Kịch bản nào cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020?

Chỉ tiêu tăng trưởng GDP 6,8% trong năm 2020 là thách thức rất lớn trong bối cảnh ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn, dịch bệnh kép từ Covid-19 và dịch bênh khác trên gia súc, gia cầm (H5N1, H5N6).
Kịch bản nào cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020?

Đây là nhận định trích từ báo cáo “Đánh giá ảnh hưởng của dịch bệnh corona đối với phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam" của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Hai kịch bản của tăng trưởng GDP 2020

Tuy nhiên, trên cơ sở dự kiến những tác động trực tiếp và gián tiếp của dịch Covid-19 tới các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra hai kịch bản: dịch Covid-19 khống chế kịp thời trong Quý I/2020, ước tính GDP năm 2020 tăng 6,25% so với năm trước (giảm 0,55 điểm % so với chỉ tiêu); dịch Covid-19 được khống chế trong Quý II/2020, ước tính GDP năm 2020 tăng 5,96% (thấp hơn 0,84 điểm %).

Để năm 2020 đạt mức tăng trưởng GDP 6,8% theo Nghị quyết 01 trong bối cảnh dịch Covid-19 được kiểm soát và khống chế ngay trong Quý I và II. Báo cáo cho rằng quý III và IV, kinh tế Việt Nam phải đạt được mức tăng trưởng vượt trội. Cụ thể, Quý I tăng 4,52% (thấp hơn 2,0 điểm %), Quý II tăng 6,66% (cao hơn 0,01 điểm %), Quý II tăng 7,67% (cao hơn 0,56 điểm %) và Quý IV tăng 7,5% (cao hơn 0,69 điểm % so với mục tiêu).

Muốn làm được điều này, yêu cầu đặt ra là dịch tả lợn Châu phi phải được khống chế hoàn toàn, tái đàn thành công, sản lượng thịt lợn tăng cao khoảng 10-14% (ở quý III và IV); công nghiệp chế biến, chế tạo quý III tăng 13,17% (cao hơn khoảng 2 điểm %), Quý IV tăng 11,76% (cao hơn 0,73 điểm %).

Trong đó các ngành dệt may, da giày, điện tử, ô tô… được cung cấp đầy đủ nguyên vật liệu phục vụ sản xuất; ngành Xây dựng cần tăng thêm 0,4-0,6 điểm %; ngành thương mại tăng thêm khoảng 0,9-1 điểm %; dịch vụ lưu trú ăn uống cần tăng thêm 2- 3 điểm %.

Kịch bản cho chỉ số giá tiêu dùng CPI

Về tác động của dịch Covid-19 đến chỉ số giá tiêu dùng, hai kịch bản được báo cáo chỉ ra: Trường hợp dịch Covid-19 kết thúc ở quý 1, giá các mặt hàng thực phẩm có nguy cơ tăng cao hơn ở quý 2. Song, nếu dịch Covid-19 kết thúc ở quý 2, giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm tươi sống, giá các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu trong gia đình tăng cùng với giá xăng, dầu có xu hướng tăng trở lại khi hết dịch.

Do đó, kịch bản thứ nhất với việc giá lương thực, thực phẩm, đồ uống, may mặc chỉ tăng cao vào các dịp lễ Tết do nhu cầu tăng cộng thêm những ảnh hưởng của dịch Covid-19 (kết thúc ở quý 1), dự báo CPI bình quân năm 2020 so năm 2019 tăng 3,96%.

Với kịch bản 2, giá thực phẩm sẽ tăng khoảng 2% do nhu cầu tăng và ảnh hưởng của dịch cúm gia cầm H5N1 tái phát. Thêm vào đó, giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào một số ngành sản xuất sẽ tăng, như giá xăng dầu điều chỉnh tăng 5%, giá gas tăng 10% ước tính tác động vào CPI khoảng 0,12%. Cộng với yếu tố thiên tai và thời tiết bất lợi như hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước cho thủy điện có thể xảy ra..., dự báo CPI bình quân năm 2020 so năm 2019 tăng 4,86%.

Cũng theo báo cáo, dịch Covid-19 khiến giá thiết bị y tế dùng cho công tác phòng chống lây nhiễm dịch (khẩu trang, dung dịch sát khuẩn, chất tẩy rửa..) và giá thuốc y tế tăng do nhu cầu tăng đột biến trong khi nguồn cung ngắn hạn chưa đáp ứng đủ, giá điện sinh hoạt tăng do nhu cầu tiêu dùng cao lên.

Với những kịch bản nêu ra, báo cáo kiến nghị: "Việt Nam có quan hệ kinh tế quy mô lớn và giao lưu nhiều mặt với Trung Quốc, trong bối cảnh khó khăn của dịch bệnh, cần ưu tiên các giải pháp về phòng chống dịch bệnh đồng thời cần thực hiện các giải pháp duy trì, ổn định sản xuất để tránh bị tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế."

Có thể bạn quan tâm