Kinh Bắc lên kế hoạch góp 1.110 tỷ đồng vào 2 công ty khu công nghiệp

HĐQT KBC đã thông qua việc hợp tác kinh doanh tại dự án KCN Tràng Duệ mở rộng với Công ty Cổ phần KCN Sài Gòn – Hải Phòng.
Kinh Bắc lên kế hoạch góp 1.110 tỷ đồng vào 2 công ty khu công nghiệp

Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (HoSE: KBC) vừa công bố Nghị quyết thông qua việc hợp tác kinh doanh tại dự án khu công nghiệp Tràng Duệ mở rộng với Công ty cổ phần Khu công nghiệp Sài Gòn - Hải Phòng và góp thêm vốn điều lệ vào Công ty cổ phần Khu công nghiệp Sài Gòn - Nhơn Hội.

Tính đến cuối tháng 9/2021, Kinh Bắc nắm 86,54% vốn Công ty Khu công nghiệp Sài Gòn - Hải Phòng. Ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc cũng là người đại diện pháp luật của Sài Gòn - Hải Phòng.

KBC dự tính góp 1.000 tỷ đồng cùng Công ty cổ phần Khu công nghiệp Sài Gòn - Hải Phòng triển khai dự án Khu công nghiệp Tràng Duệ tại huyện An Lão, thành phố Hải Phòng. 

Hạng mục đầu tư dự án là đền bù giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cho thuê lại đất, chuyển nhượng tài sản trên đất, hợp tác kinh doanh và chuyển nhượng hạ tầng cho các nhà đầu tư thứ cấp.

Công ty cổ phần Khu công nghiệp Sài Gòn - Hải Phòng sẽ là đơn vị quản lý, điều hành các hoạt động kinh doanh của dự án Tràng Duệ mở rộng. 

Tỷ lệ phân chia lợi nhuận giữa đôi bên sẽ được xác định trong từng hợp đồng hợp tác tương ứng với từng phần hợp tác kinh doanh tại dự án nêu trên. 

Bên cạnh đó, KBC còn góp thêm 110 tỷ đồng (tương ứng 11 triệu cổ phần) vào Công ty cổ phần Khu công nghiệp Sài Gòn - Nhơn Hội trong tháng 12/2021.

Như vậy sau giao dịch này, tổng số vốn Kinh Bắc góp vào Sài Gòn - Nhơn Hội là 12 triệu cổ phần, tương ứng chiếm 10% vốn điều lệ (trước đây đã góp 10 tỷ đồng).

Sài Gòn - Nhơn Hội được thành lập từ năm 2005, có trụ sở chính tại tỉnh Bình Định, do ông Võ Đình Long làm đại diện pháp luật. 

Cả công ty Sài Gòn - Hải Phòng và Sài Gòn - Nhơn Hội đều đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là đầu tư, xây dựng, kinh doanh khu công nghiệp, khu dân cư đô thị, khu du lịch và vui chơi giải trí, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, trung tâm thương mại, cao ốc văn phòng; cho thuê đất đã được xây dựng xong cơ sở hạ tầng; cho thuê, mua bán nhà ở, nhà xưởng; kinh doanh nhà ở; cho thuê kho bãi. 

Trong một diễn biến khác, KBC mới đây đã phê duyệt việc triển khai phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ vốn chủ sở hữu.

Theo đó, KBC dự kiến phát hành gần 190 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông, tỷ lệ thực hiện là 33,33%, tương ứng cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu nhận thêm 33 cổ phiếu mới. Nguồn vốn thực hiện lấy từ thặng dư vốn cổ phần và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại thời điểm 31/12/2020 theo báo cáo tài chính riêng lẻ đã được kiểm toán năm 2020.

Thời gian thực hiện dự kiến trong quý IV/2021 hoặc quý I/2022, sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.

Như vậy, sau khi đợt phát hành kết thúc, vốn điều lệ của KBC sẽ tăng từ 5.757 tỷ đồng lên 7.656 tỷ đồng.

Về tình hình kinh doanh, quý III, KBC ghi nhận doanh thu thuần tăng trưởng 60% so với cùng kỳ lên 325 tỷ đồng; do chi phí lãi vay tăng cao, KBC chịu lỗ sau thuế gần 60 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 8,6 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng, nhờ giai đoạn bán niên khởi sắc, KBC vẫn đạt được tốc độ tăng trưởng tốt với doanh thu thuần đạt 3.076 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 733 tỷ đồng, lần lượt tăng 3,3 lần và 7,6 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, do đặt kế hoạch kinh doanh khá cao, KBC mới chỉ hoàn thành 48% chỉ tiêu doanh thu và 36% chỉ tiêu lợi nhuận trong khi chỉ còn 1 quý nữa là kết thúc năm.

Có thể bạn quan tâm