Khởi nghiệp theo “trend” và cách nổi bật để hút vốn

“Để trở nên hấp dẫn cần đi theo xu hướng của thị trường hay tỏ rõ sự độc đáo không giống ai?” - câu hỏi của rất nhiều startup khi muốn khẳng định bản thân cũng như nổi bật giữa vô vàn những dự án và ý
Khởi nghiệp theo “trend” và cách nổi bật để hút vốn

Lợi ích khi khởi nghiệp theo "trend"

Hiện nay, thương mại điện tử không chỉ là xu hướng kinh doanh mới tại Việt Nam mà là xu hướng kinh doanh trên toàn thế giới, thậm chí sẽ xu hướng này sẽ còn “thống trị” trong thời gian dài tới. Đây chính là “mảnh đất màu mỡ” cho nhiều công ty, doanh nghiệp và doanh nhân thoả sức sáng tạo và tìm ra con đường phát triển của riêng mình.

Thống kê cho thấy, với sự tăng trưởng lên tới 22%/năm, thị trường thương mại điện tử Việt Nam được cho là hấp dẫn hàng đầu thế giới. Trong 5 năm tới, quy mô thị trường có thể đạt 10 tỷ USD.

12 dự án khởi nghiệp được chọn lọc sau 3 vòng đánh giá, tuyển chọn của Hội đồng cố vấn Vườn ươm Doanh nghiệp CNTT đổi mới sáng tạo Hà Nội đã phần nào phản ánh rõ điều đó khi các dự án đều phát triển dựa trên thị trường thương mại điện tử, sự bùng nổ của công nghệ thông tin, xu hướng sử dụng điện thoại thông minh hay nhu cầu kết nối internet…

Hoạt động trên nền tảng thương mại điện tử, khai thác thế mạnh từ tiềm năng thị trường thuộc “từng phân khúc”, những mô hình kinh doanh “mới” mà “không mới” lần lượt hình thành. Đơn cử, dự án “Ứng dụng giáo dục học dễ” khai thác xu thế học trực tuyến của phần đông học sinh, sinh viên; dự án “hệ sinh thái quản lý bán hàng – giao hàng” dựa vào xu hướng “mua sắm trực tuyến” của xã hội hay dự án “Mạng xã hội kết nối hành khách với taxi, xe ôm, xe khách, xe vận tải” lại nhằm vào sự “nở rộ” của thị trường vận chuyển khi được ứng dụng công nghệ…

Chính vì đi theo xu hướng nên các founder đều khá tự tin vào sự thành công của mỗi dự án khi được đưa vào vận hành. Founder của dự án Ứng dụng học dễ khẳng định, với hơn 22,21 triệu học sinh và 1,23 triệu thầy cô giáo đang có nhu cầu, dự án có thể đạt được 150.000 người sử dụng/năm.

Dự án kết nối khách hàng với taxi, xe ôm, xe khách, xe vận tải cũng nhấn mạnh, chắc chắn năm 2018, có thể thu hút khoảng 100.000 – 200.000 phương tiện tham gia, trong 4 năm tới (đến 2020) có thể chiếm 70-80% thị phần Việt Nam…

Nắm bắt xu hướng thị trường là một lợi thế không thể phủ nhận. Bản thân các nhà đầu tư cũng cần một “điều đảm bảo” khi rót vốn vào mỗi một dự án và xu thế thị trường chính là điều đảm bảo ấy. Giống như một nhà đầu tư đã nói với 12 founder của 12 dự án đó rằng, “tôi đánh giá cao những dự án đi theo trend hơn là những dự án “lạ” vì những dự án lạ dù độc đáo nhưng lại “cô độc”.

Để hút vốn, cần nắm “thóp” của nhà đầu tư

Để được giới đầu tư chú ý, theo trend là một tiêu chí nhưng không phải là then chốt. Anh Nguyễn Trung Thành - Giám đốc Ngân hàng hồ sơ ứng tuyển trực tuyến Việt Nam (CVbank) đã từng chia sẻ rằng, để hút vốn thành công, một dự án start up cần hiểu rõ các nhà đầu tư muốn hướng đến.

