Khi “chén ngọc” rớt xuống trần gian

Người đàn bà có vẻ ngoài tươi tốt, mặt hoa da phấn, miệng nói cười rổn rảng… như bông hoa truân chuyên trôi giữa dòng đời, một ngày nọ bỗng mắc lại nơi xứ người xa lắc. Không hẹn mà nên, chị trở thành
Khi “chén ngọc” rớt xuống trần gian

Ru mình trong những cơn mơ

Thần thái rất khác thường. Đó là cảm giác đầu tiên của tôi trong lần đầu gặp chị tại Hà Nội. Gương mặt tròn, căng, lúc nào cũng hồng như gái tuổi xuân thì. Hai lúm tròn xoe xoe “chôn tiền” trên đôi má. Đôi mắt đen láy, ướt rượt. Nụ cười tươi tắn, đưa đẩy và sóng sánh…

Sắp ở tuổi “lục thập thuận nhĩ – tuổi 60, ai nói gì cũng kệ), chị bắt đầu thấy nhẹ lòng khi buông bỏ được những vấn vương luyến ái (mà chị gọi là nghiệp theo quan niệm nhà Phật). Chị bảo, chị được nhiều quá, nếu không có cái khuyết ấy thì đời chị lấy hết phần của người khác. Ôi chao! Người đàn bà có nhan sắc rực rỡ, cặp mắt ướt rượt như nước hồ thu này, cuộc đời không truân chuyên mới lạ. Nếu có sinh ra chậm độ ba – bốn chục năm thì dẫu có giành danh hiệu hoa hậu, á hậu thì có lẽ cuộc đời cũng chưa chắc đã thoát khỏi vòng truân chuyên. Tôi thầm nghĩ.

Chị là “con vàng con bạc” của một gia đình giàu có ở một tỉnh thuộc miền duyên hải, được dạy dỗ nghiêm khắc và cẩn thận. Có đứa con gái xinh đẹp lại thông minh, bố mẹ chị đặt tiêu chuẩn kén rể khá ngặt nghèo. Khổ nỗi, hôn nhân như duyên nợ tiền kiếp. Người con gái khi đã yêu là sẵn sàng trao gửi cả cuộc đời, bất chấp giông bão đang đợi mình phía trước. Chị thành “vợ người ta” trong cảnh “đất không chịu trời thì trời chịu đất”. Hóa ra “con vàng con bạc” như chị khi ra đời cũng tháo vát đáo để. Lúc đầu chị chỉ xác định là người “nâng khăn sửa túi” cho chồng, sau phụ giúp chồng trong sự nghiệp và rồi bước ra thương trường lúc nào không hay. Thời kỳ đầu đất nước tung cánh cửa ra thế giới bên ngoài, những người gặp dịp, “chân trong chân ngoài” như chị không hiếm. Dẫu có buôn may bán đắt thì cũng vẫn cố giữ cái chân Nhà nước cho chắc ăn, phòng khi sa cơ lỡ vận…

Với anh chồng hoạt ngôn và hai cậu con trai ngoan ngoãn, ngày tháng của chị mềm như lụa, chìm đắm trong những giai điệu của tình yêu. “Anh ấy chiều chị lắm, cứ vợ là nhất. Đi đâu cũng chỉ khen vợ. Về nhà thì thủ thỉ toàn lời có cánh…”. Chị kể, mắt lấp lánh mà buồn rười rượi. Tôi đoán ngay, chị cũng rơi vào lẽ thường của nhiều phụ nữ thành đạt mà thôi. Họ có mọi thứ trong tay nhưng không ôm trọn một người chồng. Thế là đau khổ vật vã hết cả một đời người.

Chồng chị là giám đốc của một doanh nghiệp nhỏ thuộc một tổng công ty. Anh không to cao đường bệ mà mang vẻ thư sinh ngọt ngào. Anh có trí nhớ đặc biệt, thuộc vanh vách nội dung những cuốn sách Trung Hoa cổ như Binh pháp Tôn Tử, Tam quốc diễn nghĩa… mà anh đã đọc từ thuở bé. Nhiều cô gái mê anh về những câu chuyện kể hấp dẫn này. Chị không là ngoại lệ và từng hãnh diện khi chọn anh làm chồng.

