Hơn cả một giấc mơ!

Không chỉ người bản địa mà cả khách du lịch khi đến thành phố Frederiction, tiểu bang New Brunswick, Canada rất thích tìm mua bánh Samosa – một loại bánh có xuất xứ từ Ấn Độ, nổi tiếng tựa như bánh đậu xanh Hải Dương của Việt Nam.
Chủ của công ty sản xuất ra loại bánh trứ danh này là người Việt Nam – chị Nguyễn Thúy Nga.
Chủ của công ty sản xuất ra loại bánh trứ danh này là người Việt Nam – chị Nguyễn Thúy Nga.

Đặt giới hạn để thử sức mình

10 năm trước, chị Nga cùng gia đình chuyển sang Canada định cư, hòng mong kiếm tìm cho hai cậu con trai vừa đến tuổi trưởng thành cơ hội học tập, phát triển và tạo lập sự nghiệp một cách vững chắc.

Nhưng đời không đẹp như mơ. Việc đến một môi trường mới, xa rời quê nhà, người thân, bạn bè, trường lớp không chỉ tạo nên những cú sốc với hai cậu thanh niên chưa ra khỏi vòng tay mẹ mà còn cho chính bản thân chị. No English. No jop. No friends (không tiếng Anh, việc làm, bạn bè) là điều thật kinh khủng. Trong những đêm dài không ngủ, nước mắt chảy dài, chị đã từng rất ân hận, thấy mình quá liều lĩnh khi đưa con đến vùng đất hứa này.

Phải có tiền để sống! Số tiền mang theo chỉ tiêu chưa đầy năm đã gần cạn – nhiều hơn gấp 3 lần con số mà nhà tư vấn định cư đã đưa ra cho chị. Nhìn quanh thấy trẻ em ở đây có ý thức lao động từ bé, biết làm việc nhà, dọn rác. Có khi 5,6 tuổi đã được ông bố, bà mẹ dạy cho cách pha nước chanh, làm bánh cookie rồi mang bán để lấy vài ba $ đóng góp cho quỹ từ thiện... Khi 12 tuổi, phần lớn các bé đã đi làm thêm đủ các nghề như đưa báo, gom nhặt chai, lọ đi bán... hoặc làm từ thiện để lấy kĩ năng làm việc.

“Nhìn lại thì con trai đầu của tôi 22 tuổi, con trai thứ hai 18, nếu không làm gì mà chỉ đi học đại học thì sau 4 năm sẽ có tấm bằng loại A và kĩ năng làm việc bằng 0. Khi đi xin việc sẽ thua một bạn có tấm bằng loại B nhưng có hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc (vì các bạn ấy đi làm từ năm 10 tuổi). Vậy là tôi tìm cách kiếm việc làm ngay cho hai con”. Chị kể.

Công việc đầu tiên tìm được là đưa thư, báo. Ấy là khi Canada bước vào mùa đông – mùa đông đầu tiên chị được biết tới, tuyết rơi và lạnh buốt. Trong hệ thống đưa thư, báo có người nghỉ việc nên người ta dành việc đó cho hai con chị. Kể lại chuyện cũ mà giọng chị vẫn chưa hết ngậm ngùi:“Nhìn hai cậu con trai mơn mởn như hai công tử bột, hàng ngày lội tuyết, mang vác báo, thư đi giao đến từng nhà từ 5 đến 7 giờ sáng cho 85 ngôi nhà trong khu vực, mỗi tháng chỉ được 290$ mà tôi xót. Nhưng tôi dằn lòng, cùng dậy sớm, đi giao báo với hai con. Báo được đưa đến tận cửa nhà, dù bão tuyết hay mưa rơi thì báo vẫn đến đúng giờ. Giáng sinh năm ấy, người dân trong khu vực đã tip rất nhiều, cùng với lời cá mơn. Họ nhận xét là từ trước tới giờ chưa có ai có thái độ làm việc tốt như vậy. Lúc đó, dù xót con lắm nhưng tôi vẫn thấy vui vì đã mở được cánh cửa thứ nhất để có thể tồn tại được ở xứ này. Hơn nữa, các con đã có thái độ tích cực trong công việc”.

