Hiện tượng chuyển giá đã lan sang các doanh nghiệp nội địa

Chuyển giá lâu nay vẫn được xem là vấn nạn xảy ra tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhưng đến nay có vẻ như đã lan sang các doanh nghiệp nội địa.
Hiện tượng chuyển giá đã lan sang các doanh nghiệp nội địa

Mới đây, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục thuế Đặng Ngọc Minh cho hay, năm 2020, cơ quan thuế thực hiện chủ trương của Chính phủ, chỉ tập trung thanh kiểm tra các lĩnh vực không chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và áp dụng các quy định về trần chi phí lãi vay tại Nghị định 20, nhưng vẫn phát hiện nhiều trường hợp vi phạm quy định về thuế.

Trong 9 tháng năm 2020, cơ quan thuế đã tiến hành thanh kiểm tra 263 doanh nghiệp, truy thu, truy hoàn và phạt 525 tỷ đồng. Trong đó, có 177 doanh nghiệp FDI, số thuế truy thu các doanh nghiệp này khoảng 442 tỷ đồng.

Đáng lưu ý, hiện tượng chuyển giá giữa các doanh nghiệp trong nước ngày càng gia tăng. Nguyên nhân được cho là do Việt nam có nhiều chính sách ưu đãi thuế theo địa bàn, lĩnh vực, trong khi đó nhiều doanh nghiệp trong nước lại đang hoạt động đa nghề, đa lĩnh vực.

Do vậy, khi có sự chênh lệch thuế giữa các lĩnh vực có quan hệ liên kết sẽ phát sinh chuyển lợi nhuận từ doanh nghiệp, pháp nhân hay địa bàn có thuế suất cao sang thuế suất thấp.

“Kể cả trong trường hợp không có chênh lệch lãi suất thì doanh nghiệp vẫn có hoạt động chuyển lợi nhuận từ doanh nghiệp có lãi sang doanh nghiệp lỗ”, ông Minh nhấn mạnh.

Chưa kể, nhiều doanh nghiệp trong nước sử dụng mối liên hệ liên kết để thực hiện các khoản vay, đầu tư vào các hoạt động sản xuất kinh doanh ở lĩnh vực rủi ro.

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 132/2020/NĐ-CP (Nghị định 132) quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết (thay thế Nghị định số 20) về các biện pháp quản lý thuế đối với các giao dịch liên kết.

Theo đó, Nghị định đã nâng mức khống chế chi phí lãi vay từ 20% lên 30%. Cho phép khống chế chi phí lãi vay sau khi đã trừ lãi tiền gửi, tiền vay và mở rộng đối tượng được miễn áp dụng quy định khống chế.

Tính toán của cơ quan soạn thảo cho thấy, quy định hồi tố năm 2017, 2018 đối với nội dung nâng ngưỡng khống chế chi phí lãi vay từ 20% lên 30% đồng thời cho bù trừ với lãi tiền gửi, tiền cho vay, dự kiến số thuế phải hoàn hoặc khấu trừ vào khoảng 4.785 tỷ đồng.

Ngoài ra, Nghị định 132 còn mở rộng đối tượng loại trừ áp dụng quy định giới hạn chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp như: các khoản vay vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vay ưu đãi của Chính phủ thực hiện theo phương thức Chính phủ đi vay nước ngoài cho các doanh nghiệp vay lại…

Nghị định 132 cũng bổ sung quy định về nộp báo cáo lợi nhuận liên quốc gia nhằm đảm bảo thuận lợi cho người nộp thuế và cam kết của Việt Nam khi tham gia Diễn đàn BEPS của OECD, phù hợp điều kiện bối cảnh của Việt Nam.

Có thể bạn quan tâm