Hội thảo "Tiềm năng và cơ hội đầu tư cổ phiếu BĐS": Giải mã cơ hội và đón đầu xu hướng

Hội thảo "Tiềm năng và cơ hội đầu tư cổ phiếu bất động sản" được diễn ra tại TP. HCM với sự tham dự của các chuyên gia, diễn giả và hơn 250 lãnh đạo các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động
Hội thảo "Tiềm năng và cơ hội đầu tư cổ phiếu BĐS": Giải mã cơ hội và đón đầu xu hướng

Nhóm cổ phiếu bất động sản được đánh giá là một trong những nhóm ngành quan trọng gắn liền với sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam và luôn được các nhà đầu tư chú ý vì tiềm năng tăng trưởng cả trong ngắn hạn và dài hạn.

Thị trường chứng khoán nước ta nói chung, trong thời gian qua chứng kiến sự biến động thăng trầm sau giai đoạn tăng trưởng và bức phá mạnh mẽ ở nửa cuối năm 2017 và đầu năm 2018. VnIndex đã mất mốc 1.000 điểm, thanh khoản “cạn kiệt”, nhiều cổ phiếu giảm giá khiến không ít nhà đầu tư lo lắng...

Chính vì thế, để giúp các nhà đầu tư có được chiến lược đầu tư đúng đắn, hiệu quả trong thời gian tới, chiều nay (30/11), Báo Thương Gia phối hợp với Công ty CP Chứng khoán KIS Việt Nam tổ chức Hội thảo thường niên lần thứ 2 “Tiềm năng và cơ hội đầu tư cổ phiếu bất động sản” tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM, để cùng các chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp và các nhà đầu tư… thảo luận, cấp các thông tin, giải mã những cơ hội và thách thức, tìm ra xu hướng thị trường cho nhóm cổ phiếu này.

14h30:

Hội thảo "Tiềm năng và cơ hội đầu tư cổ phiếu BĐS": Giải mã cơ hội và đón đầu xu hướng ảnh 1

Ông Park Won Sang - CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam và ông Doãn Xuân Trường - đại diện Báo Thương Gia tặng hoa cảm ơn các diễn giả, nhà tài trợ, đối tác hỗ trợ cho hội thảo

Tham dự Hội thảo “Tiềm năng và cơ hội đầu tư cổ phiếu bất động sản” có các chuyên gia, diễn giả: TS.LS Bùi Quang Tín - chuyên gia Kinh tế Tài chính thuộc Đại học Ngân hàng TP.HCM; ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM; TS.Sử Ngọc Khương - Giám đốc Đầu tư Savills Việt Nam; ông Trương Hiền Phương - Giám đốc môi giới Chi nhánh TP.HCM, Công ty CP CK KIS Việt Nam; các lãnh đạo các doanh nghiệp tài trợ, đối tác: LDG, Thu Duc House, NetLand…

14h40:

Phát biểu khai mạc, ông Park Won Sang, TGĐ CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam cho biết, nền kinh tế Việt Nam đang trên đà tăng trưởng mạnh. Các chuyên gia trên thế giới đều có chung nhận định, sự phát triển này sẽ còn tiếp diễn trong tương lai.

Tất cả các chỉ số trong nền kinh tế như tỷ lệ tăng trưởng GDP, thu hút dòng vốn FDI, thặng dư thương mại sự ổn định trong tỷ giá của Việt Nam so với các quốc gia mới nổi khác thì cho thấy kết quả khả quan và nổi trội hơn.

Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những ruit ro làm cản trở sự tăng trưởng của nền kinh tế điển hình như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Vì vậy, năm 2019, toàn bộ nền kinh tế cũng rất có khả năng bị ngưng trệ. Đối với nền kinh tế có sự giao lưu, tương tác mạnh mẽ như Việt Nam thì đà đà tăng trưởng vẫn khá ổn định nhưng vẫn có thể bị ảnh hưởng ít nhiều từ nền kinh tế thế giới.

Hội thảo "Tiềm năng và cơ hội đầu tư cổ phiếu BĐS": Giải mã cơ hội và đón đầu xu hướng ảnh 2

 Ông Park Won Sang - TGĐ CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam

14h50 - Tham luận 1: "Chứng khoán hoá bất động sản"

Trao đổi với các khách mời tại hội thảo, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) nhận định, ở các nước thì các quỹ đầu tư và thị trường chứng khoán là nguồn cung cấp vốn chủ yếu cho thị trường BĐS. Cũng trong thời gian qua, các doanh nghiệp BĐS phụ thuộc rất lớn vào nguồn vay tín dụng ngân hàng nhưng do nguồn vốn huy động tiết kiệm ngắn hạn chiếm tỷ trọng lớn nên các ngân hàng chưa đáp ứng được nhu cầu vốn của thị trường BĐS.