Chị đăng ký học lớp tiếng Anh bắt đầu từ abc để có thể tự mình ra phố và tìm việc làm. Dù trình độ English mới chỉ “bằng một đốt ngón tay” như chị bảo, nhưng chị cứ “một liều ba bảy cũng liều”. Bà chủ xưởng bánh người Ấn Độ thấy một phụ nữ châu Á da vàng rụt rè đến cửa, bập bẹ vài câu tiếng Anh “I want to work” (Tôi muốn được làm việc), lại thấy người này có vẻ chân thành liền nhận lời cho thử việc.

“Ngày đầu tiên đi làm, bà ấy đưa cho tôi một bát bột và líu ríu cái gì không rõ. Tôi lấy hết sức rặn ra câu hỏi “This is my breakfast” (đây là bữa sáng của tôi phải không?”). Bà chủ lắc đầu lấy chiếc bánh vừa được gói, làm động tác phết bột vào lá bánh và dán lại. Tôi xấu hổ quá nhưng trong lòng có điều gì đó thôi thúc mình phải vượt qua. Tôi bị áp lực tâm lý rất nhiều. Phần vì không hiểu tiếng Anh nên họ không thể training được mà tự mình phải training cho mình, tự học, tự mày mò, sợ bị đuổi việc, sợ làm các con nản chí, xấu hổ... Ơn trời, từng ngày, từng ngày... rồi tôi vẫn được bà chủ nhận vào làm chính thức. Đây là một bước đánh dấu cho sự quyết tâm bám mục tiêu phải hòa nhập được nơi xứ người của tôi. Nếu thất bại mà quay về Việt Nam thì sẽ cực khó khăn vì nhà cửa đã bán, công việc cũng đã chấm dứt hoàn toàn...”. Chị nói rồi kể thêm: “Tôi đã đặt ra giới hạn vượt quá năng lực của bản thân là mua được một business ở xứ này. Bước đầu, tôi và các con lập ra một công ty tên là James and Kevin Holding với số vốn góp chỉ có 100$. Tôi góp 10$, James (Anh Tuấn) góp 45$, Kevin (Tuấn Anh) góp 45$. Số tiền này có được từ nguồn tiền lương đi đưa báo”.

Một năm sau ngày rụt rè đến cửa xưởng xin việc, chị đã mua được công ty Samosa Delite của bà chủ với vốn vay 100%, trả nợ trong vòng 5 năm, lãi suất vay là 4%/năm”.

Đâu chỉ là giấc mơ

Công ty Samosa Delite Ltd là công ty được thành lập từ năm 1990, do bà Ghetha và chồng là Mohan (người Ấn độ). làm chủ Đây là công ty có lượng khách hàng rất lớn, nổi tiếng khắp vùng Atlantic, khách du lịch từ khắp các tỉnh bang Canada hoặc Mỹ đến thành phố Fredericton đều mong muốn được thưởng thức loại bánh này. Họ còn mua về làm quà cho người thân vì đây được gọi là đặc sản địa phương, giống như bánh đậu xanh Hải Dương vậy. Doanh nghiệp loại này rất khó vận hành vì lượng công nhân thuê nhiều, kỹ năng tay nghề yêu cầu phải khéo léo, kỹ thuật cao. Vấn đề ở chỗ, tìm người lao động có sức khỏe, làm việc nặng thì dễ chứ tìm người khéo và nhanh nhẹn thì rất khó. Khéo léo, nhanh nhẹn là thế mạnh của dân châu Á nhưng họ có điểm yếu là dễ di chuyển, cứ con cái đi học ở đâu là họ di chuyển đến đó để gần gũi và chăm sóc chúng. Thế là nhiều khi đã có được nhân công, đào tạo họ thạo nghề rồi thì có khi họ lại đi mất. “Giống như trồng cây đến ngày ăn quả thì lại mất, không thu hoạch được gì”, chị kể.

