHĐCĐ bất thường thông qua kế hoạch tăng vốn.
Hàng loạt lãnh đạo Cty Thực phẩm Sao Ta bất ngờ thoái vốn ngay trước thềm... tăng vốn

Cụ thể, thành viên Ban Kiểm soát Võ Văn Sỉ đăng ký bán hết 30.000 cổ phiếu FMC trong thời gian thực hiện giao dịch từ 18/9-17/10. Nếu giao dịch thành công, ông Sỉ sẽ không còn sở hữu cổ phần nào.

Đồng thời cũng trong thời gian trên, bà Dương Ngọc Kim - Phó Tổng Giám đốc cũng là vợ của Chủ tịch HĐQT ông Hồ Quốc Lực đăng ký bán ra 200.000 cổ phiếu FMC. Nếu giao dịch thành công, bà Kim chỉ sở hữu 42.034 cổ phiếu.

Vợ Chủ tịch cho biết mục đích bán cổ phần để đầu tư cá nhân, giao dịch này dự kiến thực hiện thoả thuận hoặc khớp lệnh.

Ngoài ra, Ban chấp hành công đoàn cơ sở của công ty cũng đăng ký bán ra toàn bộ 616.090 cổ phiếu từ ngày 18/9-17/10 để phục vụ nhu cầu tài chính.

Cổ phiếu FMC tăng nóng trong vòng 1 quý qua với mức tăng 26% lên 34.000 đồng/cp, khối lượng giao dịch bình quân hơn 362.000 đơn vị/phiên.

Động thái bán ra cổ phiếu của lãnh đạo FMC diễn ra trước thời gian công ty tổ chức ĐHĐCĐ bất thường. Theo nội dung công bố, cuộc họp sắp tới liên quan đến việc triển thực hiện dự án xây dựng nhà máy mới và phê duyệt phương án chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ.

Về kết quả kinh doanh, tháng 8/2020 hoạt động chế biến và tiêu thụ tôm của Sao ta đã tự phá các kỷ lục trước đó. Cụ thể chế biến tôm đạt sản lượng 2.468 tấn, tiêu thụ 2.195 tấn, doanh thu đạt 23,6 triệu USD (khoảng 543 tỷ đồng).

Lũy kế 8 tháng đầu năm, công ty doanh thu đạt gần 121 triệu USD (khoảng 2.774 tỷ đồng), tăng 12,5% so cùng kỳ năm 2019. Tỷ lệ này cao hơn tỷ lệ chung của ngành tôm (khoảng 8%).

Chờ cú hích EVFTA

Với sự kiện Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã chính thức được thực thi từ ngày 1/8, các chuyên gia trong ngành thủy sản nhận định sẽ là cú hích lớn cho ngành thủy sản, bởi đây là một hiệp định thế hệ mới mang tính toàn diện, đặc biệt về ưu đãi thuế quan.

Theo đó 50% số dòng thuế sẽ được xóa bỏ ngay, 50% còn lại được xóa bỏ theo lộ trình từ 3 - 7 năm. Cá ngừ đóng hộp và cá viên áp dụng hạn ngạch thuế quan lần lượt là 11.500 tấn và 500 tấn. Một số mặt hàng đang chịu thuế cao được về 0% như: Tôm hùm (hiện đang áp thuế nhập khẩu ở mức 8-20%), thanh cua (đang áp thuế suất 14,2%), cá tuyết (đang áp dụng thuế suất 13%), tôm hồng (đang áp thuế suất 12%)...Các mặt hàng hàu, sò điệp, mực, cá bơn, hải sâm,... đang có mức thuế nhập khẩu từ 8-11% cũng sẽ được đưa về 0%, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp chế biến để xuất khẩu các mặt hàng thủy sản.

Ngoài những lợi ích cơ bản là thuế XNK, tham gia các FTA thế hệ mới như EVFTA, thủy sản Việt Nam sẽ có cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng khả năng cạnh tranh so với đối thủ chưa có FTA với các đối tác (Ấn Độ, Thái Lan); thu hút đầu tư nước ngoài, nâng cao công nghệ sản xuất và chất lượng sản phẩm; tạo ra động lực mở cửa thị trường, thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp hai bên;...

Hiện, Sao Ta đã mở rộng vùng nuôi tôm với diện tích khoảng 81ha vào đầu năm 2020, vị trí bên cạnh vùng nuôi tôm cũ tại thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng, giúp nâng tổng diện tích nuôi tôm của công ty lên 270 ha (tăng 30% so với năm 2019). Tháng 5/2020, FMC đã hoàn thành công tác thả giống tại vùng nuôi này, dự kiến đến khoảng tháng 10/2020 sẽ bắt đầu thu hoạch.

Có thể bạn quan tâm