HoREA tiếp tục kiến nghị cấp “sổ hồng” cho condotel

Theo HoREA condotel đến nay vẫn chưa được cấp “sổ hồng” là do do thiếu các quy định pháp luật đồng bộ. Trong đó, có việc xác định phần sở hữu riêng, phần sở hữu chung, quyền sử dụng đất chung đối với chủ sở hữu condotel.
HoREA tiếp tục kiến nghị cấp “sổ hồng” cho condotel

Hiệp hội bất động sản TP. HCM (HoREA) tiếp tục có văn bản gửi đến Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành kiến nghị cấp sổ hồng cho căn hộ condotel, officetel,…

Theo HoREA, căn hộ du lịch (condotel) có nhiều điểm tương đồng với căn hộ nhà chung cư và hầu hết đều nằm trong tòa nhà cao tầng. Tuy nhiên, hiện nay chỉ có dự án nhà chung cư mới có căn cứ pháp luật điều chỉnh tương đối đầy đủ và khá chặt chẽ, thông qua các quy định của Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản. Nhưng, đối với căn hộ du lịch (condotel) thì còn thiếu các quy định pháp luật điều chỉnh.

HoREA chỉ ra 3 vướng mắc pháp lý cần hoàn thiện để cấp "sổ hồng" cho condotel, gồm:

Thứ nhất, chưa có căn cứ pháp luật để xác định phần sở hữu riêng, phần sở hữu chung, quyền sử dụng đất chung, để cấp sổ hồng cho chủ sở hữu condotel.

Thứ hai, chưa có căn cứ pháp luật để xác định trách nhiệm bảo trì, kinh phí bảo trì, quản lý sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của chủ sở hữu condotel.

Thứ ba, chưa có quy định về cơ chế quản lý vận hành tòa nhà khi đưa dự án condotel vào khai thác kinh doanh.

Ngoài các vướng mắc trên thì các văn bản của các bộ ngành đưa ra thời gian qua có tính rời rạc, thiếu tính đồng bộ, tính liên thông, nên đã không xử lý được các vướng mắc đối với condotel. Do vậy, HoREA đề xuất cần hoàn thiện khuôn khổ pháp luật để cấp sổ cho condotel và những công trình xây dựng trong dự án kinh doanh bất động sản không phải là dự án nhà ở.

Đồng thời, Hiệp hội bất động sản TP. HCM cũng đề nghị sử dụng thống nhất khái niệm condotel là một loại cơ sở lưu trú du lịch theo quy định tại Khoản 3 Điều 48 Luật Du lịch. Căn hộ du lịch có thể nằm trong nhà chung cư hỗn hợp, hoặc nằm trong tòa nhà cao tầng độc lập, hoặc tòa nhà hỗn hợp của khu du lịch, hoặc tòa nhà ngoài khu du lịch.

HoREA cũng đưa ra, theo quy định của pháp luật về đất đai thì các công trình xây dựng trong dự án kinh doanh bất động sản không phải là dự án nhà ở, trong đó có condotel, shophouse, officetel, serviced apartment... được cấp sổ hồng nhưng đến nay, vẫn chưa cấp được sổ hồng, do thiếu các quy định pháp luật đồng bộ. Trong đó, có việc xác định phần sở hữu riêng, phần sở hữu chung, quyền sử dụng đất chung đối với chủ sở hữu condotel.

Trong khi chờ ban hành các quy phạm pháp luật điều chỉnh (mới), Hiệp hội đề nghị Bộ Xây dựng trình Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quy định phần sở hữu riêng, phần sở hữu chung, quyền sử dụng đất chung của chủ sở hữu condotel, để Bộ Tài nguyên Môi trường có căn cứ hướng dẫn các địa phương ghi diện tích phần sở hữu riêng, quyền sử dụng đất của chủ sở hữu condotel vào giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình không phải là nhà ở của chủ sở hữu condotel.

HoREA cũng đề nghị quy định trách nhiệm bảo trì, kinh phí bảo trì, quản lý sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung và cơ chế quản lý vận hành đối với tòa nhà condotel.

Cụ thể, HoREA đề nghị phần sở hữu riêng của chủ sở hữu condotel chỉ bao gồm phần diện tích căn hộ condotel được xác lập trong hợp đồng mua bán căn hộ và cách tính diện tích căn hộ condotel áp dụng tương tự và thống nhất với cách tính diện tích căn hộ nhà chung cư (hiện nay, tính theo diện tích thông thủy).

Ngoài phần sở hữu riêng thì phần diện tích xây dựng còn lại thuộc phần sở hữu chung của chủ sở hữu căn hộ condotel, áp dụng tương tự như cách tính phần sở hữu chung của chủ sở hữu nhà chung cư theo quy định của Luật Nhà ở.

Tuy nhiên, HoREA cho biết do có sự khác biệt đối với trường hợp căn hộ condotel nằm trong dự án khu du lịch nghỉ dưỡng, nên Hiệp hội đề nghị toàn bộ hầm để xe ô tô, xe máy đều thuộc phần sở hữu chung (khác với quy định chỗ để xe ô tô nhà chung cư thuộc phần sở hữu riêng).

Có thể bạn quan tâm