Một cừa hàng bánh của chị Nga
Một cừa hàng bánh của chị Nga

Để giữ ổn định nhân lực, bản thân chị và hai con vừa là lao động chính - có thể làm được bất cứ công đoạn nào của quá trình sản xuất, vừa là người đào tạo, hỗ trợ người lao động mới vào nghề. Chị cũng có chính sách tiền lương đặc biệt với lao động giỏi trong dây chuyền sản xuất. Công nhân của chị ngoài người bản địa còn có những lao động nhập cư đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Đông Nam Á, các nước châu Phi... và sau này là những người đồng hương của chị. “Nhiều năm miệt mài lao động, mỗi ngày tôi làm việc chừng 12 tiếng, các con thì vừa đi học vừa đi làm... bữa cơm cơm tối của cả nhà luôn là 10 giờ đêm. Công ty của tôi không chỉ tạo ra nhiều việc làm cho người lao động, đóng góp vào ngân sách địa phương luôn đạt mức cao, được chính quyền thành phố ghi nhận mà còn nhận được chính sách hỗ trợ thích đáng về vốn vay, hệ thống tiêu thụ sản phẩm... Samosa Delite cũng là một trong số ít doanh nghiệp ở Canada được phép tuyển dụng lao động từ Việt Nam”. Nghe chị nói vậy, tôi liền nhớ có lần đã đến xưởng làm bánh và cửa hàng bán Samosa, đã gặp gỡ các công nhân người Việt Nam và cả các du học sinh đến xưởng của chị làm thêm. Họ vui vẻ, ríu rít như người thân trong cùng gia đình. Một cảm giác thật ấm áp cho những người con xa xứ.

Bánh Samosa được bán tại chợ nông sản ở Frederiction
Bánh Samosa được bán tại chợ nông sản ở Frederiction

Nhìn guồng máy business chạy ngon, mấy ai biết bà chủ của nó từng tuôn nước mắt giận mình trong những đêm đông tuyết trắng - vì đã dắt đàn con đến xứ sở này? Sau nhiều năm nỗ lực vượt qua giới hạn của chính mình, khi con lớn đã có thể thay chị điều hành sản xuất, con thứ hai đã tốt nghiệp đại học và có việc làm đáng mơ ước..., giờ chị đã có thể cho phép mình tận hưởng những ngày nắng đẹp của mùa hè rực rỡ, những ngày thu nhuộm vàng rừng cây sau nhà, ngắm nàng thu hóa thân thành những lát vàng mỏng dính bay tà tà trong gió... Từ một nữ giáo viên có phần mềm yếu, do hoàn cảnh đưa đẩy mà chị dắt hai con đi xa cả nửa địa cầu... thế rồi chị thành bà chủ của một doanh nghiệp có credite cao ở xứ người. Các con đã thực sự trưởng thành, yêu lao động và tự viết tiếp giấc mơ của đời mình. “Tôi luôn nghĩ rằng, tất cả ngoài sự cố gắng của mấy mẹ con còn là nhờ hồng phúc tổ tiên”. Chị nói.

Vượt bão

COVID-19 ập đến gây đại họa cho toàn cầu. Chính phủ liên bang tung gói cứu trợ kịp thời cho người lao động bị mất việc. Mỗi người được nhận 2.000$ và chỉ “ngồi nhà là yêu nước”. Còn business thì sao? “Không còn nhân viên, coi như không có tương lai. Công ty của tôi có 2 nguồn phân phối sản phẩm ra thị trường: Bán buôn hàng ngày cho một số siêu thị và cửa hàng tiện lợi (convenience); bán lẻ vào cuối tuần tại chợ nông sản (farmer market). Như vậy, khi có lệnh lockdow thì farmer market sẽ đóng còn kênh siêu thị và convenience vẫn hoạt động. Thời điểm ấy thật khó khăn, không định hướng được gì cả, hai mẹ con tôi vật lộn với hoạt động của business. Cũng may, con trai tôi là một good partner, gánh vác toàn bộ việc giao hàng, tiếp xúc với khách hàng, còn tôi thì lo thu xếp mọi việc nội bộ còn lại. Quan điểm là mình cứ thuận theo tự nhiên, quyết tâm làm tròn trách nhiệm, phục vụ chu đáo hơn, cẩn thận hơn, giữ chữ tín, tuân thủ các yêu cầu của y tế và chính quyền. Nếu lúc này không có chữ Tín thì sẽ rất chán nản và dễ bỏ cuộc”, chị chia sẻ.

