Kinh tế Nga: Sau “sốc”, “cầm máu” có “chữa lành vết thương”?

Sau hai tuần Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Mỹ và các quốc gia phương Tây đã áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế với Nga ở mức độ và quy mô chưa từng có.

Trong đó, các biện pháp trừng phạt nặng nhất đã được áp dụng bao gồm: loại các ngân hàng lớn của Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, hạn chế xuất khẩu công nghệ cao sang Nga và hạn chế nghiêm ngặt việc sử dụng nguồn dự trữ ngoại tệ của Moskva…

“Đòn trừng phạt”

Mỹ và các nước đồng minh đã áp hàng loạt biện pháp trừng phạt đối với nhiều cá nhân và tổ chức của Nga vì chiến dịch quân sự mà Moskva triển khai ở Ukraine.

Nga đã lường trước được kịch bản bị loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT bằng việc phát triển giải pháp thay thế cho SWIFT là Hệ thống chuyển thông điệp tài chính (SPFS)
Nga đã lường trước được kịch bản bị loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT bằng việc phát triển giải pháp thay thế cho SWIFT là Hệ thống chuyển thông điệp tài chính (SPFS)

Việc cắt một số ngân hàng Nga ra khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT là biện pháp khắc nghiệt nhất được áp dụng đối với Moscow sau cuộc xung đột ở Ukraine. Nga phụ thuộc rất nhiều vào SWIFT để xuất khẩu dầu và khí đốt, xương sống kinh tế quan trọng của nước này. Nhiều tập đoàn lớn do chính phủ Nga sở hữu cổ phần đa số hoặc một số lớn cũng sẽ đánh mất danh tiếng vì cuộc chiến ở Ukraine.

Tổng thống Joe Biden mới đây cũng tuyên bố, Mỹ cùng với Liên minh châu Âu (EU) và nhóm 7 cường quốc có nền công nghiệp phát triển (G7) sẽ kêu gọi thu hồi quy chế "tối huệ quốc" đối với Nga, vốn thường được nhắc đến như quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) ở Mỹ.

Về mặt thương mại, quy chế PNTR có nghĩa, hai quốc gia đã nhất trí tạo những điều kiện tốt nhất cho thương mại song phương, có thể bao gồm thuế suất thấp hơn, ít rào cản hơn đối với thương mại và việc nhập khẩu cao.

"Việc thu hồi PNTR dành cho Nga sẽ khiến Nga gặp khó khăn hơn trong làm ăn với Mỹ. Việc Mỹ thực hiện điều đó cùng với các quốc gia khác đang chiếm một nửa nền kinh tế toàn cầu, sẽ là một đòn giáng mạnh nữa đối với nền kinh tế Nga, vốn đang bị ảnh hưởng rất nặng nề từ các lệnh trừng phạt của chúng tôi. Nhiều vấn đề đang chia rẽ chúng tôi ở Washington, nhưng ủng hộ nền dân chủ ở Ukraine, đẩy lui sự gây hấn của Nga không nên là một trong những vấn đề đó. Thế giới tự do đang xích lại gần nhau để đối đầu với (Tổng thống Nga) Putin", ông Biden nhấn mạnh.

Ông Biden cũng tuyên bố, Mỹ sẽ cấm nhập khẩu hàng hóa từ một số lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế Nga, bao gồm thủy sản, rượu vodka và kim cương phi công nghiệp. Nhà Trắng ước tính, động thái sẽ khiến Nga mất hơn 1 tỷ USD doanh thu xuất khẩu. Ngoài ra, tổng thống Mỹ sẽ ký một sắc lệnh hành pháp chấm dứt việc xuất khẩu các mặt hàng xa xỉ, bao gồm rượu mạnh, thuốc lá, quần áo, đồ trang sức, xe hơi và đồ cổ sang Nga.

