Khi tín dụng ngân hàng lãi cao như tín dụng đen: Sai từ luật thì phải sửa

Ngành ngân hàng đang thực hiện các biện pháp để 'đè bẹp' tín dụng đen bằng cách đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng.
Khi tín dụng ngân hàng lãi cao như tín dụng đen: Sai từ luật thì phải sửa

Tuy nhiên, theo luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch Công ty Luật Basico, vấn đề ở đây là mở cửa đầu vào và xử lý vấn đề lãi suất.

Đều vượt trần lãi suất, nhưng luật sai nên tôi ủng hộ

Trong một hội thảo về tín dụng tiêu dùng mới đây, có thông tin được đưa ra là ngân hàng cũng cho vay tiêu dùng với lãi suất tới 80%/năm. Ông nhìn nhận thế nào về con số này?

Tôi cũng choáng với thông tin này. Tôi chỉ nghĩ lãi suất tài chính tiêu dùng của ngân hàng khoảng 30% nhưng không ngờ lại ngang ngửa với lãi suất cho vay của công ty tài chính (CTTC) tiêu dùng.

Nhưng nhìn vào bản chất, lãi suất là giá cả đồng tiền, là sức khỏe nền kinh tế. Tại sao lãi suất cao thì phải hỏi nền kinh tế và rủi ro pháp lý, rủi ro đạo đức. Đủ mọi thứ rủi ro cộng với yếu tố cạnh tranh dẫn tới nửa thế kỷ nay lãi suất đều cao như thế. Cũng không nên so sánh với Tây, Tàu, Mỹ, Nhật. Các nước họ cho vay tiêu dùng lãi chỉ 5 - 7%/năm nhưng cộng các loại phí vào thì cũng lên tới mấy chục phần trăm. Ở ta, lãi suất ngân hàng cho vay bình thường khoảng 10% thì lãi suất cho vay tiêu dùng vài chục phần trăm là bình thường.

Quay lại với con số lãi suất 80%/năm, theo tôi không có cái nào là cao, cái nào là thấp vì đó là thị trường chứ không phải độc quyền.

Mức lãi suất này có vượt trần, có vi phạm không thưa ông?

Luật cũ chốt trần lãi suất cho vay là 13,5%/năm (tức là không quá 150% lãi suất cơ bản) sau đó nâng lên 20%/năm. Vượt trần là trái luật nhưng nay các tổ chức đều vượt hết nhưng vì luật sai nên tôi ủng hộ. Một mặt, tôi vẫn nói là vi phạm luật nhưng mặt khác tôi ủng hộ việc vượt trần.

Luật Dân sự quy định trần lãi suất 20%/năm trừ trường hợp luật khác có quy định khác. Bây giờ, chiếu theo Điều 93, Luật Các tổ chức tín dụng, họ được thỏa thuận với khách hàng về lãi suất. Như vậy, lãi suất là được thỏa thuận nhưng về nguyên lý là thỏa thuận theo quy định của pháp luật, chứ không bao nhiêu cũng được. Và vừa rồi Nghị quyết 01/2019 của Hội đồng thẩm phán đã chấp nhận lãi suất thoải mái khi trong hạn, còn khi quá hạn thì áp dụng 150% lãi suất trong hạn.

Tôi nghĩ đã đến lúc “cởi” tín dụng tiêu dùng

Khi tín dụng ngân hàng lãi cao như tín dụng đen: Sai từ luật thì phải sửa ảnh 1

Nhu cầu tín dụng tiêu dùng quá lớn trong khi nguồn cung còn nhỏ là một trong nhữngnguyên nhân khiến lãi suất rất cao. Ảnh: Tạ Tôn

Vậy, tại sao tổ chức ngoài ngân hàng cho vay lãi suất 40%/năm hay 60%/năm lại bị khép vào xã hội đen?

Thông thường, tín dụng ngân hàng chỉ ở mức 10%/năm. Còn tín dụng tiêu dùng rất rủi ro, vì thường vay không thế chấp, có khi phải trả giá nên lãi suất phải cao hơn. Nhưng cao đến mức nào cần phải tính toán. Tôi nghĩ đã đến lúc “cởi” cho tín dụng tiêu dùng rồi. Cái cần xử lý ở đây là gian lận, lừa đảo, cưỡng ép, đe dọa.

Vậy theo ông, “cởi” theo cách nào?

Hệ thống tài chính tiêu dùng gồm hai thành phần chủ lực là ngân hàng và nhóm các quỹ tín dụng, công ty tài chính. Ngân hàng thì không đóng vai trò chủ lực vì không đủ sức, không làm được và các ngân hàng đã chứng minh bằng năm tháng.