Covid-19 ập đến gây đại hoạ cho toàn cầu. Lockdown, lockdown và lockdown... điệp khúc đó gây kinh hoàng cho người dân và đặc biệt là các chủ doanh nghiệp. Không ai biết ngày mai sẽ ra sao nếu còn "sống sót". 

Chị cho mở thêm kênh bán lẻ tại nơi sản xuất, giảm giá 6% (trong khi mọi người tăng giá) với tinh thần chia sẻ khó khăn với khách hàng. Điều này làm khách hàng rất vui, mẹ con chị cũng vui vì doanh nghiệp không những giữ được uy tín mà niềm tin nơi khách hàng còn tăng thêm. “Thời gian rảnh rỗi nhiều thì chúng tôi sẽ bố trí cho việc đọc sách, nghe Phật pháp, rèn luyện thể lực, tập thể dục, dọn nhà cửa. Mùa hè thì chăm sóc vườn, chăm hoa, trồng rau. Một yếu tố rất quan trọng, đó là giữ vững tinh thần của người phật tử, luôn luôn làm những việc tốt, nghĩ tích cực, giữ chữ tín, còn business giữ được đến đâu thì giữ, nếu mất thì cũng chấp nhận vì đó là tình hình chung. Cả thế giới đều xơ xác, tiêu điều vì con vius quái ác chứ chẳng riêng gì mình”. Chị trầm tư nói.

Samosa Delite làm việc theo một dây chuyền khép kín, mỗi người là một mắt xích. Đùng cái, một lao động nam người Việt bị ốm vì dị ứng nặng, chị gọi một lao động (cũng người Việt) đã từng làm tại xưởng đến lấp chỗ trống. Nhưng anh này đang đi học nên chỉ làm được đến 7 giờ sáng. Vậy là chị lại lóc cóc dậy sớm để đến xưởng làm việc cùng anh, từ 4 giờ sáng. Vài tuần sau, anh công nhân kia hết dị ứng, quay lại làm việc thì vợ anh ấy (cũng làm tại xưởng của chị) lại nghỉ đẻ. Theo quy định, người chồng được nghỉ 5 tuần để chăm vợ. Thế là khuyết đi 2 mắt xích trong dây chuyền. Tuyển lao động trong thời dịch giã, người lao động ngồi nhà cũng có 2.000$ để chi tiêu quả là khó như mò kim đáy bể. Chị và con trai lại phải làm việc nhiều hơn.

Cho đến thời điểm này, khi dịch bệnh đã hoành hành khắp thế giới và tại Canada hơn 1 năm mà vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Số ca nhiễm và số người chết vì virus COVID-19 vẫn tăng lên hàng ngày. Những thành phố lớn liên tục phải lockdown, hoạt động business còn tiếp tục khó khăn. “Nhưng không có cách nào khác là phải giữ vững niềm tin. Bánh Samosa của chúng tôi vẫn bán chạy do nhu cầu mua bánh trong mùa dịch lại tăng lên hơn bình thường - vì các nhà hàng còn tiếp tục đóng cửa, vì lượng người từ các thành phố lớn đổ về đây để tìm môi trường sống an toàn hơn trong mùa dịch. Tất cả mọi người trong công ty lại phải làm việc nhiều hơn. Chúng tôi có sự hỗ trợ đáng kể và kịp thời của chính phủ Canada – một đất nước giàu có. Nhờ nguồn tiền dự trữ lớn, các biện pháp chống shock cho nền kinh tế, cho đời sống người dân luôn được triển khai rất nhanh và kịp thời. Tôi tin ngày bình an rồi cũng nhanh đến để tôi có thể về thăm quê hương Việt Nam của tôi. Xa lâu quá rồi”. Chị mỉm cười kết thúc câu chuyện.

Một khâu trong dây chuyền sản xuất bánh Samosa.
Một khâu trong dây chuyền sản xuất bánh Samosa.

Có thể bạn quan tâm