Theo anh Trung, các start up cần xác định cụ thể đối tượng nhà đầu tư để tìm hiểu xem mối quan tâm lớn nhất của nhà đầu tư là gì; chuẩn bị một kế hoạch chi tiết và bài bản nhằm nêu rõ mục tiêu cụ thể của dự án trong từng giai đoạn; khoanh vùng mảng cần vốn của nhà đầu tư rót vào nhất theo thứ tự ưu tiên; đưa ra được những dự báo thực tế, kể cả ước tính mức tăng trưởng của doanh nghiệp; định giá được ý tưởng, dự án của mình theo từng giai đoạn phát triển để khi một nhà đầu tư rót vốn vào thì cả hai bên đều biết nhu cầu dòng tiền và khả năng nhà đầu tư sẽ rót vào bao nhiêu vốn…"

Có 4 điều mà các nhà đầu tư luôn đánh giá cao ở mỗi một dự án: Sự tin tưởng, sự hiểu biết mô hình kinh doanh, tự tin về tài chính và khả năng sinh lợi nhuận của Founder.

Ứng dụng Học dễ khi vừa được giới thiệu đã làm người ta liên tưởng đến ngay thương hiệu “TOPICA” – đơn vị đào tạo trực tuyến hàng đầu hiện nay tại Việt Nam. Trước sự so so sánh này, Founder của ứng dụng đã khẳng định: TOPICA hướng đến phân khúc người đi làm, có khả năng trả tiền cho khoá học, chủ yếu nhắm đến nhu cầu học ngoại ngữ; trong khi Ứng dụng Học dễ hướng đến đối tượng học sinh, sinh viên; lồng ghép trí tuệ nhân tạo để trao đổi và hỗ trợ nhanh chóng những thắc mắc của người học hay tạo nên một “hệ sinh thái” những ý kiến của cả người học lẫn người dạy để tạo tính suy luận, tư duy khi chọn câu trả lời…

Dù chỉ là những thông tin mang tính sơ bộ nhưng sự tin tưởng, sự hiểu biết mô hình kinh doanh của Founder này đã một phần nào tạo ấn tượng cho một số nhà đầu tư.

TS. Vũ Tấn Cương – Giám đốc Trung tâm Giao dịch Công nghệ thông tin và truyền thông, Vườn ươm DN CNTT đổi mới sáng tạo Hà Nội cũng khẳng định, để một dự án khởi nghiệp thành công không chỉ cần một ý tưởng tốt mà còn cần một kế hoạch kinh doanh khả thi bởi không có một start up nào có đủ vốn tự thân để tự hoạt động.

12 dự án khởi nghiệp xuất sắc của Hội đồng cố vấn Vườn ươm Doanh nghiệp CNTT đổi mới sáng tạo Hà Nội
12 dự án khởi nghiệp xuất sắc của Hội đồng cố vấn Vườn ươm Doanh nghiệp CNTT đổi mới sáng tạo Hà Nội

Vấn đề này một lần nữa cho thấy, khởi nghiệp là bước đi dài từ ý tưởng đến hành động, từ lý thuyết đến hiện thực với chung một nguyên lý: các Founder phải tính toán được tiềm năng và cả khả năng sinh lời của dự án cho các nhà đầu tư trong các kế hoạch ngắn hạn và dài hạn.

Với lượng lớn dự án khởi nghiệp đã, đang và tiếp tục “ra đời”, sẽ có dự án tạo được sự “bùng nổ”, thu hút được lượng vốn lớn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư thiên thần... và cũng sẽ có những dự án là những ý tưởng dù chứa đầy tâm huyết và hoài bão của tuổi trẻ nhưng vẫn chỉ nằm yên trên những trang giấy.

Thành bại của một startup là tổ hợp của rất nhiều yếu tố. CEO hay một founder cần tìm cho mình một hướng đi tạo nên nét độc đáo, những điểm sáng cần thiết để nếu điểm sáng đó không nằm ở trong ý tưởng thì chính là ở cách ý tưởng đó được vận hành.

>> Tìm nhà đầu tư cho 12 dự án khởi nghiệp xuất sắc

Có thể bạn quan tâm