Hoàng Anh Gia Lai báo lỗ 1.400 tỷ đồng, “đảo nợ” trái phiếu 12 nghìn tỷ đồng

Quý 4/2016, CTCP Hoàng Anh Gia Lai (mã: HAG) tiếp tục lỗ hơn 124 tỷ đồng, nâng lỗ luỹ kế cả năm lên hơn 1.414 tỷ đồng. Quy mô nợ của tập đoàn tiếp tục “phình” to lên tới hơn 36 nghìn tỷ đồng, song áp
Hoàng Anh Gia Lai báo lỗ 1.400 tỷ đồng, “đảo nợ” trái phiếu 12 nghìn tỷ đồng

Các chủ nợ ngân hàng, CTCK đã tiến hành cơ cấu giãn nợ cho HAG trong 10 năm tới

Cả năm lỗ 1.400 tỷ đồng

Theo BCTC hợp nhất quý 4/2016 vừa công bố, trong kỳ này, công ty đã có cải thiện kết quả kinh doanh. Cụ thể, doanh thu thuần trong kỳ này đạt hơn 1.543 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn hàng bán chỉ tăng 25% nên lãi gộp HAG đạt gần 236 tỷ đồng trong kỳ cùng kỳ năm trước chỉ đạt vỏn vẹn 3 tỷ đồng.

Doanh thu tài chính quý này giảm nhẹ chỉ đạt 176 tỷ đồng, chi phí lãi vay tăng lên 382 tỷ đồng (cùng kỳ năm trước chỉ là 329 tỷ đồng) và đây là nguyên nhân khiến HAG bị lỗ nặng quý này.

Chi phí bán hàng vẫn tăng lên 37 tỷ đồng, còn chi phí quản lý giảm mạnh chỉ còn gần 16 tỷ đồng so với mức 113 tỷ đồng của cùng kỳ quý 4/2015.

Do đó, lợi nhuận trước thuế 4 bị lỗ 207 tỷ đồng, còn số lỗ của cổ đông công ty mẹ là hơn 124 tỷ đồng.

Lũy kế cả năm 2016, Hoàng Anh Gia Lai ghi nhận doanh thu thuần hơn 6.454 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 3,2% so với năm 2015, doanh thu tài chính hơn 987,6 tỷ đồng.

Lợi nhuận trước thuế bị lỗ hơn 1.395 tỷ đồng, lỗ của công ty mẹ hơn 1.020 tỷ đồng và lần đầu tiên HAG báo lỗ trong vòng 10 năm qua.

Về cơ cấu doanh thu, Hoàng Anh Gia Lai vẫn ghi nhận doanh thu chủ yếu từ mảng kinh doanh bò với tỷ trọng cao nhất là gần 905 tỷ đồng, song biên lãi gộp mảng này chỉ đạt hơn 5,4%. Luỹ kế cả năm doanh thu bán bò đạt hơn 3.500 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 55%.

Doanh thu từ mảng cao su vẫn rất thấp dù giá cao su hồi phục vào thời điểm cuối năm 2016, nhưng giúp HAG thoát lỗ quý 4, ghi nhận lãi gộp gần 6 tỷ đồng. Doanh thu cao su cả năm đạt 114 tỷ đồng, giảm so với con số 196 tỷ của năm 2015.

Mảng kinh doanh đường bị lỗ 11 tỷ đồng trong quý 4 do giá đường biến động sụt giảm. Luỹ kế doanh thu cả năm bị giảm gần một nửa, chỉ đạt 469 tỷ đồng.

Ngoài ra, các mảng dịch vụ, bán sản phẩm cũng đem về lần lượt 879 tỷ đồng 629 tỷ đồng doanh thu. 

Tại thời điểm 31/12/2016, tổng tài sản của Hoàng Anh Gia Lai tăng hơn 3.700 tỷ đồng lên trên 53.000 tỷ đồng so với đầu năm. 

Gia hạn khối nợ chục nghìn tỷ?

Năm 2016 là năm sóng gió với Hoàng Anh Gia Lai khi tình hình kinh doanh khó khăn, áp lực trả nợ căng thẳng với khối nợ hàng tỷ USD.

Theo BCTC hợp nhất, đến cuối năm 2016, tổng nợ phải trả của toàn tập đoàn tăng mạnh lên tới 36.103 tỷ đồng, tăng thêm hơn 3.000 tỷ đồng so với cuối năm trước.

Trong đó, nợ ngắn hạn chiếm tới 13.883 tỷ đồng, chủ yếu là nợ vay ngắn hạn hơn 6.572 tỷ đồng, chiếm hơn 50% nợ ngắn hạn.

Còn nợ dài hạn chiếm chủ yếu 22.219 tỷ đồng, tăng so với cuối năm 2015, mà trong đó chủ yếu là vay dài hạn hơn 20.794 tỷ đồng.

