Hệ lụy từ “Brexit không thỏa thuận”

Tiến trình đàm phán Brexit đang bước vào giai đoạn cuối cùng, song nguy cơ về một “Brexit không thỏa thuận” vẫn đang đặt nước Anh trước một loạt thách thức mới.
Hệ lụy từ “Brexit không thỏa thuận”

Trong khi doanh nghiệp Anh đang “lo sốt vó” trước những tổn thất mà họ phải gánh chịu, thì người dân “xứ sở sương mù” dường như đã cạn niềm tin vào cuộc đàm phán nhiều trắc trở này.

Theo kế hoạch, việc Anh rời khỏi “mái nhà chung châu Âu” sẽ diễn ra vào tháng 3-2019, song cho đến nay cả Luân Đôn và Liên hiệp châu Âu (EU) vẫn chưa thể nhất trí một số vấn đề chủ chốt. “Vật cản” lớn nhất trong tiến trình đàm phán giữa hai bên là vấn đề biên giới giữa Bắc Ai-len và CH Ai-len cùng các thỏa thuận hải quan.

Đàm phán Brexit “không đi đến đâu” đang đặt kinh tế Anh trước nhiều hệ lụy. Hãng xếp hạng tín dụng Fitch đánh giá sự chia rẽ ngày càng sâu sắc trên chính trường Anh về Brexit cũng như các vấn đề liên quan mối quan hệ trong tương lai giữa Anh và EU đã làm gia tăng nguy cơ về một Brexit không thỏa thuận. Một khi kịch bản này xảy ra sẽ phá vỡ các hoạt động hải quan, thương mại và trở thành “ác mộng” đối với kinh tế Anh. Trước triển vọng không chắc chắn của tiến trình Brexit, Fitch dự báo tốc độ tăng trưởng GDP của Anh có thể giảm từ mức 1,7% của năm 2017 xuống còn 1,3% trong năm nay. Trong khi đó, hãng xếp hạng tín dụng toàn cầu S&P cũng vừa đưa ra những đánh giá tiêu cực về nền kinh tế Anh, chủ yếu do quan ngại kinh tế Anh bị tác động tiêu cực từ Brexit.

Việc nước Anh có thể “tay trắng rời EU” không chỉ gây thiệt hại cho Anh, mà còn khiến các đối tác lo ngại bị vạ lây. 27 trong số 164 thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vừa bày tỏ quan ngại về việc Anh rời EU không suôn sẻ sẽ liên quan đến hạn ngạch và thuế các sản phẩm nông nghiệp cùng nhiều vấn đề khác. Anh và EU đã chính thức nộp thủ lục “ly hôn” tại WTO, song việc đạt được thỏa thuận toàn diện về quan hệ trong tương lai trước tháng 3-2019 vẫn là một thách thức. Hiện EU vẫn là đại diện của Anh tại WTO và quyền lợi của Luân Đôn không được xem xét riêng biệt. Bởi vậy, một khi đàm phán Brexit bế tắc và không theo kịch bản đã định, nhiều vấn đề phức tạp sẽ nảy sinh trong quan hệ thương mại giữa Anh và các đối tác; doanh nghiệp Anh sẽ không được bảo vệ theo quy định WTO.

Tương lai bất định của tiến trình Brexit hiện là mối lo ngại lớn đối với các doanh nghiệp của Anh. Truyền thông Anh cho biết, nhiều công ty vận tải tại “xứ sở sương mù” đang chuẩn bị sẵn sàng cho kịch bản xấu nhất khi Luân Đôn rời EU mà không đạt được thỏa thuận. Nếu kịch bản trên xảy ra, các điểm kiểm tra hải quan mới lập sẽ gây cản trở hoạt động vận chuyển hàng hóa, nguy cơ dẫn đến các chuỗi cung ứng xuyên biên giới bị gián đoạn và ách tắc phương tiện tại các cửa khẩu. Giám đốc điều hành Hiệp hội vận tải đường bộ Anh ước tính mỗi phương tiện dừng hoạt động trong một giờ sẽ thất thu 50 bảng Anh và nếu sự việc tái diễn trong nhiều tuần, những công ty vận tải sẽ buộc phải ngừng hoạt động. Các chuyên gia kinh tế nhận định, nếu Anh rời EU mà không kèm theo thỏa thuận, cuộc cạnh tranh xin Giấy phép Hội nghị Bộ trưởng Giao thông vận tải các nước thuộc EU (ECMT) tới đây sẽ rất khốc liệt. Sở dĩ các doanh nghiệp Anh phải cạnh tranh để xin cấp giấy phép ECMT nói trên là vì hiện có khoảng 38.000 xe tải của Anh thường xuyên chạy trên các tuyến đường của châu Âu mà không cần giấy phép.

Chỉ còn 5 tháng nữa sẽ rời EU, Anh còn phải chịu sức ép ngày càng gia tăng trong việc gia hạn hay ký lại các thỏa thuận mà EU hiện có với 168 nước trên thế giới, nhằm duy trì những quyền lợi mà Anh đang được hưởng với tư cách là thành viên EU. Tuy nhiên cho đến nay, Anh mới dàn xếp được 14 trong tổng số 236 thỏa thuận quốc tế mà EU đã ký với các nước trên thế giới. Điều này làm nảy sinh mối lo mới về nguy cơ gián đoạn nếu nước Anh rời EU mà không đạt được thỏa thuận nào.

Người dân Anh ngày càng mất niềm tin vào tiến trình đàm phán. Mới đây, hơn một triệu người đã ký vào bản kiến nghị kêu gọi Chính phủ Anh cho phép công dân có tiếng nói về Brexit. Tuần trước, hơn 500.000 người đã tuần hành ở thủ đô Luân Đôn đòi “có tiếng nói cuối cùng về Brexit”.

Hơn hai năm trước, Anh đã trưng cầu ý dân về Brexit ngày 23-6-2016 và đa số người dân nhất trí rời khỏi EU. Tuy nhiên, ở thời điểm đó, ít ai lường trước những hệ lụy từ một kịch bản “Brexit không thỏa thuận” như hiện nay. Tình thế “tiến thoái lưỡng nan” của “xứ sở sương mù” đang gây áp lực lớn với chính phủ đương nhiệm ở Anh, song mặt khác việc Anh rời EU với nguy cơ “thiệt đơn thiệt kép” lại giúp cho EU tránh được mối lo những cuộc ly hôn tương tự trong tương lai.

Theo Thăng Long/Nhân Dân

>> Anh đối diện hậu quả gì nếu kịch bản Brexit "không thỏa thuận" xảy ra?

Có thể bạn quan tâm