Theo quy định pháp luật, chủ đầu tư dự án phải có vốn chủ sở hữu 15-20%, còn lại 80-85% nhu cầu vốn thì chủ yếu dựa vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng và vốn huy động từ khách hàng.

Còn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, năm 2018, ngân hàng thương mại chỉ được sử dụng 45% nguồn vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung hạn, dài hạn, trong đó có BĐS. Mức trần này sẽ giảm còn 40% kể từ 01/01/2019) và thực tế cho thất, tỷ trọng cho vay BĐS đang chiếm 7,5% tổng dư nợ tín dụng.

Tại TP. Hồ Chí Minh, tỷ trọng này là 10,8% cao hơn mức bình quân của cả nước. Điều này tiềm ẩn rủi ro cho cả hệ thống tín dụng và cả doanh nghiệp BĐS.

"Lộ trình giảm dần nguồn tín dụng này của Ngân hàng Nhà nước có mặt rất tích cực là đã tạo áp lực buộc các doanh nghiệp BĐS phải tìm kiếm các nguồn vốn bổ sung khác, trước hết là từ thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI), nhưng để thích ứng với lộ trình giảm dần nguồn tín dụng này, DN cần phải chuẩn bị thật tích cực về mọi mặt, ông Châu khuyên cáo. 

Riêng việc tìm kiếm nguồn vốn từ các quỹ đầu tư BĐS chưa khả thi vì cho đến nay, cả nước mới chỉ có 01 Quỹ đầu tư BĐS là TCREIT thuộc Techcombank với số vốn điều lệ rất nhỏ chỉ có 50 tỷ đồng nên chưa huy động được nguồn vốn nhàn rỗi rất lớn trong nước và cũng chưa đáp ứng được nhu cầu vốn rất lớn của thị trường BĐS.

Hiện, nguồn vốn FDI vào thị trường BĐS nước ta đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng đầu là Hàn quốc, Nhật Bản, Singapore, Trung quốc (Hongkong)...

Dù trong báo cáo thị trường BĐS TP.HCM, 10 tháng đầu năm 2018, thị trường có dấu hiệu sụt giảm rất rõ nét, lệch pha cung - cầu và đây là dấu hệt rõ nét của sự phát triển thị trường BĐS thiếu bền vững.

Thế nhưng, ông Châu vẫn lạc quan dự báo, thị trường BĐS đến Tết Kỷ Hợi và năm 2019 sẽ có sự phát triển khởi sắc hơn. Đây cũng là cao điểm của thị trường BĐS. Phân khúc nhà ở bình dân, có giá vừa túi tiền và phân khúc nhà ở trung cấp vẫn sẽ tiếp tục giữ vai trò chủ đạo của thị trường BĐS. Phân khúc nhà ở cao cấp đang có dấu hiệu thừa cung, phải đối diện với nhiều thách thức trong năm 2019.

Do vậy, các chủ đầu tư cần phải tính toán cơ cấu lại sản phẩm đưa ra thị trường. Sự cạnh tranh ở phân khúc căn hộ cao cấp sẽ rất khốc liệt, các dự án sẽ phát triển theo hướng tạo ra đẳng cấp khác biệt, độc đáo, tích hợp nhiều tiện ích, dịch vụ.

Trong đó, các dự án căn hộ cao cấp tại khu trung tâm thành phố lại được hưởng lợi thế "độc quyền" vì thành phố đã quyết định không chấp thuận thêm dự án chung cư cao tầng từ nay đến năm 2020. Đặc biệt, ông Châu nhân mạnh rất khó có thể xảy ra "bong bóng" BĐS trong năm 2019.