Báo cáo cũng cho thấy dòng tiền trở nợ của Hoàng Anh Gia Lai đang rất căng thẳng, khi mà trong năm 2016, tập đoàn chỉ thu được 9.000 tỷ đồng tiền đi vay, nhưng phải đem đi trả nợ tới 9.879 tỷ đồng. Tức mất cân đối trả nợ gần 870 tỷ đồng. Áp lực “đảo nợ” tăng mạnh khi mà lượng tiền vay được năm 2016 chỉ bằng 60% so với năm trước.

Thuyết minh cụ thể, tổng quy mô nợ vay của HAG tăng nhẹ so với đầu năm, lên mức hơn 27.366 tỷ đồng tính đến cuối năm 2016.

Trong đó, nợ vay ngắn hạn giảm hơn 1.700 tỷ đồng xuống còn 6.572 tỷ đồng, chủ yếu nhờ trả bớt nợ ở Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam BIDV hơn 1.000 tỷ đồng và Ngân hàng liên doanh Lào Việt hơn 500 tỷ đồng.

Nhưng quy mô nợ vay dài hạn lại tăng đáng kể lên tới 20.794 tỷ đồng. Trong cơ cấu nợ vay dài hạn, dư nợ trái phiếu thường trong nước chiếm hơn một nửa là 11.542 tỷ đồng, vay ngân hàng hơn 8.938 tỷ đồng, còn lại nợ dài hạn khác 313 tỷ đồng.

Hàng chục chủ nợ ngân hàng thời gian qua đã rất khổ sở tìm cách “giải cứu” khối nợ cho Hoàng Anh Gia Lai. Chủ nợ lớn nhất- ngân hàng BIDV và công ty chứng khoán BSC hiện có dư nợ tại HAG hơn 10.862 tỷ đồng; bao gồm: 707 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn, 3.609 tỷ đồng nợ vay dài hạn, 6.546 tỷ đồng nợ trái phiếu (gồm cả của BSC).

Đáng chú ý, 7 chủ nợ đang “ôm” trái phiếu của HAG đã thực hiện cơ cấu giãn hoãn thời gian trả nợ cho HAG, trong khoảng 10 năm tới tính từ năm 2017-2026. Tổng nợ trái phiếu được cơ cấu lại hơn 12.360 tỷ đồng

Cụ thể, chủ nợ BIDV và BSC đã cơ cấu lại khối nợ trái phiếu 6.546 tỷ đồng này mới được phát hành ngày 31/12/2016, với thời gian đáo hạn từ ngày 31/12/2021 đến 31/12/2026.

Chủ nợ lớn thứ 2 là Công ty Chứng khoán của ngân hàng VPBank cũng đã cơ cấu lại nợ trái phiếu cho HAG. Cụ thể, 1.614 tỷ đồng trái phiếu (phát hàng ngày 28/11/2014) được giãn thời gian đáo hạn tới khoảng thời gian từ ngày 28/11/2019 đến 28/11/2021.

Khoản nợ trái phiếu 600 tỷ đồng do VPbank và công ty chứng khoán FPT đầu tư (phát hành 27/8/2015) cũng được đáo hạn trả nợ tới ngày 1/8/2019 đến ngày 1/8/2021.

Ngoài ra, các chủ nợ khác cũng đã cơ cấu giãn hoãn thời gian trả nợ cho HAG, trong khoảng thời gian từ năm 2017-2023 với tổng nợ trái phiếu được cơ cấu hơn 12.360 tỷ đồng. Đơn cử: Công ty TNHH Chứng khoán ACB (1.060 tỷ đồng), Công ty chứng khoán Phú Gia (930 tỷ đồng), Công ty chứng khoán Euro Capital (1.700 tỷ đồng)…

Hoàng Anh Gia Lai báo lỗ 1.400 tỷ đồng, “đảo nợ” trái phiếu 12 nghìn tỷ đồng ảnh 1

Danh mục nợ trái phiếu của Hoàng Anh Gia Lai đến cuối năm 2016

Dù vậy, HAG vẫn đang chịu áp lực trả khối nợ vay dài hạn gần 10 nghìn tỷ đồng tại 6 ngân hàng lớn. Cụ thể, dư nợ vay dài hạn tại BIDV là 3.609 tỷ đồng, Eximbank – Sở giao dịch 1 dư nợ 2.962 tỷ đồng, ngân hàng liên doanh Lào Việt dư nợ 1.391 tỷ đồng, HDbank dư nợ 1.042 tỷ đồng, Sacombank dư nợ 994 tỷ đồng. Riêng ACB đã thu hồi hết nợ dài hạn của HAG…

Thu Hằng

>> Hoàng Anh Gia Lai "oằn mình" trả lãi vay, ngân hàng cũng khóc 

Có thể bạn quan tâm