Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam sẽ tổ chức Đại hội bất thường năm 2022

Ngày 8/7, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam sẽ tổ chức Đại hội bất thường năm 2022 nhằm xem xét sửa đổi, bổ sung Điều lệ Hiệp hội cho phù hợp hơn với các quy định của pháp luật. Theo kế hoạch, Đại hội bất thường cùng với Hội nghị thường niên lần thứ hai, nhiệm kỳ VII của Hiệp hội được tổ chức tại Đà Nẵng.
Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam sẽ tổ chức Đại hội bất thường năm 2022

Qua quá trình 8 năm triển khai thực hiện, về cơ bản nội dung quy định tại Điều lệ Hiệp hội Ngân hàng sửa đổi, bổ sung năm 2014 là phù hợp với quy định pháp luật và phù hợp với tình hình thực tế hoạt động của Hiệp hội.

Thời gian qua, Hội đồng Hiệp hội, Cơ quan Thường trực, các đơn vị trực thuộc và các tổ chức hội viên (TCHV) đã quán triệt, triển khai và thực hiện nghiêm túc các quy định của Điều lệ.

Do đó, Hội đồng Hiệp hội, Tổng Thư ký căn cứ thẩm quyền đã ban hành các quy định, quy chế, hướng dẫn thi hành Điều lệ tương đối đồng bộ và thống nhất để thực hiện trong toàn Hiệp hội.

Đến nay, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam có 74 TCHV. Hiệp hội hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các TCHV, tập hợp, động viên hội viên hợp tác, hỗ trợ nhau trong hoạt động kinh doanh. 

Thực hiện vai trò cầu nối giữa các hội viên với cơ quan quản lý Nhà nước, hỗ trợ hoạt động của các TCHV hoạt động an toàn hiệu quả, phát triển bền vững, qua đó góp phần thực thi chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

Thực hiện công tác truyền thông về các hoạt động ngân hàng tới các tổ chức, cá nhân trong xã hội nhằm tạo sự đồng thuận trong quá trình thực hiện các hoạt động của ngành Ngân hàng, các TCHV.

Thực hiện theo các tôn chỉ, mục đích đề ra, Hiệp hội Ngân hàng đã ngày càng thể hiện rõ vai trò của mình thông qua thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Điều lệ dưới sự chỉ đạo sát sao của Hội đồng hiệp hội và tổ chức điều hành mọi hoạt động của Cơ quan Thường trực, đứng đầu là Tổng Thư ký; sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị trực thuộc, các tổ chức hội viên.

Các kết quả đạt được rất đáng khích lệ, có thể kể đến như: góp ý những văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động ngân hàng và nhiều ý kiến được các bộ, ngành chấp thuận sửa đổi, bổ sung tạo khuôn khổ pháp lý an toàn cho các TCTD góp phần ổn định kinh tế xã hội; thể hiện vai trò đại diện các TCHV trong việc kiến nghị các cơ quan tư pháp, cơ quan bảo vệ pháp luật, giải quyết tranh chấp, khiếu nại trên nguyên tắc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của TCHV;

Hiệp hội đã tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm, tham gia ý kiến tại các cuộc họp với các cơ quan quản lý nhà nước, với các cơ quan soạn thảo văn bản pháp luật/chính sách.

Thông qua truyền thông trên các kênh đại chúng và phương tiện truyền thông của Hiệp hội là Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ (bản giấy) và Tạp chí điện tử (thitruongtaichinhtiente.vn), website (vnba.org.vn), với những bài viết mang tính thực tiễn cao, nhiều bài viết phân tích/bình luận chuyên sâu để định hướng dư luận, phản ánh kịp thời khó khăn vướng mắc, tình hình hoạt động, những kết quả thành công của TCHV nhằm tuyên truyền, bảo vệ, nhân rộng gương điển hình, tạo sự đồng thuận của xã hội đối với hoạt động ngân hàng…

Dù đạt được nhiều kết quả tích cực, có nhiều đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế nói chung, ngành Ngân hàng nói riêng nhưng qua quá trình triển khai vào thực tiễn, Điều lệ đã bộc lộ những vướng mắc, tồn tại, có thể kể đến như: liên quan đến công tác hội viên; vướng mắc trong công tác tổ chức, hoạt động; vướng mắc trong công tác điều hành…

Do vậy, căn cứ vào các quy định pháp lý hiện hành của Nhà nước về quản lý hội (hiện là Nghị định 45/2010/NĐ-CP, Nghị định 33/2012/NĐ-CP của Chính phủ, Thông tư 03/2013/TT-BNV, Thông tư 01/2022/TT-BNV,... của Bộ Nội vụ), Hội đồng Hiệp hội đã có Nghị quyết và chỉ đạo Cơ quan Thường trực tiến hành nghiên cứu, rà soát Điều lệ (sửa đổi, bổ sung năm 2014), trên cơ sở: lấy tôn chỉ, mục đích hoạt động của Hiệp hội Ngân hàng làm nền tảng; căn cứ vào yêu cầu và thực tế hoạt động, quy mô, vai trò, vị thế của Hiệp hội Ngân hàng; tầm nhìn và định hướng hoạt động của Hiệp hội Ngân hàng trong thời gian tới… để xây dựng dự thảo Điều lệ sửa đổi, bổ sung.

Dự thảo đã được Hội đồng Hiệp hội tổ chức lấy ý kiến rộng rãi và nhận được sự hưởng ứng tham gia tích cực, có trách nhiệm từ các đơn vị trực thuộc, các tổ chức hội viên và Cơ quan Thường trực Hiệp hội.

Những nội dung phù hợp đã được Ban soạn thảo và Hội đồng Hiệp hội nghiên cứu, tiếp thu chỉnh sửa, bổ sung, trong đó đáng chú ý: nhiệm kỳ Đại hội Hiệp hội sẽ được điều chỉnh thành 5 năm thay vì 4 năm như trước đây; quy định rõ hơn về quyền hạn nhiệm vụ của Hội đồng Hiệp hội và Thường trực Hội đồng Hiệp hội; Bổ sung quy định “Phó Chủ tịch Hiệp hội do Hội đồng hiệp hội bầu trong số các thành viên Hội đồng. Số lượng Phó Chủ tịch do Hội đồng Hiệp hội quyết định, trong đó một Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký”…

Có thể nói, hoàn thành việc bổ sung, sửa đổi Điều lệ - văn bản pháp lý cốt lõi, quan trọng nhất của Hiệp hội sẽ là cơ sở để triển khai các hoạt động của Hiệp hội hiệu quả hơn, đồng thời qua đó xem xét, rà soát bổ sung, sửa đổi, ban hành mới các văn bản thuộc thẩm quyền Hội đồng Hiệp hội và Tổng Thư ký. Như vậy hệ thống các văn bản của Hiệp hội sẽ có tính đồng bộ, thống nhất hơn.

Trong cùng ngày, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng sẽ tổ chức Hội nghị thường niên lần thứ 2, nhiệm kỳ VII. Hội nghị được tổ chức mỗi năm một lần để quyết định và thông qua những vấn đề quan trọng liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức hội viên, cũng như đưa ra các giải pháp tổ chức thực hiện nhằm tạo vị thế và phát huy đầy đủ vai trò trách nhiệm của Hiệp hội đối với hội viên.

Có thể bạn quan tâm