Hành khách mang rắn lên tàu bay sẽ đối diện mức phạt nào?

Chuyện con rắn xuất hiện trên tàu bay của Vietjet đặt ra vấn đề về văn minh hàng không và trách nhiệm của kiểm soát an ninh sân bay.

Sự việc xảy ra với chuyến bay từ TP HCM ra Hà Nội hôm 7/6. Khi máy bay chuẩn bị khởi hành, tiếp viên phát hiện có rắn trong hộc hành lý phía trên. Sau đó, cơ trưởng quyết định cho tàu bay quay lại sân đỗ để kiểm tra và xử lý theo đúng quy trình. Toàn bộ hành khách đã được sắp xếp tiếp tục hành trình tới Hà Nội trên tàu bay mới.

Ông Đinh Việt Thắng - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, xác nhận con rắn do một nam hành khách để trong hành lý xách tay lên tàu bay. Ông Thắng khẳng định tất cả các loại động vật đều bị cấm đưa lên tàu bay nên Cục Hàng không Việt Nam đã yêu cầu các bên liên quan báo cáo, làm rõ sự việc, lập tổ xác minh để đưa ra hình thức xử lý.

Những trường hợp hành khách cố tình qua mặt an ninh sân bay, mang rắn lên tàu bay đã từng xảy ra tại nhiều nơi trên thế giới.

Ngoài rắn, nhiều loại động vật khác cũng được cơ quan chức năng phát hiện sau khi hành khách để trong hành lý, qua được khâu kiểm tra an ninh và lên tàu bay.

Để thử về độ ngặt nghèo của an ninh sân bay, Bộ An ninh Nội địa Mỹ đã từng tiến hành một cuộc điều tra và phát hiện sự cố an ninh tại hàng chục sân bay đông đúc nhất nước này. Cụ thể, các nhân viên điều tra bí mật đóng giả người buôn lậu mang theo vũ khí, chất nổ giả và hàng lậu lên tàu bay mà không bị an ninh phát hiện. Nghiên cứu cho thấy đặc vụ an ninh mặt đất giả làm hành khách có 95% khả năng thành công trong việc mang vũ khí qua cửa an ninh sân bay.

Trở lại câu chuyện hành khách mang rắn lên tàu bay tại sân bay Tân Sơn Nhất, rõ ràng an ninh sân bay đã không phát hiện được con rắn này khi soi chiếu hành lý của hành khách.

Bên cạnh đó, bản thân hành khách không thực hiện đúng yêu cầu về hàng hóa trong hành lý khi cố tình mang theo rắn lên tàu bay. Hiện tại, tất cả các hãng hàng không đều từ chối vận chuyển với những hành lý hoặc vật phẩm trong hành lý là động vật sống hoặc chết.

Hiện, quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi săn bắt, giết động vật rừng được căn cứ theo quy định tại Nghị định số 35/2019/NĐ-CP ngày 25/4/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Lâm nghiệp và Bộ Luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Theo đó, hành vi vi phạm về săn bắt, giết động vật rừng trái quy định pháp luật thì căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm để xem xét xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 21 Nghị định số 35/2019/NĐ-CP hoặc xử lý hình sự theo quy định tại Điều 234, 244 Bộ Luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Có thể bạn quan tâm