Hội thảo "Tiềm năng và cơ hội đầu tư cổ phiếu BĐS": Giải mã cơ hội và đón đầu xu hướng ảnh 4Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM trao đổi tham luận tại hội thảo

15h10 - Tham luận 2: "Những tác động của chính sách tài chính lên thị trường bất động sản năm 2019"

Trong phần tham luận đầu tiên, đánh giá về tình hình hỗ trợ vốn từ thị trường tài chính đến bất động sản thời gian qua, TS.LS Bùi Quang Tín cho biết, quy mô thị trường BĐS nước ta vào khoảng 25 tỷ USD. Tổng dư nợ đã lên đến gần 20 tỷ USD tương đương hơn 450.000 tỷ VND (tính đến cuối 2017), chiếm hơn 6,5% tổng dư nợ của nền kinh tế và chiếm khoảng 15,5% tổng dư nợ của toàn hệ thống ngân hàng và 80% nguồn vốn chảy vào bất động sản. Trong khi ở các nước khác, tỷ lệ này vào khoảng 35%.

Chính vì thế mà cơ cấu vốn đầu tư vào thị trường bất động sản đang bất cập, tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là khi Ngân hàng Nhà nước đưa ra các chính sách hạn chế dòng tiền chảy vào bất động sản.

Về nguồn vốn tín dụng ngân hàng, hiện có khoảng 60% doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chưa sử dụng được nguồn vốn ngân hàng, phần lớn trong số này là không tiếp cận được. Đặc biệt là khối doanh nghiệp khởi nghiệp, họ không có vốn, tài sản thế chấp, mà chỉ có trí tuệ, ý tưởng và phương án kinh doanh. Trong khi, tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chiếm đến 21% trong tổng dư nợ tín dụng.

Giải thích về nguyên nhân này, ông Tín cho hay do nhà nước còn nhiều khuôn khổ chính sách nên chưa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn; ngân hàng thì còn thờ ơ trong quan hệ với khách hàng là DNNVV. Dù vẫn cho vay bằng việc thế chấp để đảm bảo an toàn nhưng trong nền kinh tế số và khởi nghiệp, các dự án đầu tư nông nghiệp không có nhiều tài sản thế chấp để vay; các dự án và ý tưởng kinh doanh là nguồn lực quan trọng lại ít được coi là căn cứ để cấp tín dụng...

"Cơ cấu vốn đầu tư vào thị trường bất động sản đang bất cập, tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là khi Ngân hàng Nhà nước đưa ra các chính sách hạn chế dòng tiền chảy vào bất động sản", ông Tín đánh giá

Mặc khác, bản thân các DNNVV cũng thiếu minh bạch trong kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, các phương án kinh doanh ít khả thi. Đây là lý do để các thiết chế tài chính và tín dụng từ chối cấp vốn.

Còn về nguồn vốn về thị trường chứng khoán, ông Tín phân tích từ cuối 2017, có khoảng 60 doanh nghiệp BĐS niêm yết trên TTCK. Đây được xem là kênh tìm vốn hợp lý, bởi nguồn vốn cho BĐS thường lớn và dài hạn, trong khi các ngân hàng đang có xu hướng siết chặt tín dụng vào lĩnh vực này.

Về nguồn vốn từ quỹ đầu tư ngoại, tính đến cuối năm 2017, theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và đầu tư), Việt Nam đã thu hút được hơn 316,9 tỷ USD vốn FDI đăng ký, trên 170,8 tỷ USD đã được giải ngân, đưa vào đầu tư, sản xuất kinh doanh tại các doanh nghiệp có vốn FDI. Nguồn vốn này hiện đã chiếm tới gần 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong năm, đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế.

Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2018, FDI đổ vào bất động sản đã chiếm hơn 1/4 tổng vốn đầu tư FDI đăng ký vào Việt Nam. Với lượng vốn này, bất động sản là lĩnh vực hút vốn ngoại lớn thứ 2, chỉ sau công nghiệp chế biến, chế tạo.

So với cả năm 2017, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào bất động sản chỉ ở mức 3 tỷ USD thì năm nay, chỉ trong 6 tháng, nguồn vốn này đổ vào Việt Nam đã đạt hơn 5,5 tỷ USD.

Đáng chú ý, lĩnh vực này cũng bắt đầu xuất hiện những dự án tỷ USD. Trong đó, các dự án bất động sản được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm không chỉ dồn vào các dự án khách sạn, nghỉ dưỡng như trước đây, mà còn phát triển cả các dự án nhà ở và hạ tầng đô thị.

Theo quy định hiện nay, mức ưu đãi cao nhất về thuế TNDN đối với một số lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư đang được áp dụng tại các khu kinh tế, khu công nghệ cao là 10% trong thời hạn 15 năm; miễn 4 năm và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo.

