Kiến nghị giao Bình Phước “làm chủ” cao tốc TP. HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành

Tại buổi làm việc với lãnh đạo Bình Phước hồi tháng 3/2021, Thủ tướng đã đồng ý giao UBND tỉnh này là cơ quan có thẩm quyền để triển khai đầu tư cao tốc nêu trên theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Kiến nghị giao Bình Phước “làm chủ” cao tốc TP. HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành

Mới đây, UBND TP. HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao tỉnh Bình Phước làm cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án đường cao tốc TP. HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành.

Tuyến cao tốc này được phê duyệt tại Quyết định số 568/2013 của Thủ tướng, trong đó điểm đầu là huyện Chơn Thành (tỉnh Bình Phước) và điểm cuối là nút giao Gò Dưa (Thành phố Thủ Đức, TP. HCM) dài 69 km, rộng 60 m. Tổng vốn đầu tư hơn 24.000 tỷ đồng, thực hiện trước năm 2030.

Theo đó, đây là công trình quan trọng nhằm kết nối giao thông giữa các tỉnh Bình Phước, Bình Dương với TP. HCM, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Được biết, tại buổi làm việc với lãnh đạo Bình Phước hồi tháng 3 vừa qua, Thủ tướng đã đồng ý giao UBND tỉnh này là cơ quan có thẩm quyền để triển khai đầu tư cao tốc nêu trên theo hình thức đối tác công tư (PPP). Giao Bộ Kế hoạch và đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ: Tài chính, Giao thông vận tải bố trí vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương trong kế hoạch trung hạn 2021 - 2025 để triển khai dự án.

Để có cơ sở triển khai dự án theo đúng quy định, UBND TP. HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định giao UBND tỉnh Bình Phước làm cơ quan có thẩm quyền và hỗ trợ nguồn vốn thực hiện từ ngân sách trung ương trong kế hoạch trung hạn 2021 - 2025.

Trước đó, lãnh đạo Tỉnh ủy Bình Phước đã làm việc với lãnh đạo Thành ủy TP. HCM và thống nhất UBND tỉnh Bình Phước là cơ quan có thẩm quyền để triển khai đầu tư xây dựng dự án.

Nhưng để đảm bảo tính kết nối, đồng bộ mạng lưới giao thông, UBND tỉnh Bình Phước đề xuất phương án thay đổi hướng tuyến, theo đó cao tốc dài khoảng 70 km, rộng 64 m cho 6-8 làn xe.

Theo khái toán, tổng kinh phí khoảng 36.000 tỷ đồng, vốn nhà nước tham gia dự kiến chiếm 47% (tương đương 17.000 tỷ đồng), nhà đầu tư bỏ vốn 19.000 tỷ đồng.

Trong số đó, đoạn qua tỉnh Bình Phước quy mô 6 làn xe để đồng bộ với tuyến cao tốc Đắk Nông - Chơn Thành, còn đoạn qua TP. HCM dài khoảng 1,5km, từ nút giao Gò Dưa (đường Vành đai 2) đi trên cao đến ranh tỉnh Bình Dương, vốn khoảng 3.000 tỷ đồng.

Đoạn qua Bình Dương khoảng 57km, bao gồm 28km đi trên cao, xây dựng khoảng 10 cầu vượt, khái toán khoảng 30.000 tỷ đồng, còn đoạn qua tỉnh Bình Phước khoảng 11,5km, vốn khoảng 3.000 tỷ đồng.

Có thể bạn quan tâm