Hai là quỹ tín dụng, công ty tài chính... Ở đây phải hiểu, nguồn tiền không phải huy động từ dân cư (tiết kiệm) mà là tiền cá nhân, nhóm cá nhân, doanh nghiệp. Do đó, nếu mất là mất tiền của họ nên không ảnh hưởng tới hệ thống ngân hàng. Luật pháp nên khích lệ, cơ quan quản lý chỉ cảnh báo tính mạo hiểm và rủi ro của lĩnh vực này vì nó còn kinh khủng hơn chứng khoán, bất động sản... Việc kiểm soát ở đây cũng không nên siết chặt mà chỉ cần theo hình thức công ty đại chúng để bảo vệ cổ đông. Riêng việc huy động vốn của dân thì nhất định là không cho phép.

Có nên cấp phép thêm cho nhiều CTTC gia nhập thị trường để tăng nguồn cung vốn?

Theo tôi, với doanh nghiệp không cần cấp phép hoạt động tài chính mà chỉ cần ghi là hoạt động dịch vụ. Công ty dịch vụ được cho vay thoải mái nhưng cấm huy động tiền của dân để cho vay như tôi nói, kể cả vay từ ngân hàng. Thậm chí có thể yêu cầu doanh nghiệp phải niêm yết để được hoạt động dịch vụ này.

Không đẩy người dân vào ranh giới một là chết, hai là phạm tội

" Việc ngân hàng, CTTC thuê công ty đòi nợ là hợp pháp. Công ty đòi nợ có đăng lý kinh doanh thì cũng hợp pháp. Chỉ có hành vi đòi nợ có hợp pháp hay không mà thôi. Nếu ngân hàng nào muốn giữ hình ảnh, ngại đụng chạm thì không thuê, nhưng đã có ngân hàng tuyên bố không ngại đụng chạm, không ngại báo chí nên vẫn làm. Luật sư Trương Thanh Đức.

Như ông nói cần mở cho vay tiêu dùng, nhưng nhất định không cho huy động vốn từ dân. Vậy, có tình trạng các ngân hàng huy động vốn rồi rót cho CTTC không?

Hiện, việc rót vốn ngân hàng vào CTTC tiêu dùng khá chặt. Ví dụ, công ty tài chính con không phải 100% vốn ngân hàng thì ngân hàng được góp vốn không quá 15%. Hay NHNN cũng quy định tỷ lệ tổng vốn góp của ngân hàng vào các công ty để kiểm soát việc rò rỉ vốn. Đáng chú ý, sau khi góp vốn vào công ty con, số góp này ngân hàng phải trừ khỏi khi tính tỷ lệ an toàn vốn. Hiện, nhiều ngân hàng đang sống dở, chết dở thì làm gì còn vốn đi góp. Như Vietinbank, Vietcombank đang xin Bộ Tài chính vốn để bổ sung vốn, nâng cao tỷ lệ an toàn vốn. Bản thân các ngân hàng khác cũng thế thôi, đều ở mức mấp mé. Còn mấy ngân hàng nói rằng dư chẳng qua là không tính đúng, tính đủ vì nó thể hiện ở chỗ lãi suất luôn cao, gây nguy cơ mất thanh khoản. Do đó, cần kiểm soát việc ngân hàng góp vốn vào công ty con nhưng không trừ vào tỷ lệ an toàn vốn.

NHNN vừa yêu cầu Agribank triển khai gói 50 nghìn tỷ để cho vay tiêu dùng, theo ông những gói tín dụng như này có giúp giải quyết được phần nào vấn đề không?

Đây chỉ là giải pháp tinh thần, vẫn phải làm, triển khai, đôn đốc thúc giục... nhưng nó sẽ không giải quyết được bao nhiêu vì quá nhỏ so với thực tế đang diễn ra.

NHNN đang rất muốn đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng để hạn chế tín dụng đen, vậy theo ông mấu chốt cần xoáy vào đâu?

Đây là vấn đề kinh tế chứ không phải là tệ nạn xã hội. Do đó, phải giải quyết gốc gác là câu chuyện kinh tế, những cái khác chỉ là phụ trợ. Nên nếu cứ đi theo hướng tăng cường giáo dục, ngăn chặn, xử lý, tăng hình phạt... thì không phải căn cơ. Phải hoàn thiện cơ chế kinh tế và hình sự có như thế mới thay đổi cơ bản. Cũng như lĩnh vực giao thông, đã xây hạ tầng đẹp rồi thì tăng mức xử phạt, lắp camera phạt nguội... thế là hạn chế vi phạm nhiều.

Cảm ơn ông!

Theo Cao Sơn/Báo Giao Thông

Có thể bạn quan tâm