Tuy nhiên, một thực tế cần nhìn nhận là hầu hết dòng vốn FDI vào Việt Nam đều đến từ các nước trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore. Trong khi đó, các nhà đầu tư đến từ châu Âu, Mỹ khá dè dặt với thị trường bất động sản Việt Nam.

Đối với việc cho người nước ngoài mua nhà: Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi đã quy định rất cởi mở, nhưng đến nay nhiều người nước ngoài vẫn không biết mua như thế nào, thủ tục ra sao, sau khi kinh doanh có lợi nhuận có được chuyển tiền về nước không? Tương tự đối với hoạt động đầu tư tại Việt Nam của các nhà đầu tư nước ngoài cũng vậy.

Đánh giá về tác động của chính sách tài chính đến thị trường bất động sản năm 2019, ông Bùi Quang Tín cho hay, về chính sách từ ngành ngân hàng quy định về vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn giảm từ 45% xuống 40%: theo TT19/2017/NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của TT36/2014 về tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn xuống 40% vào 1/1/2019, đồng thời tăng hệ số rủi ro đối với các khoản cho vay bất động sản từ mức 150% lên 200%. Chính điều này sẽ khiến van tín dụng vào bất động sản sẽ hẹp hơn.

Bên cạnh đó, Luật các TCTD 2010 sửa đổi, bổ sung (đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2018) quy định chặt chẽ hơn về quản trị rủi ro và quản trị hoạt động cho vay.

Đối với chính sách vốn từ thị trường chứng khoán, ông Tín cho rằng, vị thế của thị trường tài chính Việt Nam đối với công chúng, nhà đầu tư, hứa hẹn sẽ tác động tích cực lên khả năng hút dòng vốn đầu tư nước ngoài, cũng như cải thiện thanh khoản của thị trường, do mới đây thị trường chứng khoán Việt Nam đã được FTSE Russell - một trong những tổ chức cung cấp chỉ số uy tín toàn cầu chính thức đưa vào danh sách xem xét để nâng hạng từ thị trường cận biên (Frontier) lên thị trường mới nổi hạng hai (Secondary Emerging).

Song song đó, các yếu tố vĩ mô năm 2019 mà Quốc Hội đã thông qua khá thuận lợi: mức tăng GDP 6,6-6,8%, CPI khoảng 4%... sẽ hỗ trợ tốt cho TTCK tăng điểm nhiều hơn là rủi ro. Quy mô thị trường chứng khoán đến nay đạt khoảng 113% GDP.

Về xu hướng dòng vốn từ các Quỹ đầu tư ngoại, TS.Bùi Quang Tín cho biết, nguồn vốn FDI cam kết vào lĩnh vực BĐS tiếp tục có chiều hướng tăng cao trong thời gian tới và khá đa dạng, từ phát triển nhà ở đến sản xuất công nghiệp, bán lẻ, văn phòng và du lịch.

Xuất hiện xu hướng mở rộng dòng vốn FDI vào các phân khúc nhà ở trung cấp và bình dân. Có thể dẫn chứng những thương vụ giao dịch được công bố trong 3 năm trở lại đây như: nhà đầu tư Nhật Bản Hankyu Realty và Nishi Nippon Railroad hợp tác cùng Nam Long, hoặc Sanyo Homes và Tiến Phát và gần đây nhất là liên doanh giữa Mitsubishi Corporation và Phúc Khang.

Phân khúc đầu tư của các liên doanh đa dạng nhắm đến phân khúc căn hộ trung cấp và bình dân. Theo xu hướng này, có rất nhiều nhà đầu tư đang cân nhắc và sẵn sàng tham gia liên doanh, góp vốn với các chủ đầu tư Việt Nam có uy tín tốt.

Lợi thế của các chủ đầu tư trong nước đó là sự thông hiểu về thị trường, hệ thống hành lang pháp lý, danh mục các BĐS đã được xác lập, trong khi các nhà đầu tư nước ngoài với tiềm lực về vốn và kinh nghiệm phát triển dự án sẽ làm gia tăng giá trị dự án. Tài sản công nghiệp và hậu cần tiếp tục là phân khúc có sức hút mạnh mẽ.

Việc thiếu hụt các khu nhà máy kỹ thuật cao, không gian kho vận hậu cần hiện đại và nhu cầu mạnh mẽ từ khách thuê nước ngoài thúc đẩy tiềm năng tăng trưởng của ngành công nghiệp này. Chính vì vậy mà ngành công nghiệp và kho vận tại Việt Nam vẫn nằm trong tầm ngắm của nhà đầu tư nước ngoài.

