Kinh tế châu Á chờ đợi gì trong năm 2019?

Năm 2018, nền kinh tế Châu Á đã chứng kiến nhiều biến động, từ việc Jack Ma thông báo từ chức đến sự trỗi dậy của “thế hệ Z” tại Ấn Độ và các quốc gia Tây Á.
Kinh tế châu Á chờ đợi gì trong năm 2019?

Hàng loạt các sự kiện ấy đang vô hình chung vẽ nên bức tranh tăng trưởng của năm 2019 theo biểu đồ “hình sin” với nhiều biến số khó lường.

Kỷ nguyên mới của đất nước mặt trời mọc

Ngày 03/4 tới, Nhật hoàng Akihito sẽ chấm dứt giai đoạn cầm quyền kéo dài 30 năm của mình. Đây cũng là thời khắc khép lại “kỷ nguyên Heisei” của Nhật Bản. Thái tử Naruhito sẽ lên ngôi vào ngay ngày hôm sau, chính thức mở ra năm đầu tiên của một kỷ nguyên cầm quyền chưa được đặt tên.

Năm 2016, Nhật hoàng Akihito 85 tuổi tuyên bố muốn thoái vị vì vấn đề sức khỏe. Sau nhiều cuộc tranh luận, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua yêu cầu này. Đây là lần đầu tiên một Nhật hoàng được miễn quyền trị vì trước khi qua đời theo luật lệ thời Meiji (1868-1912).

Sự kiện này đã thu hút sự chú ý của công luận quốc tế bởi Hoàng gia Nhật đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân khẩu học tại một đất nước đang ngày càng già hóa. Cuộc khủng hoảng bắt nguồn từ quy tắc kế vị chỉ dành cho nam giới, tước bỏ quyền lợi của phụ nữ về địa vị hoàng gia nếu họ kết hôn với thường dân.

Số lượng nam giới của Hoàng gia Nhật đang suy giảm nhanh chóng, những nghi ngại về sự kế tục của danh xưng Hoàng đế cuối cùng trên thế giới đang ngày càng lớn.  Nỗi tiếc nuối về thời kỳ vàng son của thời đại Heisei luôn bao phủ Nhật Bản. Người dân Nhật đã lên kế hoạch tổ chức dịp lễ đặc biệt mang tầm cỡ quốc gia kéo dài 10 ngày ngay sau lễ đăng quang của Thái tử Naruhito.

Một Alibaba “hậu Jack Ma”

Gần 10 tháng nữa, Alibaba sẽ chào đón sinh nhật lần thứ 20, và cũng vào thời khắc đó, Jack Ma – nhà điều hành cũng là nhà sáng lập đế chế này sẽ rời vị trí Chủ tịch để trở về với cương vị ban đầu của mình: Thầy giáo.

Người sẽ thay thế vị trí của Jack Ma là Tổng Giám đốc điều hành Daniel Zhang Yong. Đây là người đã góp công lớn vào sự thành công của lễ hội mua sắm“Ngày độc thân 11/11” cũng như đưa Taobao Mall trở thành một trong những nhánh hoạt động quan trọng nhất của Alibaba Group.

Nhưng “cái bóng” Jack Ma đã quá lớn và tạo nên sự tin tưởng gần như tuyệt đối với các nhà đầu tư. Và câu hỏi về sự tin tưởng ấy “hậu Jack Ma” vẫn đang treo lơ lửng trên đầu “người được chọn” Daniel Zhang Yong.

Lễ hội mua sắm “Ngày độc thân – 11/11” do chính Jack Ma sáng tạo vào năm 2009 đã mang đến cho Alibaba sức bật về doanh thu, thậm chí còn tạo ra hiệu ứng lớn hơn “Ngày Lễ tạ ơn” – sự kiện truyền thống bao thế kỷ nay của người dân Mỹ.

Vị chủ tịch mới của Alibaba sẽ có hơn một năm nữa để gây dựng hình ảnh, thiết lập quyền năng. Nhưng thế giới đang tỏ vẻ hoài nghi về sự phát triển của Alibaba khi thiếu vắng bóng dáng của tỷ phú Jack Ma.

Hiện, Jack Ma đã trao toàn quyền quyết định khoản đầu tư lên tới 20 tỷ nhân dân tệ (2,89 tỷ USD) cho Daniel Zhang Yong nhưng Alibaba thời hậu Jack Ma có thể trụ vững ở thời hoàng kim hay không vẫn còn là một ẩn số.

Thời của 5G

Năm 2019 được đánh giá là năm của công nghệ 5G. Người dùng tại các nước phát triển đang rất trông chờ vào bước tiến mới này của ngành công nghệ viễn thông. Công nghệ 5G sẽ sắp xếp một thế giới phẳng mới với tốc độ băng thông vượt trội, đáp ứng mọi nhu cầu của người sử dụng.

Đây cũng là nền tảng hạ tầng căn bản để tạo nên các bước tiến công nghệ của tương lai như cuộc gọi 3 chiều, công nghệ AI, xu hướng lái xe tự động hay thậm chí là phẫu thuật từ xa.