Quốc gia “nhiệt tình” nhất trong số các nước đồng minh của Mỹ tham gia trừng phạt Moscow phải nói đến nước Anh. Lệnh trừng phạt của Anh đối với hơn 100 công ty và giới tài phiệt thân tín của Putin, bao gồm cả việc đóng băng tài khoản và cấm đi lại đe dọa hàng trăm tỷ bảng Anh của họ, đó là chưa kể đến 571 thành viên của Duma quốc gia Nga và Hội đồng Liên bang cũng bị liên lụy bởi lệnh trừng phạt. Anh cũng đã ra lệnh phong tỏa tài sản của các ngân hàng, doanh nghiệp Nga như ngân hàng VTB, trị giá 154 tỷ bảng, của tập đoàn vũ khí Rostec, có doanh thu xuất khẩu một năm 13 tỷ USD. Anh cũng cấm hãng hàng không Aeroflot và tất cả các máy bay thương mại và tư nhân khác của Nga bay vào không phận Vương quốc Anh…

Trong diễn biến mới nhất, Anh vừa áp lệnh trừng phạt với ông Roman Abramovich - chủ câu lạc bộ bóng đá Chelsea và ông Igor Sechin - tổng giám đốc điều hành của tập đoàn dầu khí Rosneft. Theo đó, hai tỷ phú này sẽ bị phong toả tài sản và cấm nhập cảnh vì có quan hệ với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Hai tỷ phú này cùng doanh nhân Oleg Deripaska và 4 tỷ phú khác là những gương mặt nổi bật nhất bị đưa vào danh sách trừng phạt của Anh.

YouTube của tập đoàn Alphabet và kho ứng dụng Google Play vừa tuyên bố dừng mọi dịch vụ trả tiền ở Nga. Google và YouTube gần đây dừng bán quảng cáo ở Nga sau bước đi tương tự của Twitter và Snap Inc.

Đó là chưa kể, các biện pháp trừng phạt mới nhất của phương Tây đối với dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) trị giá 11 tỷ USD, bên cạnh lệnh hạn chế tiếp cận các mặt hàng công nghệ cao như chất bán dẫn được sản xuất tại Nga.

Cung cấp năng lượng cho toàn Châu Âu chính là “quân át chủ bài” của Nga để chống lại các lệnh trừng phạt khắc nhiệt của Mỹ và phương Tây
Cung cấp năng lượng cho toàn Châu Âu chính là “quân át chủ bài” của Nga để chống lại các lệnh trừng phạt khắc nhiệt của Mỹ và phương Tây

Các biện pháp trừng phạt này, hiểu một cách thẳng thắn, hướng tới mục tiêu bóp nghẹt Nga – quốc gia vốn khiến cho phương Tây luôn bị “ngứa con mắt bên trái, đỏ con mắt bên phải” vì những khác biệt không mong muốn.

Sốc và tệ nhất hai thập kỷ

Trước những đòn trừng phạt của Mỹ và đồng minh, ngày 10/3, đại diện Điện Kremlin nói với hãng tin Reuters rằng nền kinh tế Nga đang trải qua một cú sốc và các biện pháp đang được triển khai để giảm bớt tác động của cuộc chiến kinh tế “chưa từng có” nhằm vào Moscow. “Nền kinh tế của chúng tôi đang trải qua một cú sốc và có những hậu quả tiêu cực, chúng sẽ được giảm thiểu”, Reuters dẫn lời phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên trong cuộc họp báo qua điện thoại.

Dự trữ vàng của Nga lớn hơn dự trữ USD là biện pháp chuẩn bị cho các hành động trừng phạt của Mỹ và phương Tây đối với quốc gia
Dự trữ vàng của Nga lớn hơn dự trữ USD là biện pháp chuẩn bị cho các hành động trừng phạt của Mỹ và phương Tây đối với quốc gia

Ông nói rằng tình hình hiện nay “đang hỗn loạn”, nhưng các biện pháp làm dịu và ổn định đang được triển khai. “Điều này hoàn toàn chưa từng có tiền lệ. Cuộc chiến kinh tế nhằm vào chúng tôi chưa từng xảy ra trước đây. Vì thế rất khó để dự báo mọi thứ”, ông Peskov nói.

Trước sức mạnh của các lệnh trừng phạt quốc tế, nền kinh tế Nga đang trên đà phát triển đã đảo ngược tình thế chỉ trong vài ngày. Một trong những đánh giá đầu tiên về thiệt hại đã được thực hiện, Bloomberg Economics cho thấy sản lượng đã giảm khoảng 2% - mức giảm tương đương với mức giảm cả năm trong đại dịch năm 2020.