15h20: Tham luận 3 - Dòng vốn đầu tư và những động lực tăng trưởng mới của thị trường bất động sản năm 2019

Hội thảo "Tiềm năng và cơ hội đầu tư cổ phiếu BĐS": Giải mã cơ hội và đón đầu xu hướng ảnh 6

"Qua các đánh giá chung, trong 5 năm qua từ 2014 đến 2018, cổ phiếu hai ngành ngân hàng và bất động sản đã đạt mức tăng trưởng 3 con số, trong khi VNIndex chỉ dừng ở mức hai con số", TS. Sử Ngọc Khương đánh giá

Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn và thiếu các cơ hội đầu tư an toàn, tiềm năng cao thì kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường BĐS nói riêng trở thành một trong những điểm đến thu hút dòng tiền của các nhà đầu tư thế giới nhờ vào sự tăng trưởng kinh tế vĩ mô tích cực và ổn định.

TS. Sử Ngọc Khương - Giám đốc Đầu tư Savills Việt Nam nhận định thị trường bất động sản cũng như cổ phiếu BĐS sở hữu những tín hiệu tăng trưởng tích cực.

Dù lạc quan vậy nhưng TS. Sử Ngọc Khương cũng đưa ra lời khuyên cho các DN cần phải thận trọng hơn trong hoạt động kinh doanh BĐS. Bởi hoạt động BĐS luôn tiềm ẩn những rủi ro lớn, nhất là khi điều kiện nguồn cung hạn chế vì thủ tục kéo dài hoặc quỹ đất sạch ngày càng thu nhỏ, hay việc kiểm soát chất lượng sản phẩm sau bàn giao… đều có thể ảnh hưởng đến chu kỳ của thị trường.

Cụ thể, theo Thông tư 36 sửa đổi, quy định kể từ ngày 1/1/2019, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được sử dụng tối đa 40% nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn. Hệ số rủi ro của các khoản vay để kinh doanh bất động sản là 200%.

Chỉ thị 04 của Ngân hàng nhà nước cũng khẳng định chủ trương kiểm soát tín dụng chặt chẽ vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như BĐS, chứng khoán… Vì lẽ này, trên thực tế các ngân hàng khó còn “room” tín dụng để cho vay bất động sản và tỉ lệ tín dụng vào ngành địa ốc có khả năng giảm xuống trong năm 2019.

Tuy nhiên, xét trên bình diện rộng hơn, triển vọng kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng cũng khá lạc quan khi các nhà phát triển BĐS có những chiến lược kết hợp rất cụ thể nhằm tận dụng thế mạnh của nhau.

Ngoài ra, đà tăng trưởng từ chính sách cũng góp phần vào sự hồi phục đáng kể của thị trường giao dịch, dưới sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán và đặc biệt là nhóm bất động sản.

Cũng theo TS.Khương, bên cạnh những doanh nghiệp lớn, cổ phiếu BĐS cũng được chú ý từ những mã có vốn hóa doanh nghiệp vừa và nhỏ, với dư địa phát triển khá tiềm năng. Qua các đánh giá chung, trong 5 năm qua từ 2014 đến 2018, cổ phiếu hai ngành ngân hàng và bất động sản đã đạt mức tăng trưởng 3 con số, trong khi VNIndex chỉ dừng ở mức hai con số.

“Bước vào quý 4.2018 cũng như Q1. 2019, số lượng giao dịch chung cư, nhà liền kề và đất nền dự báo tăng trưởng và có khả năng cải thiện đáng kể doanh thu và lợi nhuận của các công ty bất động sản. Một trong những biểu hiện dễ nhận thấy nhất là việc các cổ phiếu nhóm ngành bất động sản niêm yết trên thị trường dần thu hút được nhiều hơn sự quan tâm của dòng tiền”, TS.Sử Ngọc Khương nhận định.

15h45: Tham luận 4 - “Cổ phiếu bất động sản – Nắng mai tràn về”

Đồng quan điểm với TS.Ngọc Khương, ông Trương Hiền Phương, Giám đốc Môi giới, Công ty CP Chứng khoán KIS Việt Nam, Chi nhánh TP.HCM thông tin thêm, hiện nay, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã vượt qua khó khăn và có những bước hồi sinh.

