Khi biết đúng “Giá của mình" !

Mua hàng – đặc biệt là những loại hàng hóa thiên về giá trị thẩm mỹ - ngoài giá trị vật chất sử dụng, còn có ý nghĩa về giá trị tinh thần, như một thú tiêu khiển mà nhiều người thích thú.
Khi biết đúng “Giá của mình" !

Chả thế mà cụm từ “tín đồ Shopping”… đã quen tai với không ít người. Vì vậy, để ứng xử với cung cách này nhà thương gia cũng cần có những tính toán và chiến lược sao cho phù hợp để đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng.

1. Tết vừa qua, cư dân mạng lan truyền những đoạn video về cảnh đập bỏ hoa và cây cảnh. Người viết bài này cũng như nhiều người khác không khỏi trạnh lòng và tiếc nuối. Không tiếc sao được khi bao công chăm sóc “hai sương một nắng” đến ngày “hái quả” thì đành đập bỏ. Trong khi còn nhiều người khó khăn, giá được tặng một cành đào Tết thì vui biết mấy! Bên cạnh đó một số cho rằng đó là một “đòn tâm lý” đánh vào xu hướng của một số người thích “mua rẻ chiều ba mươi”!

Là người mê cây, mê hoa nên Tết chính là dịp để tôi đi chợ Bưởi nhiều lần, ngay từ 23-24 tháng chạp. Đi để ngắm nghía chọn cây, để xem sự phong phú các loại cây mỗi mùa và thực sự như được đẫm mình vào cuộc sống. Cây Bàng Singapore, bạch trà, đào quất, trạng nguyên… để trong phòng. Tóc tiên, Trường xuân, Dạ yên thảo, Trầu bà, Đỗ quyên, Thược dược… để trồng quanh nhà. Cô hàng hoa quen bảo “Mua sớm bao giờ cũng được chậu cây đẹp…”, “Đắt xắt ra miếng”… Tôi cũng tự nhủ vậy.

Chiều 30 Tết, xong xuôi mọi việc, thấy dưới cửa sổ tầng hai còn thiêu thiếu. tôi lại ra chợ Bưởi cũng để thư giãn sau mấy ngày vất vả. Người mua người bán tấp nập. Ngạc nhiên là mỗi chậu Dạ yên thảo đắt hơn gần trăm nghìn so với mấy hôm trước. Vậy mà khối người hỏi và… “thích thì mua thôi!”. Cô hàng bán quất cảnh vẫn nhận ra tôi tươi cười mời chào: “Chị lấy nữa đi, em giảm năm mươi ngàn một cây”. Nhớ đã ưng ý thế nào với cái lọ sành rất đẹp, cây quất thế la đà lại đủ cả quả vàng, quả xanh hoa trắng và lá tốt tươi. Thêm một nhánh lúa mọc vô tình bên cạnh đã nhú bông. Riêng nhánh lúa khiến tôi thích mê tơi và cuộc trả giá cũng thật chóng vánh. Thế mới biết đẹp mỗi người mỗi ý và giá cả cũng vì thế mà… tùy. Bởi người bán nhã nhặn thêm rằng “Trông thế là biết cây em trồng cả năm chứ chả phải vừa đánh vào lọ như người khác!” Trời đã ngả chiều, vậy mà còn nhiều người vội vàng phóng xe máy đến chợ. “Chọn cây lá xanh hoa đỏ cho tươi thắm là được…” đôi bạn cạnh tôi gấp gáp giục nhau. Cô hàng ớt Nhật cạnh đó nhấn mạnh để khoe hàng “Cây có quả lộc thế lại vừa độ đẹp, mới mang ra chứ nếu có sớm đã hết…”

Ba bốn người mua, hy vọng chậu cây màu xanh thẫm lốm đốm những quả tròn xoe đỏ căng mang lại may mắn cho năm mới.
Cậu em làm ngân hàng mê cây, mấy năm trước nổi hứng nhập quất thế về bán trên mạng. “Dân ngân hàng bận tối mắt tối mũi, sát tết mới được nghỉ, thời gian đâu đi chợ cây. Nhìn dáng cây nhìn lọ là ưng liền…”. 28 tết hỏi thì đã bảo bán hết veo, và chia sẻ “Những cây độc, lạ bán lứa đầu và giá cả xứng đáng. Lứa sau bán rẻ hơn cho những người dễ tính hơn. Tiền nào của đấy đừng “căng” giá quá. Lãi vừa thôi thì ai cũng vui…”. Phải chăng cơ chế thị trường luôn phù hợp cho những người biết nhìn ra cơ hội, linh hoạt trong kinh doanh và “biết đúng giá” của mình và quan trọng là có cách ứng xử văn minh, tôn trọng sản phẩm hàng hóa làm ra.

