Khó khăn của ngành ngân hàng vẫn chưa được phản ánh đủ

TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, kết quả kinh doanh trong 9 tháng qua vẫn chưa phản ánh rõ nét và đầy đủ những khó khăn của ngành ngân hàng.
Khó khăn của ngành ngân hàng vẫn chưa được phản ánh đủ

Tính đến thời điểm hiện tại, hầu hết các ngân hàng đều đã công bố với lợi nhuận quý III và 9 tháng đầu năm tăng trưởng tốt, vượt qua những lo ngại được HĐQT của nhiều ngân hàng đã nêu ra tại ĐHĐCĐ thường niên tổ chức trong giai đoạn từ tháng 4-6 vừa qua.

Nhận định về kết quả này, TS Cấn Văn Lực cho biết, ở khối ngân hàng niêm yết, mức tăng trưởng lợi nhuận 9 tháng đầu năm là từ 7-10%. Tuy nhiên, con số này chưa phản ánh hết những khó khăn mà ngành ngân hàng đang gặp phải, cũng như lợi nhuận thực của ngành ngân hàng cho cả năm.

Nguyên nhân đầu tiên là do trích lập dự phòng thông thường sẽ được các ngân hàng trích lập cho cả năm, sẽ tăng mạnh vào cuối quý IV. Thứ 2 là sẽ có độ trễ tác động của dịch bệnh COVID-19 tới ngành ngân hàng khi khó khăn của khách hàng mới chỉ bắt đầu. Thứ 3 là Thông tư 01 hiện nay vẫn giữ nguyên nhóm nợ, nên nợ xấu được tạm giữ đó.

Cũng theo TS Cấn Văn Lực, trong 9 tháng qua lợi nhuận của ngành ngân hàng tăng trưởng nhưng nợ xấu cũng tăng theo cả về giá trị tuyệt đối và tương đối.

Tính đến ngày 30/9, nợ xấu đã tăng khoản 30% so với cuối năm 2019 ở nhóm các ngân hàng niêm yết và xu hướng tăng sẽ vẫn còn tiếp tục do độ trễ của dịch Covid-19 với khách hàng và các khoản nợ đang tái cơ cấu theo Thông tu 01 vẫn được giữ nguyên nhóm nợ.

“Theo tính toán của chúng tôi, dự báo đến cuối năm nợ xấu nội bảng của hệ thống ngân hàng thương mại sẽ lên trên 3%, tới 2021 con số này sẽ lên tới 3,5-4%. Tất nhiên, nợ xấu tăng cao sẽ tác động tiêu cực tới hoạt động của hệ thống ngân hàng”, TS Cấn Văn Lực cho biết.

Thực tế, năm 2020 là một năm đầy thách thức cho ngành ngân hàng, dịch Covid-19 ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của doanh nghiệp chưa được giải quyết thì đợt bão lũ lịch sử đã và đang diễn ra tại miền Trung ảnh hưởng trực tiếp tới của cải, tài sản của người dân.

Sau hàng loạt các thông tư yêu cầu các tổ chức tín dụng phải đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh bằng việc giảm lãi suất cho vay; miễn, giảm lãi, phí, cơ cấu lại thời gian trả nợ; giảm lương, thương nhân viên; không chia cổ tức bằng tiền mặt trong năm 2020... mới đây NHNN đã ban hành Văn bản số 7751/NHNN-TD tiếp tục yêu cầu các NHTM dùng các biện pháp tương tự để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi bão lũ miền Trung.

Có thể bạn quan tâm