Trong thời gian tới, người dùng có thể trải nghiệm công nghệ 5G thông qua các video độ phân giải cao hay xem trực tiếp các sự kiện thể thao, các buổi hòa nhạc từ khắp nơi trên toàn thế giới…

Mặc dù Samsung Electronics, Huawei Technologies và có thể cả Apple đều lên kế hoạch giới thiệu các sản phẩm sử dụng công nghệ 5G vào năm nay nhưng để sản xuất đại trà các dòng sản phẩm này thì điều cần thiết nhất, không gì khác, chính là thời gian.

Năm “chậm chạp” của kinh tế Trung Quốc

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và dấu hiệu giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc đang đè nặng lên tương lai của quốc gia này trong năm 2019. Tiêu biểu nhất là nền công nghiệp xe hơi đang có dấu hiệu sa sút lần đầu tiên sau 28 năm. Theo dự đoán, năm 2019, ngành công nghiệp này sẽ đối mặt với mức tăng trưởng 0% và các đại lý ô tô sẽ phải tìm cách giảm giá để tăng doanh số.

Thị trường bất động sản cũng không có tín hiệu khả quan với mức tăng trưởng chậm lại trong vài năm trở lại đây. Năm 2019, mức tăng trưởng được dự đoán sẽ giảm 10%.

Nhiều tập đoàn lớn của Trung Quốc đang chìm trong “núi nợ” sau một thời gian đạt đến đỉnh cao tăng trưởng. Hàng loạt các doanh nghiệp trong lĩnh vực ô tô, giải trí, công nghệ đang phải loay hoay đa dạng hoá thị trường để thúc đẩy tăng trưởng.

Chính quyền của ông Tập Cận Bình cũng vì thế chịu nhiều áp lực để cân bằng và tạo đà tăng trưởng ổn định cho toàn bộ nền kinh tế

Châu Á “trầm mặc” 

Nửa cuối năm 2018 là thời kỳ đầy biến động của thị trường tài chính châu Á và thế giới khi các nhà đầu tư lo ngại về việc tăng lãi suất của Mỹ, suy thoái kinh tế của Trung Quốc hay leo thang chiến thương mại giữa Washington và Bắc Kinh.

Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có kế hoạch tăng lãi suất hai lần trong năm nay vô hình chung đang tạo nên rủi ro cho các nền kinh tế mới nổi. Điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế châu Á.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã cắt giảm dự báo tăng trưởng của Trung Quốc năm 2019 xuống còn 6,3%, năm 2020 là 6% - mức giảm thấp nhất 30 năm qua. Lý do chính là tranh chấp thương mại với Washington.

Năm trỗi dậy của thế hệ Z

Năm 2019 sẽ là năm mang đến những thay đổi lớn về tỷ trọng dân số châu Á. Thế hệ Z (Gen Z) – thế hệ của những người sinh từ năm 2001 cho đến nay sẽ vượt qua thế hệ Y (Gen Y) - thế hệ đông dân nhất thế giới hiện nay, theo phân tích dữ liệu của Bloomberg.

Theo thống kê, trong thời gian tới, Gen Z sẽ chiếm 32% tổng dân số thế giới, trong khi Gen Y - những người sinh từ năm 1980 đến 2000 - chỉ chiếm 31,5%. Tuy nhiên, sự thay đổi này đến từ các quốc gia có tốc độ tăng dân số nhanh chóng như Ấn Độ hay châu Phi. Thế hệ Y vẫn là nhóm chiếm ưu thế trong các nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Đức.

Tuy nhiên, Gen Z mới chính là thế hệ lớn lên và trưởng thành với điện thoại thông minh và mạng xã hội, phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới. Điều này khiến Gen Z hứa hẹn là thế hệ am hiểu công nghệ, thích ứng nhanh chóng với sự biến đổi và có khả năng thay đổi cục diện của các mô hình việc làm.

Nín thở chờ Trump và Kim Jong Un

Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un sẽ gặp lại nhau tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai giữa hai quốc gia. Theo những động thái gần đây của hai nhà cầm quyền, cuộc gặp này có lẽ sẽ tươi sáng hơn so với cuộc gặp đầu tiên tại Singapore vào tháng 6 năm ngoái.

Mâu thuẫn của Washington và Bình Nhưỡng, về cơ bản, là vấn đề phi hạt nhân hóa. Mỹ luôn thể hiện thái độ cứng rắn với Triều Tiên khi không nới lỏng các lệnh trừng phạt cho đến khi nhìn thấy những kết quả lạc quan.

Trong khi đó, Bình Nhưỡng cho rằng, họ đã hiện thực hoá vấn đề này khi phá hủy một bãi thử hạt nhân và một bãi thử động cơ tên lửa. Nhưng trước động thái của Mỹ, Bình Nhưỡng đang chỉ trích mạnh mẽ và tuyên bố sẽ chỉ thực hiện các hành động phi hạt nhân hóa khi các lệnh trừng phạt đã được Mỹ dỡ bỏ.

Theo một quan chức của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, "Các địa điểm được lưu ý là những nơi được truyền thông đề cập đến bao gồm Việt Nam, Singapore và Hawaii". Và thời gian cuộc gặp có thể sẽ diễn ra ngay trong tháng 2/2019.

>> VEPR: Tăng trưởng kinh tế năm 2019 có thể đạt 6,9%

Có thể bạn quan tâm