Mặc dù đôi tay nuột nà không quản mọi việc để chồng yên tâm công tác, chị vẫn tưởng như mình là con mèo nhung cuộn trong chăn ấm. Chị hiền dịu và hy sinh hết thảy. Đôi khi bạn bè chị có mách vài chuyện gì đó…chị thật thà hỏi, anh gạt đi và lại ru chị vào miền cổ tích của tình yêu đầy hoa thơm cỏ lạ. Đời chị cứ trôi êm đềm với những thảng thốt chợt đến chợt đi như thế.

Cái kim trong bọc phải lòi ra dù có cố che giấu đến đâu đi nữa. Một rồi hai rồi ba… người tình của chồng được phát hiện…

Duyên đời vác nặng?

Cái gì đến phải đến. Cái kim trong bọc phải lòi ra dù có cố che giấu đến đâu đi nữa. Một rồi hai rồi ba… người tình của chồng được phát hiện… Chị đi từ cơn sốc này đến cơn sốc khác. Đến lúc này thì người chồng cũng không cần che giấu nữa. Anh nhận lỗi “không thể sửa được” vì “đàn ông thèm của lạ!”. Mỗi lần một vụ mới bị phát giác, chồng lại quỳ xuống xin chị tha lỗi, nhưng rồi đâu lại hoàn đó. Chị chết đi sống lại, trầm cảm nặng, chỉ một bước nhẹ là sang bên kia ranh giới của kẻ điên. Đã có lúc, 6 viên seduxen vẫn chưa đủ mạnh để đưa chị vào giấc ngủ. Mắt trơ khấc không một giọt nước. Bạn bè đưa chị đi Yên Tử để tìm sự bình yên nơi cửa Phật. Chị trèo lên đỉnh chùa Đồng chỉ cầu xin được khóc, dẫu vài giọt nước mắt mà vẫn không sao khóc được. Đã có lần chị dắt hai con đứng bên một hồ nước, nghĩ nếu cả ba mẹ con chìm xuống đáy thì những đau khổ sẽ chấm dứt ở đây. Chợt giật mình nhìn hai cặp mắt trong veo, tin cậy dựa dẫm vào mẹ… chị ôm con thật chặt, thương lắm mà sao vẫn không khóc dược.

Thời gian chị bị sốc, cơn gió ma túy càn qua địa phương, kéo theo nhiều thanh niên dính vào nghiện và thậm chí chết vì sốc thuốc, vì nhiễm HIV. Lo ngại trong lúc gia đình có chuyện, sức khỏe giảm sút không đủ sức dạy con đứng vững trước nạn ma túy tấn công… chị đề nghị ly hôn để đưa con đi thật xa. Lạ thay, chính chồng chị lại tìm cách níu giữ vợ. Mặc dù vẫn rất hoang mang không biết ngày mai ra sao, chị vẫn cố hàn gắn và làm lại. Thế là cả nhà kéo nhau lên Hà Nội. Chị sắp xếp chuyển công tác, nhà cửa, trường học cho con… Với số vốn liếng có được của bao năm làm lụng, chị bỏ tiền mua bất động sản trong các dự án mới. Như một sự bù đắp cho những đau khổ đã trải, ông trời dường như cho chị lộc làm ăn nên số tiền đầu tư được nhân lên nhanh chóng. Nhưng, chuyện vợ chuyện chồng vẫn không được cải thiện, chỉ vì cái tính “không sửa được” của anh. Mặc dù buồn, đau và tức giận nhưng vì thương con, thương mình và muốn hàn gắn, sau một hồi giằng co giữa ly hôn hoặc làm lại, cả hai vợ chồng đã chọn làm lại và quyết định đưa cả gia đình đến một vùng đất hoàn toàn xa lạ.

Khi “chén ngọc” rớt xuống trần gian ảnh 1

Cửa đã mở

Chị tìm hiểu về khả năng đầu tư vào business ở các nước phát triển và chỉ sau 6 tháng làm hồ sơ qua một công ty tư vấn, chị đã đưa cả gia đình ra nước ngoài với một dự án kinh doanh được chính quyền sở tại phê duyệt. Thời gian đầu ở nơi xa lạ đó, mọi thứ quá bỡ ngỡ, khó khăn chồng chất khó khăn. Hai con chị, đứa anh 22 tuổi, cậu em 18, đều là sinh viên của trường đại học ở ngay trong thành phố. Hai anh em xin được một chân bỏ báo kiếm sống, còn bố mẹ chúng cặm cụi học tiếng Anh.