2. Trước ngày đi du lịch nước ngoài, tôi đã được cô bạn, một “yêu nữ hàng hiệu” rỉ tai rằng đến Ý nhớ rẽ qua khu hàng hiệu giảm giá để mua cho được những sản phẩm đẳng cấp với giá cả phải chăng! “Không phải ở đâu cũng có” cô nhấn mạnh! Từ Florence có riêng chuyến ô tô bus đón khách đi Trung tâm hàng hiệu giảm giá từ sáng sớm. Cứ tưởng mình là một trong vài người khách đến đầu tiên, không ngờ đã có một hàng dài khách (chủ yếu là dân du lịch) xếp hàng. Xe bus to kềnh với hai tầng ghế đầy khách trong vòng mấy phút. Rất nhiều gương mặt tỏ vẻ đầy nuối tiếc và thất vọng khi phải đợi chuyến sau cách 30 phút. Vựơt qua hơn 40km đường đồi với phong cảnh nên thơ của vùng Tuscani, gần đến nơi đã thấy nổi bật thương hiệu Prada, Valentino, Fendi, Givenchy, Hugo Boss, Gucci, Burberry… Và thật không ngờ, trước cửa một số gian hàng (dù còn gần 1 giờ nữa mới mở cửa) đã có người xếp hàng khá đông!

"Phải chăng cơ chế thị trường luôn phù hợp cho những người biết nhìn ra cơ hội, linh hoạt trong kinh doanh và “biết đúng giá” của mình và quan trọng là có cách ứng xử văn minh, tôn trọng sản phẩm hàng hóa làm ra.

Khách đông đến mức, nhiều cửa hàng anh chàng bảo vệ bảnh bao nhã nhặn xin lỗi rằng sau 15 phút nữa mới có thể nhận khách hàng tiếp sau: Người ta mua lấy mua để, mua như sợ ai mua mất, như trong cơn lên đồng mua sắm. Người nào cũng túi to túi nhỏ, gương mặt ai cũng hể hả sung sướng. Tôi có cảm giác rằng – họ mua sản phẩm năm thì mua sự sung sướng cho mình mười! Tâm lý mua được chuẩn hàng hiệu mà lại giá rẻ mới sung sướng hớn hở làm sao! Cũng phải thán phục cách bán hàng của các hãng danh tiếng này. Khách ưng ý đồ gì nên đăng ký ngay, họ sẽ phát cho mình một chiếc tích kê, sau một hồi thăm thú khắp gian hàng, nếu niềm yêu thích vẫn còn thì quay lại trả tiền rồi nhận hàng (tránh việc quay lại hàng đã hết!) Không thì cũng chẳng sao. Tôi bước vào gian hàng của Prada và bị một chiếc túi dự tiệc màu cam hút hồn. Thất vọng tràn trề khi người bán hàng cho biết đã hết hàng. Quay đi quay lại vẫn không đành lòng, nghĩ là có thể người trước không lấy, tôi quay lại lần nữa ngỏ ý muốn mua chiếc túi này. Người bán hàng ồ lên – Nếu là chiếc này thì ok. Hóa ra đây là chiếc túi mẫu – nhiều người xem, họ không “dám” bán nếu khách không yêu cầu! Nhìn cái cách anh ta nâng niu nó bọc vào túi vải, đặt trong hộp trao cho, tôi hởi lòng hởi dạ và thật sự ưng ý – cả chiếc túi, cả cung cách anh ta trân trọng đến thế sản phẩm của hãng mình.

Trong căn phòng mát rượi của hãng TomFord, người bán hàng đon đả chọn cho tôi rất nhiều kiểu kính theo yêu cầu và tư vấn tận tình. Đặt mấy cặp kính đã chọn sang bên, ông ấy nói một cách thân tình “May mắn khi bà mua hàng ở đây, bởi bình thường giá tiền hai chiếc kính này chỉ có thể mua được một chiếc!” Sau này, về đến nhà tôi đôi lúc thấy tiếc sao không chọn thêm cho mình một – hai cặp kính khác - Hàng hiệu xịn mà giá rất phải chăng. Bởi trong khu miễn thuế của sân bay từ Barcelona đi Stockhoml nhìn giá chiếc kính gần giống như thế, tôi phải mở to mắt để nhìn cho rõ và mừng thầm trong dạ…

Sau lúc nghỉ ngơi, ăn trưa và thưởng thức bia và kem Ý trong nhà hàng bốn bề kính, đủ để chúng tôi ngắm khung cảnh xung quanh và đoàn người tấp nập shopping, chúng tôi lại tiếp tục hòa vào dòng người đầy háo hức… Dù không mua cũng muốn ghé qua những nhãn hàng nổi danh, ngắm những sản phẩm (dù hạ giá) vẫn đẹp như những tác phẩm nghệ thuật được trình bày hoàn hảo… Qủa là đến Ý, thăm Roma, Venice và Florence mà chưa đến đây thì thật là có gì đó chưa được trọn vẹn.

Trông người ngẫm đến ta, để tự nhận ra rằng - Có lẽ trước khi bán hàng, các nhà thương gia hãy tính kỹ nhu cầu thị trường cũng như nắm bắt tâm lý người tiêu dùng, bằng cách đặt mình vào vị trí của khách hàng cùng tâm lý thích mua rẻ (dù chút ít thôi) để sáng tạo ra các phương pháp bán hàng, có những ứng xử linh hoạt và phù hợp với mỗi giai đoạn trong chuỗi phân phối của mình, sao cho đủ để trân trọng công sức mình bỏ ra cũng như bảo đảm được lợi nhuận, tránh những điều đáng tiếc như đã xảy ra.

Có thể bạn quan tâm