Tăng trưởng tín dụng đã tăng 12% - đây là con số không hề nhỏ so với những năm trước và có thể sẽ tiếp tục tăng. Giao dịch căn hộ của 3 quý vừa qua đã tăng nhẹ 5% so với cùng kì năm trước (theo báo cáo CBRE) do dòng vốn cho bất động sản đã được khơi thông.

Trong 5 năm trở lại đây, tín hiệu tăng trưởng GDP rất tốt, tương lai sẽ còn “sáng” hơn, đồng nghĩa với việc người dân cũng đang hưởng lợi hơn rất nhiều so với trước. Chính vì thế mà kéo theo tốc độ phát triển của cổ phiếu BĐS, mà ông Phương dựa trên 4 yếu tố để nhận định: kinh tế tiếp tục tăng trưởng và ổn định; khả năng liên kết giữa các đô thị ngày càng mở rộng; doanh nghiệp bất động sản gia tăng tiềm lực; nhu cầu đất nền và BĐS nghỉ dưỡng ngày càng được ưa chuộng.

Ông Phương cho hay, từ DN BĐS thông qua 3 góc nhìn sẽ thấy rõ được điều đó: nhìn công ty BĐS từ góc độ thị trường vốn; góc độ kết quả kinh doanh; góc độ chỉ số tài chính.

Cụ thể, Các DN BĐS hiện nay đang mở rộng nguồn vốn không chỉ là từ tín dụng ngân hàng, mà còn thị trường chứng khoán, vốn từ quỹ đầu tư ngoại... việc phân bổ lựa chọn nguồn vốn sẽ tránh phụ thuộc vào một nguồn tài chính và rủi ro cũng sẽ giảm theo.

"Các nhà đầu tư nếu có quan tâm đến cổ phiếu thì điều đầu tiên hãy xem chi tiết về DN mà mình quan tâm, tìm hiểu kỹ về sức khỏe của DN đó và cuối cùng là chờ đợi khi nào thị trường có điều chỉnh hợp lý thì mình mua vào", ông Phương khuyến cáo

Từ 2017-2018, nhiều công ty BĐS đang sử dụng tối đa ngồn vốn mình có được, bản thân họ có sản phẩm có nguồn vốn họ sẽ tận dụng tối đa cơ hội của mình. Lợi nhuận ròng của các DN đang tăng trưởng khá là tốt và có tính đồng đều, đi vào quỹ đạo, hướng đi chắc chắn hơn so với những năm trước,

Dòng tiền âm của các công ty BĐS hiện nay khá lớn, đồng nghĩa các DN đã chủ động “bung” tiền nhiều hơn vào các dự án, thì đây là một trong những tín hiệu vui, chỉ sợ DN không có dự án để bán mà thôi, ông Phương nhận định.

Nhìn nhận một số công ty BĐS hiện nay, chỉ số PE của các công ty BĐS dưới 15, Chỉ số PB, đa phần dưới 1 hoặc tiệm cận 1 vẫn còn rất là thấp, tất nhiên vẫn có một số đơn vị đạt mức cao hơn nhưng mặt bằng chung thị trường thì giá của các cổ phiếu khá là rẻ. Vậy, chúng ta có thể dễ dàng cân nhắc để có thể mua và không trả giá ở những mức cao hơn.

Đứng ở góc nhìn là một người chuyên làm về tài chính cổ phiếu, ông Phương khuyến nghị các nhà đầu tư nếu có quan tâm đến cổ phiếu thì điều đầu tiên hãy xem chi tiết về DN mà mình quan tâm, tìm hiểu kỹ về sức khỏe của DN đó và cuối cùng là chờ đợi khi nào thị trường có điều chỉnh hợp lý thì mình mua vào.

16h10: Roadshow “Giá trị và tầm nhìn chiến lược của các doanh nghiệp bất động sản” và phần thảo luận với các nhà đầu tư, cùng các chuyên gia, diễn giả:

- TS.LS.Bùi Quang Tín, Chuyên gia kinh tế, ĐH Ngân hàng TP.HCM

- TS.Sử Ngọc Khương, Giám đốc đầu tư Savills Việt Nam

- Ông Trương Hiền Phương, Công ty CP Chứng khoán KIS Việt Nam

- Ông Nguyễn Minh Khang – TGĐ Công ty CP Đầu tư LDG

- Ông Nguyễn Ngọc Trường Chinh – Phó TGĐ Thủ Đức House

- Ông Bùi Văn, chuyên gia kinh tế, Giám đốc kênh truyền hình FBNC điều phối phiên thảo luận

Có thể bạn quan tâm