Gần nhà chị có một cơ sở làm bánh samosa – một loại bánh truyền thống của người Ấn Độ. Một hôm bà chủ người Ấn rất ngạc nhiên khi có một người phụ nữ Á Đông gần 50 tuổi, rụt rè đến xin việc. I want to find a job (Tôi muốn tìm việc), nhưng hỏi lại thì người phụ nữ cứ ú ớ chỉ tay múa máy. Một người cứ nói, người kia cứ múa, một lát thì hiểu được nhau. Thế là bà nhận chị vào làm.

Sáng đầu tiên làm việc, bà chủ đưa ra cho chị một bát bột sánh, chị hít thật sâu để lấy bình tĩnh rồi thật thà hỏi bằng tiếng Anh: “It is my breafask?” (đây là món ăn sáng của tôi à?). Bà chủ trợn mắt, xua tay “no, no” rồi làm động tác chỉ cho chị cách phết bột vào mép vỏ bánh. Trong ngày hôm đó, bà chủ cho chị làm thử 3 tiếng, công việc đầu tiên là gói bánh samosa - có hình dạng giống những bánh giò Hà Nội. Được cái khéo tay, sáng dạ, chị tiếp nhận công việc nhanh chóng. Ngày hôm đó chị nhận được 30 USD. Đêm về, chị mất ngủ vì sung sướng vì từ nay mình không phải là người thừa của xã hội nữa.

Có nằm mơ cũng không nghĩ được, đến một ngày chị từ bỏ công việc quản lý trong doanh nghiệp, thu nhập cao để sang miền đất xa lạ làm công nhân xưởng bánh, còn hai cậu con trai thì vừa học đại học vừa đi bỏ mối báo. Hai lần làm cuộc cách mạng thay đổi đời mình… hóa ra bên trong người phụ nữ yếu đuối lại ẩn chứa một nghị lực phi thường. Và, người phụ nữ hiện đại không thể chấp nhận mình là chiếc lá mặc trôi theo dòng đời…

Mấy tháng sau, nghĩ rằng nếu mua được cổ phẩn của xưởng thì công việc sẽ bền vững hơn, nhờ sự trợ giúp của con trai lớn, chị đặt vấn đề với bà chủ… Bà trả lời, bà không muốn bán cổ phần vì không chỉ cần tiền mà cần người kế tục sự nghiệp. Một thời gian sau, bà bảo chị: “Tao già rồi, muốn nghỉ ngơi. Tao muốn bán toàn bộ cơ sở này. Nhiều người muốn hỏi mua nhưng tao tin mày. Mày sẽ trả tiền cho tao trong 5 năm. Tao sẽ ở lại đây làm việc giúp mày cho đến khi mày có thể đứng vững được”.

“Thì ra trong môi trường kinh doanh này tiền không phải là tất cả. Nếu có uy tín, được tin tưởng thì có thể khởi nghiệp từ con số 0. Lối đi đã mở. Đây là cơ hội vàng”. Chị nghĩ. Mọi việc đến rất nhanh, ngoài cả sự mong đợi của chị. Thế là chị tiếp nhận cơ sở bánh, tiếp tục cho nó vận hành dưới sự dẫn dắt, giúp đỡ của bà chủ cũ, sự hỗ trợ nhiệt tình đầy trách nhiệm của cậu con lớn. 

Sáng đầu tiên làm việc, bà chủ đưa ra cho chị một bát bột sánh, chị hít thật sâu để lấy bình tĩnh rồi thật thà hỏi bằng tiếng Anh: “It is my breafask?” (đây là món ăn sáng của tôi à?).

Hãy ngẩng cao đầu mà bước

Khi cùng gia đình từ giã đất nước để đến miền đất mới, vết thương lòng vẫn còn đang nhức nhối trong chị. Chưa biết đến bao giờ chúng mới liền sẹo vì vết thương mới cứ chồng lên vết thương cũ. Biết vậy nhưng chị thương con, sợ con thiếu hụt tình cảm, sẽ phát triển không trọn vẹn, ảnh hưởng đến tương lai sau này nên chị tạm xếp những uẩn ức vào trong lòng, dành thời gian, sức lực tập trung phát triển sự nghiệp kinh doanh. Doanh nghiệp này là của gia đình chị, các con sẽ là những người chủ kế tiếp chứ còn ai nữa. Muốn hội nhập, có vị thế trong xã hội thì phải có ước mơ và phải biết hành động vì ước mơ đó. Chị dạy con cách làm ăn trong tư thế “ngẩng cao đầu”: Đây là mình làm kinh doanh thực sự chứ không phải kiếm tiền đơn thuần. Vì thế cần trung thực, không trốn thuế, không khôn vặt, luôn tuân thủ luật pháp của nước sở tại… Credit. Credit… Chị luôn nhắc các con như vậy.

