Hành động để đảm bảo các giá trị bình đẳng tại nơi làm việc

“Các chủ DN cần có hành động cụ thể trong việc đảm bảo các giá trị bình đẳng tại nơi làm việc” - Đó là nhận định được đa số đại biểu có mặt tại tọa đàm “Tầm nhìn lãnh đạo: Giá trị bình đẳng - Chìa khó
Hành động để đảm bảo các giá trị bình đẳng tại nơi làm việc

Toàn cảnh buổi toạ đàm

Toạ đàm đã thu hút hơn 100 chủ doanh nghiệp, giám đốc nhân sự, quản lý cấp cao của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn tại Việt Nam tham dự, nhằm thảo luận sự cần thiết của việc lồng ghép bình đẳng giới vào các chiến lược kinh doanh hướng tới phát triển bền vững.

Câu chuyện về bình đẳng giới tại nơi làm việc

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Văn Thời – Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG, công ty ông đã thực hiện tốt việc bình đẳng giới tại nơi làm việc như tỉ lệ nam nữ trong các cấp quản lý khá cân bằng nhau; Các chính sách của công ty đều hướng đến sự bình đẳng cho cả nam và nữ như: Nghiêm cấm từ chối tuyển dụng lao động nữ vì lý do mang thai hoặc yêu cầu thử thai trước khi tuyển dụng, nghiêm cấm việc sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, phụ nữ mang thai từ tuần thứ 25 trở đi đến khi con được 1 tuổi được nghỉ sớm 1 giờ/ngày và vẫn hưởng lương đầy đủ….

Ông Nguyễn Văn Thời – Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG

“Định kỳ ít nhất 1 năm/lần, người lao động tại TNG được huấn luyện lại về chính sách chống quấy rối và lạm dụng. Người lao động, đặc biệt là lao động nữ, đều được đối xử trong sự tôn trọng. Tại các chi nhánh của công ty đều đặt các thùng thư góp ý có khoá, nhằm tạo điều kiện cho người lao động khai báo và tố giác dễ dàng. Từ đó ngăn chặn kịp thời để không ảnh hưởng tới tâm lý và kết quả lao động” – ông Thời cho hay.

Ông Nguyễn Khải Hoàn - Giám đốc tài chính Công ty FPT Software cũng chia sẻ, đối với FPT Software, việc tuyển dụng các nhân viên nữ được chú trọng rất nhiều. Thậm chí nữ giới còn được nhiều ưu đãi hơn so với nam giới khi làm việc.

Giá trị bình đẳng - Chìa khoá phát triển bền vững cho doanh nghiệp

Khẳng định vai trò của lãnh đạo doanh nghiệp trong việc đảm bảo các giá trị bình đẳng tại nơi làm việc, bà Rebecca Bryant - Phó Đại sứ Australia tại Việt Nam nói: “Lãnh đạo doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo các giá trị bình đẳng tại nơi làm việc”. Và Phó Đại sứ Australia tại Việt Nam khuyến khích “các chủ doanh nghiệp tiếp tục nỗ lực hướng tới xây dựng một môi trường làm việc công bằng cho cả người lao động nam và nữ”.

Bà Hà Thu Thanh - Chủ tịch Mạng lưới doanh nghiệp Việt Nam hỗ trợ phát triển quyền năng phụ nữ VBCWE - Chủ tịch HĐTV Deloitte Việt Nam

Đồng quan điểm, bà Hà Thu Thanh - Chủ tịch Mạng lưới doanh nghiệp Việt Nam hỗ trợ phát triển quyền năng phụ nữ VBCWE - Chủ tịch HĐTV Deloitte Việt Nam cho rằng, các chủ doanh nghiệp cần xây dựng giá trị bình đẳng tại nơi làm việc thông qua việc cân bằng giới ở mặt cấp độ, bình đẳng về tuyển dụng, đào tạo, thăng tiến, văn hóa doanh nghiệp đa dạng và bao trùm, điều kiện làm việc linh hoạt, bình đẳng tiền lương…

“Các chủ doanh nghiệp Việt Nam không nên chỉ dừng ở việc cam kết mà phải hướng tới hành động cụ thể bắt đầu từ hoàn thiện chính sách nhân sự hỗ trợ việc xóa bỏ các rào cản về giới, đạt được chứng chỉ về lợi ích kinh tế của bình đẳng giới, tiên phong thay đổi văn hóa doanh nghiệp, từ đó tạo ảnh hưởng tích cực trong lĩnh vực kinh doanh của mình nói riêng và trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung” – Bà Thanh nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Quang Vinh - Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phó Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD)

Chung nhận định, ông Nguyễn Quang Vinh - Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phó Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) cho rằng, phát triển bền vững không thể thực hiện được bởi một doanh nghiệp hay kể cả là một ngành riêng biệt. Đặc biệt khi đề cập đến khái niệm “đáp ứng các nhu cầu hiện tại mà không ảnh hưởng đến tương lai”, chúng ta cần sự cam kết của tất cả các đối tác tham gia kinh tế toàn cầu.

Ông Vinh cũng cho rằng, việc đưa các tiêu chí về bình đẳng giới trong kinh doanh vào Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI) là một việc hết sức cần thiết. 

Tọa đàm do Mạng lưới Doanh nghiệp Việt Nam hỗ trợ phát triển quyền năng phụ nữ (VBCWE) phối hợp với Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) tổ chức, được hỗ trợ bởi Dự án Investing in Women, một sáng kiến của Chính phủ Australia. Đây là sự kiện tiếp nối hàng loạt hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp nói riêng và toàn xã hội nói chung về bình đẳng giới trong môi trường làm việc và lợi ích kinh tế của việc xây dựng, duy trì các giá trị này.

Cũng trong khuôn khổ của tọa đàm đã diễn ra Lễ trao Chứng chỉ Bình đẳng giới toàn cầu EDGE (Economic Dividents for Gender Equality – Lợi ích kinh tế từ Bình đẳng giới) cho Công ty TNHH Deloitte Việt Nam và kết nạp thành viên mới của Mạng lưới VBCWE. Deloitte Việt Nam là doanh nghiệp thứ tư tại Việt Nam nhận được Chứng chỉ Bình đẳng giới EDGE và là doanh nghiệp thứ hai được chứng nhận ở cấp độ EDGE MOVE – cấp độ dành cho các công ty đã đạt được những cột mốc quan trọng trong hành trình đạt được bình đẳng giới tại môi trường làm việc.

Ba doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam đã được trao chứng chỉ bao gồm: Công ty Cổ phần Dịch vụ hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO), Tổng công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh và Ngân hàng Thương mại cổ phần Hàng hải Việt Nam MSB.

Ra đời từ Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2011, chứng chỉ EDGE được thiết kế nhằm không chỉ giúp các doanh nghiệp đánh giá hiện trạng môi trường làm việc của mình mà còn xây dựng một kế hoạch hành động hướng đến một môi trường làm việc tối ưu cho cả người lao động nam và nữ, từ đó cả doanh nghiệp và người lao động đều được hưởng lợi ích kinh tế từ kết quả này.

­­EDGE hiện hợp tác với gần 250 tổ chức trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, Mạng lưới VBCWE hỗ trợ các doanh nghiệp đánh giá và nhận chứng chỉ này.

Có thể bạn quan tâm