Hủy bỏ, thu hồi 11 dự án chưa thực hiện tại Quận 12, TP. HCM

Mới đây, UBND Quận 12 đã kiến nghị và được UBND TP.HCM, Sở Tài nguyên - Môi trường chấp thuận thu hồi, hủy bỏ 11 dự án chưa thực hiện hoặc những dự án mới bồi thường dưới 50% trên địa bàn quận này.
Hủy bỏ, thu hồi 11 dự án chưa thực hiện tại Quận 12, TP. HCM

Các dự án thu hồi, huỷ bỏ gồm khu nhà ở Thới An 2, 3, 4 do Công ty Kinh doanh nhà Phú Nhuận làm chủ đầu tư, khu nhà ở An Phú Đông 5 do Công ty TNHH Đệ Tam làm chủ đầu tư... Hành động này nhằm hạn chế các dự án mới chậm tiến độ triển khai, ảnh hưởng đến quyền lợi người dân.

Trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm, quận 12 đã chủ động rà soát pháp lý, tính khả thi của từng dự án để đưa vào danh mục các dự án cần thu hồi, giao thuê đất; mạnh dạn loại bỏ các dự án không khả thi ra khỏi danh mục thực hiện trong kế hoạch. 

Trong 5 năm gần đây, chính quyền TP.HCM đã thu hồi 576 dự án chậm triển khai, gây lãng phí đất đai, với tổng diện tích khoảng 5.900ha; đồng thời tiếp tục rà soát hàng ngàn dự án để xử lý, thu hồi, nhằm hạn chế tình trạng dự án chậm tiến độ, kéo dài gây lãng phí. Sở TN-MT đang chủ trì việc rà soát này.

Dự kiến, sau khi thu hồi dự án, UBND các quận - huyện sẽ niêm yết công khai thông tin dự án thu hồi hoặc dự án được gia hạn để người dân giám sát, đồng thời giải quyết quyền lợi của người dân theo quy định của pháp luật.

UBND TPHCM cũng đã ban hành Chương trình Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2020, trong đó có nội dung sẽ quyết liệt xử lý và tăng cường chống thất thu ngân sách nhà nước bằng giải pháp thực hiện tiết kiệm từ khâu quy hoạch.

Các dự án không nằm trong quy hoạch sẽ cắt giảm. Dự án đã được cấp phép đầu tư nhưng quá thời hạn quy định không triển khai thực hiện theo cam kết hoặc theo giấy phép cũng sẽ bị thu hồi.

Dự án khu nhà ở Thới An 2, 3, 4 do Công ty Kinh doanh nhà Phú Nhuận làm chủ đầu tư đã treo 17 năm. Dự án đến nay vẫn vướng ở khâu bồi thường giải phóng mặt bằng. Nguyên nhân mấu chốt là chủ đầu tư vẫn khăng khăng bồi thường theo phương án đã phê duyệt từ năm 2003 theo Nghị định 22/1998 (đất nông nghiệp chỉ đền bù từ 180.000 đến 230.000 đồng/m 2 ). Trong khi đây là khu vực gần như đã đô thị hóa hoàn toàn, cùng một loại đất nhưng các dự án giáp ranh xung quanh đã bồi thường tới hàng chục triệu đồng/m 2. 

Có thể bạn quan tâm