Sản phẩm với data khách hàng có sẵn nên giữ vững nhịp độ trên thị trường tiêu thụ. Để từng bước nâng tầm, chị đưa thêm một số sáng kiến, vẽ lại quy trình làm bánh, đăng ký sản xuất thêm sản phẩm nem cuốn Việt Nam. Chị trực tiếp tuyển nhân sự và đào tạo tay nghề cho họ. Những công việc như trộn bột, chạy máy, gói bánh, vệ sinh dụng cụ… đều phải tuân thủ đúng quy định vệ sinh an toàn của y tế sở tại. Nhìn tưởng đơn giản nhưng chỉ chệch một bước là hỏng việc. Ví dụ như nhiệt độ quy định trong một chiếc bánh luôn phải đạt dưới 4 độ c hoặc trên 60 độ c để đảm đảm bảo vi khuẩn sẽ không phát triển và gây bệnh. Trước đây, người mới đến làm việc, được bà chủ hướng dẫn một lần, người mới cứ nhìn vào người cũ làm mà bắt chước. Trong xưởng có những cuộc cạnh tranh ngầm, ai cũng muốn giữ việc cho mình nên chuyện người cũ giấu nghề cũng là chuyện thường. Để việc đào tạo đơn giản hơn, chị vẽ ra các bước một, hai, ba… nhân viên mới dễ hình dung, cứ theo từng bước đó mà làm và nhanh chóng vào guồng.

Trong đội ngũ công nhân của chị có một nghệ sĩ piano người Hàn Quốc. Cô từng chơi piano trong dàn nhạc ở xứ kim chi. Ở xưởng, cô là người gói bánh khéo nhất và nhanh nhất. Khi đôi tay cô gói bánh, trong đầu cô hiện lên những nốt nhạc, giai điệu. Thi thoảng cô có một show diễn trong nhà thờ, tự chơi piano những bản nhạc do mình sáng tác. Những công nhân khác, người thì từng là bác sĩ, người là đầu bếp, người làm trong Chính phủ… Họ hầu hết đến từ Hàn Quốc, Chaq, Etiopia, Lebanon, Cambodia, Trung Quốc, Nepan, Việt Nam, Ucraina… Mỗi người một vị trí trong dây chuyền, không cần khẩu hiệu, không hô hào phong trào thi đua mà ai cũng chăm chỉ, cần mẫn để làm ra nhiều sản phẩm nhất.

Thị trường của chị ngày càng được mở rộng. Các đơn đặt hàng từ các tiệm ăn, siêu thị trong và ngoài vùng được gửi đến ngày càng nhiều. 5 ngày trong tuần, guồng máy sản xuất bánh hoạt động hết công suất để chuyển bánh theo đơn hàng. Thứ bảy và chủ nhật, các du học sinh Việt Nam sẽ đảm nhiệm việc bán hàng tại các chợ nông sản (farmer market).

Thêm một bước thử sức mình, chị tìm cách đưa hàng vào siêu thị Cosco. Công việc mới bắt đầu, hai mẹ con đã choáng ngợp vì lượng hàng tiêu thụ quá lớn. Lãnh đạo Cosco tìm gặp chị, đề nghị chị cung cấp bánh cho cả hệ thống 6 siêu thị của họ. Những người có trách nhiệm của thành phố cũng tìm gặp chị, động viên chị lập dự án, mở rộng mặt bằng sản xuất, mua thêm máy móc và tuyển thêm công nhân lao động. Họ cam kết sẽ cấp vốn không hoàn lại cho doanh nghiệp của chị từ 500.000 đến 1.000.000 USD, sẵn sàng hỗ trợ mức tốt nhất để công ty chị phát huy hiệu quả đồng vốn. Với một bài toán quá lớn vượt sức mình đó, chị lo lắng tìm đến các nhà tư vấn tài chính để nghe lời khuyên. Sau khi lắng nghe mọi ý kiến, chị quyết định giữ quy mô sản xuất như hiện tại để có thể đảm bảo chất lượng sản phẩm, quản lý doanh nghiệp chặt chẽ và tuân thủ mọi quy định pháp luật.

