Khi quốc gia cải thiện xếp hạng tín nhiệm

Khi các tổ chức xếp hạng tín nhiệm nhận định tích cực thì các NĐT nước ngoài nhìn Việt Nam cũng tích cực hơn, sẽ thấy bớt rủi ro hơn, qua đó dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp kỳ vọng cũng sẽ tích
Khi quốc gia cải thiện xếp hạng tín nhiệm

Thêm những hệ quả tích cực

Liên tiếp trong tháng 4 và tháng 5 vừa qua, 2 trong 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm (XHTN) quốc tế lớn là Moody’s và Fitch Ratings đã nâng triển vọng tín nhiệm của Việt Nam từ “Ổn định” lên “Tích cực”, ghi nhận những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư và ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ Việt Nam. “Chính phủ đã thành công trong việc kiên định với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô…”, ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam nhấn mạnh.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia TC-NH thì cho rằng, quyết định nâng triển vọng lên tích cực của các tổ chức XHTN trên mang lại những tác động tích cực cho Việt Nam. Tín nhiệm tăng, uy tín quốc tế được nâng lên thì lãi suất vay sẽ thấp xuống (nếu đi vay). Và, khi các tổ chức XHTN nhận định tích cực thì các NĐT nước ngoài nhìn Việt Nam cũng tích cực hơn, sẽ thấy bớt rủi ro hơn, qua đó dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp kỳ vọng cũng sẽ tích cực hơn.

Trên thực tế, sự ổn định kinh tế vĩ mô thời gian qua đã giúp thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng cao và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 5 tháng đầu năm 2017, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt 12,13 tỷ USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2016. Vốn FDI giải ngân tương ứng đạt 6,15 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2016. Xuất khẩu của khu vực FDI (kể cả dầu thô) trong 5 tháng đầu năm 2017 đạt 57,24 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2016 và chiếm 72,19% kim ngạch xuất khẩu…

Và hơn thế nữa, những đánh giá tích cực này cũng góp phần giúp chỉ số CDS (hoán đổi rủi ro tín dụng) - một công cụ phản ánh đánh giá của các NĐT đối với tín nhiệm nợ của quốc gia - của Việt Nam tiếp tục ổn định theo xu hướng giảm. Ngoài ra, vì “ăn theo” trần tín nhiệm quốc gia nên khi các tổ chức XHTN này nâng triển vọng như vậy thì nhiều NH, đặc biệt là các NH lớn của Việt Nam cũng được đánh giá tích cực hơn.

Tuy nhiên, TS. Cấn Văn Lực cũng lưu ý rằng: Bởi một phần vì đấy mới chỉ là nâng triển vọng chứ chưa phải nâng hạng thực sự. Mà triển vọng thì có thể thay đổi bất kỳ lúc nào, như hôm nay lên tích cực nhưng ngày mai lại xuống tiêu cực, nên ta không được chủ quan. Mới là nâng triển vọng nên tác động tích cực không lớn lắm. Do đó, chúng ta cần đặc biệt lưu ý tới những khuyến nghị của các tổ chức này để tập trung cải thiện trong thời gian tới.

Huy động vốn quốc tế sẽ thế nào?

Theo các tổ chức XHTN quốc tế, một trong những yếu tố quan trọng để họ có thể nâng hoặc giảm XHTN của Việt Nam là tình hình nợ công. Cụ thể là theo dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi), nợ tự vay tự trả của DNNN sẽ không được tính vào nợ công.

Tổng giám đốc HSBC Việt Nam cho rằng, với định hướng mới này, các NĐT nước ngoài sẽ phải xem xét rủi ro của các DNNN trên cơ sở của chính các DN này, thay vì dựa trên hỗ trợ của Chính phủ như họ thường hiểu trước đây. Điều này sẽ dẫn đến việc các DNNN sẽ khó tiếp cận vốn vay hơn và tạo áp lực lên các DNNN phải nâng cao hiệu quả hoạt động, cải thiện cơ chế quản lý, minh bạch hóa thông tin…

“Chúng ta nên tiếp cận dần với cơ chế thị trường để các DNNN hoạt động bình đẳng với các thành phần kinh tế khác. Việc nêu rõ quan điểm của Quốc hội và Chính phủ về trách nhiệm trả nợ của các DNNN là một điều tốt”, vị này nhận định.

Chỉ số CDS (kỳ hạn 5 năm) tháng 5 giảm xuống 154 điểm, mức thấp kỷ lục trong vòng 5 năm qua, cho thấy mức độ tín nhiệm của Việt Nam đang khả quan. Điều này hỗ trợ tích cực cho việc thu hút luồng vốn đầu tư nước ngoài. Tính đến hết 19/5, khối ngoại mua ròng hơn 11.000 tỷ đồng trên thị trường trái phiếu Chính phủ”, theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia.

Trước câu hỏi của phóng viên liệu thời điểm hiện nay đã phù hợp để xem xét lại câu chuyện huy động vốn quốc tế khi các tổ chức XHTN nâng triển vọng như vậy, TS. Lực cho rằng, thời điểm hiện nay chưa nên đặt ra vấn đề này. Theo ông, hiện chưa đến mức phải đi vay thêm vốn nước ngoài. Hơn nữa, vay nước ngoài lúc này lãi suất cũng chưa giảm được nhiều, nhất là trong bối cảnh lãi suất USD trên thế giới tăng lên do Fed tăng lãi suất. Ngoài ra, Việt Nam đang kiểm soát chặt chẽ nợ công, trong đó có nợ nước ngoài nên bây giờ đi vay sẽ gửi đi một động thái không phải là tích cực về mặt nhất quán chính sách.

Trong khi đó theo ông Phạm Hồng Hải, Việt Nam hiện đang thu hút sự quan tâm của rất nhiều các NĐT quốc tế. Do đó, việc ra thị trường và huy động được nguồn vốn dài hạn với chi phí cạnh tranh sẽ không khó. Nhưng việc sử dụng đồng vốn này một cách hiệu quả sẽ khó hơn rất nhiều. Việc đẩy nhanh tiến trình cải cách sẽ giúp minh bạch hóa hiệu quả sử dụng vốn và giúp Chính phủ phân bổ vốn hiệu quả dựa trên hiệu suất đầu tư tối ưu.

“Theo tôi, việc cập nhật thông tin cho các NĐT quốc tế thường xuyên và lựa chọn thời điểm phát hành phù hợp là hết sức quan trọng. Các NĐT cần được nghe câu chuyện về Việt Nam thường xuyên để họ an tâm với triển vọng phát triển của đất nước. Lựa chọn thời điểm phát hành nên vào lúc thị trường thuận lợi nhất, thay vì chờ đến lúc chúng ta cần tiền nhất và thị trường có thể diễn biến xấu”, ông Hải nói.

Đồng thời, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam kỳ vọng rằng: Việc tập trung vào chất lượng tăng trưởng bao gồm kiểm soát tác động lên môi trường, nâng cao năng suất lao động, đẩy nhanh cải cách các DNNN và hệ thống NH, thúc đẩy liên kết các DN nội với chuỗi cung ứng toàn cầu của các DN FDI chắn chắn sẽ giúp Việt Nam ngày càng cải thiện định hạng tín nhiệm trong tương lai.

Theo Đỗ Lê/Thời báo ngân hàng

thoibaonganhang.vn/khi-quoc-gia-cai-thien-xep-hang http://thoibaonganhang.vn/khi-quoc-gia-cai-thien-xep-hang-tin-nhiem-63959.html

Có thể bạn quan tâm