HoREA: Tiếp tục đề xuất TP.HCM làm nhà giá bán 200 triệu đồng/căn

Hiệp hội bất động sản TP.HCM vừa có Công văn hoả tốc số 110/CV-HoREA về đề xuất cơ chế, chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp phù hợp với điều kiện thực tiễn của thành phố.
HoREA: Tiếp tục đề xuất TP.HCM làm nhà giá bán 200 triệu đồng/căn

Cụ thể, HoREA tiếp tục kiến nghị các vấn đề về việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp phù hợp với điều kiện thực tiễn của thành phố. HoREA dẫn chứng kinh nghiệm và bài học rút ra từ mô hình phát triển khu nhà ở an sinh xã hội với căn hộ diện tích 30m2, giá bán từ 100 - 200 triệu đồng/căn của tỉnh Bình Dương.

Hiệp hội đề nghị tập trung phát triển chủ yếu là loại căn hộ nhà ở xã hội 1-2 phòng ngủ, diện tích khoảng 25-77m2, có giá bán khoảng 250-700 triệu đồng/căn. Trong đó, xuất phát từ nhu cầu nhà ở và những điều kiện thực tiễn của địa phương.

HoREA nhận định TP HCM vẫn có thể làm khoảng 10.000 căn hộ nhà ở xã hội 30m2 (gồm 20m2 sàn và 10m2 gác lửng), có giá bán khoảng trên dưới 200 triệu đồng/căn tại một số khu vực có điều kiện tương đồng như tỉnh Bình Dương.

Theo công văn này, HoREA đã nêu lên một số khó khăn, vướng mắc trong cơ chế quản lí để phát triển loại hình nhà ở xã hội này. Cụ thể, HoREA cho biết theo báo cáo của Bộ Xây dựng thì lượng vốn ngân sách bố trí cho Ngân hàng Chính sách xã hội trong giai đoạn 2018-2020 chỉ đáp ứng khoảng 13% so với yêu cầu.

HoREA kiến nghị điều chỉnh, sửa đổi một số cơ chế, chính sách đang cản trở sự phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ, căn hộ cho thuê giá rẻ. Hiệp hội đề nghị bổ sung vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội 3.000 tỷ đồng để thực hiện cho giai đoạn đến năm 2020.

Đồng thời, cơ quan này kiến nghị Chính phủ cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được vay ưu đãi theo quy định được vay tại 4 ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước chỉ định. HoREA kiến nghị Bộ Tài chính có hướng dẫn về cơ chế thu ngân sách, quản lý, sử dụng nguồn lực này để phát triển nhà ở xã hội của địa phương.

Để giải quyết vấn đề quỹ đất để có thể làm nhà giá rẻ, Hiệp hội đề nghị thành phố làm việc với các tỉnh thuộc vùng đô thị TPHCM để phối hợp phát triển các huyện giáp ranh như Đức Hòa, Cần Giuộc, Bến Lức (tỉnh Long An), Thuận An, Dĩ An, Bến Cát, Tân Uyên (tỉnh Bình Dương), Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom (tỉnh Đồng Nai)... và chuyển các ngành sản xuất thâm dụng lao động (dệt may, da giày) về các tỉnh để cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại dân cư. Các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động phải có trách nhiệm đầu tư các khu nhà lưu trú cho công nhân, lao động.

Trước đó, Hiệp hội bất động sản TP.HCM đã nhiều lần đề xuất cho TP HCM xây nhà giá rẻ. Tuy nhiên, đề xuất trên đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ phía cơ quan quản lý với lo ngại, nhà ở giá rẻ sẽ phá vỡ quy hoạch, giảm chất chất lượng sống người dân, và các vấn đề về an sinh xã hội, giao thông...

Có thể bạn quan tâm