Ở các nước phát triển, uy tín của chủ doanh nghiệp được đánh giá thông qua số lượng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân đã đóng góp cho ngân sách. Về điều này thì doanh nghiệp của chị là điểm sáng của thành phố, không những được khen ngợi, tri ân mà còn được sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ khi cần. Chưa hết, công ty của chị còn là một trong số ít doanh nghiệp được Chính phủ cho phép nhận lao động nước ngoài theo diện định cư. Một số lao động Việt Nam cùng với gia đình họ đã sang làm việc cho doanh nghiệp của chị, tạo thành một cộng đồng nhỏ yêu thương và ấm áp.

"Khi mọi thủ tục ly hôn đã xong, chị bắt đầu đổ nước mắt. Khóc như gột rửa tất cả những gì đau khổ đã trải. Khóc cho phận mình quá long đong. Sau 12 năm trèo lên đỉnh Chùa Đồng xin được khóc, giờ chị mới toại nguyện.

Vĩ thanh

Chị bảo, chưa bao giờ chị thấy lòng bình yên đến vậy. Vợ chồng là món nợ từ kiếp trước và chị đã trả xong món nợ đó. Hai năm trước, hai con chị có ý kiến nghiêm túc: Bố mẹ không cần phải cố nữa. các con đã trưởng thành rồi… Khi mọi thủ tục ly hôn đã xong, chị bắt đầu đổ nước mắt. Khóc như gột rửa tất cả những gì đau khổ đã trải. Khóc cho phận mình quá long đong. Sau 12 năm trèo lên đỉnh Chùa Đồng xin được khóc, giờ chị mới toại nguyện.

Người ấy tìm đường đi riêng. Hai con chị thương mẹ, luôn tìm cách bù đắp tình cảm cho mẹ. Khác với những gì chị từng lo lắng khi bố mẹ chia tay, hai con trai và cả con dâu luôn động viên mẹ có người mới. Mẹ giỏi giang, hy sinh, chịu đựng… mẹ cần có hạnh phúc. Cần phải có ai đó yêu thương, chăm sóc mẹ thật lòng để các con mẹ yên tâm cất bước trên đường đời. Thật khó mà hình dung được khi trong các câu chuyện của gia đình, chủ đề “tìm chồng cho mẹ” luôn là chủ đề sôi nổi nhất.

Chị bảo, giờ cần nhấm nháp hạnh phúc khi được là chính mình đã. Sáng dậy nhìn thấy bình minh reo vui bên khung cửa sổ. Rừng cây, vườn hoa rực rỡ, thảm cỏ xanh ngút ngàn… Chiều, lái xe từ xưởng về nhà, những hàng cây ven đường, những ngôi nhà, lâu đài cổ lấp lánh nắng như mọc trên những thảm cỏ xanh rờn chạy ngược chiều với chị. Cảnh như mơ mà thực. Mùa thu, khi lá cây đồng loạt ngả màu vàng thì chị có cảm giác như mình đi giữa một hành tinh dát vàng lộng lẫy. Rồi những bản nhạc chị đã từng say đắm từ thời thiếu nữ lại song hành với chị, mang đến một thoáng man mác buồn, một chút nhớ nhung, một chút day dứt nhưng tựu chung lại là hạnh phúc ngập tràn.

Cậu con trai lớn giờ đã trưởng thành, có thể thay chị quản lý và điều hành doanh nghiệp. Cậu con trai thứ hai từng được coi là thần đồng với những dự án tài chính khởi nghiệp được nhiều giải thưởng, được gặp gỡ và trò chuyện với tỷ phú Warren Bufett. Nay anh đang học nâng cao ở một trường đại học danh tiếng. Vợ anh là bạn học cực kỳ xuất sắc cùng thời sinh viên với anh. Thế là chị đã có ba người con, tất cả đều yêu mẹ với một tình yêu lớn và lòng biết ơn vô bờ bến. Đời người là thế, còn mong gì hơn nữa?!

Tôi mạo muội nói, chị có biết chị là ai không? Là người con gái đánh vỡ chén ngọc trên thiên đình, bị phạt xuống trần gian và bị buộc phải đi qua những đoạn đời khốc liệt đó. Chị cười hiền, nụ cười tươi rói và mãn nguyện.

Có thể bạn quan tâm