Sự sụt giảm có nghĩa là hơn 30 tỷ USD đã bị xóa khỏi tổng sản phẩm quốc nội hàng năm của Nga, tính theo chỉ số của năm 2021. Dự báo ban đầu của Bloomberg Economics là GDP cả năm của Nga sẽ giảm khoảng 9% vào năm 2022.

Dự báo cơ bản của Bank of America Corp là GDP của Nga sẽ giảm khoảng 13% trong năm nay, với mức giảm sâu hơn có thể xảy ra nếu việc mua năng lượng từ Nga bị đình chỉ. Một cuộc khảo sát vào tháng 3 với các nhà phân tích của Ngân hàng Trung ương Nga cho thấy nền kinh tế dự kiến sẽ giảm 8% trong năm nay, so với dự báo của tháng 2 là tăng 2,4%.

Bất chấp các biện pháp kiểm soát vốn và mức tăng lãi suất lớn nhất trong gần hai thập kỷ, đồng rúp đã mất khoảng gần 50% giá trị kể từ khi chiến sự Nga - Ukraine bùng nổ.

Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế Kristalina Georgieva cũng nhận định Nga đang bước vào một "cuộc suy thoái sâu", với việc đồng rúp lao dốc dẫn đến lạm phát và làm suy giảm nghiêm trọng sức mua của người dân Nga.

“Các biện pháp trừng phạt mới cũng đồng nghĩa nền kinh tế của Nga bị cô lập hơn nữa. Về cơ bản, Nga sẽ bị đối xử như một quốc gia thù địch bị cắt đứt khỏi các dòng chảy thương mại, đầu tư và những hoạt động tương tác kinh tế bình thường khác nhằm xây dựng chất lượng sống, thu nhập, năng suất và lợi nhuận của các công ty" – chuyên gia Christopher Granville của Ngân hàng Lombard (trụ sở London – Anh) khẳng định.

Thống kê của Ngân hàng thế giới cho thấy, thu nhập hộ gia đình Nga hiện vẫn thấp hơn các mức của năm 2014 và năm 2019, thời điểm trước khi đại dịch Covid-19 khởi phát. Theo WB, sản lượng kinh tế hàng năm của Nga hiện đạt 1.660 tỉ USD, thấp hơn nhiều so với mức 2.200 tỉ USD của năm 2013.

Đáp trả và tự chữa lành?

Đối mặt sức ép gia tăng trên mặt trận kinh tế từ Mỹ và đồng minh, Moscow liên tục tung đòn đáp trả, với bước đi mới nhất là lệnh cấm xuất khẩu hơn 200 sản phẩm và thiết bị đến cuối năm 2022.

Bộ Kinh tế Nga hôm 10/3 cho biết danh sách trên gồm máy móc nông nghiệp, gỗ, thiết bị của một số lĩnh vực như viễn thông, y tế, điện… Ngoài ra, một số biện pháp khác có thể được bổ sung, như hạn chế tàu nước ngoài cập cảng Nga. Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin cho biết lệnh cấm sẽ được áp dụng đối với hàng hóa do công ty nước ngoài hoạt động tại Nga sản xuất, trong đó có xe hơi, container, toa tàu…

Trước mắt, lệnh cấm sẽ ảnh hưởng đến 48 quốc gia bị xem là "có các hành động không thân thiện" với Moscow, trong đó có Mỹ và EU. Cùng ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Điện Kremlin có thể tìm kiếm những phương thức khả thi về pháp lý để tịch thu tài sản các công ty nước ngoài dừng hoạt động tại Nga. Trong khi đó, ông Dmitry Medvedev, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, nhấn mạnh "tịch thu tài sản nước ngoài và khả năng quốc hữu hóa chúng" là một trong những biện pháp đối phó trừng phạt mà Moscow đang sử dụng. Đó là những biện pháp đáp trả hành động của Mỹ và phương Tây về việc tịch thu tài sản của các tỷ phú Nga cũng như phong tỏa tài sản của một số lãnh đạo, quan chức Nga ở nước ngoài.

Sau đáp trả, Nga cũng có những kịch bản sẵn để tự chữa lành vết thương kinh tế cho mình. Trên thực tế, Nga đã lường trước được kịch bản bị loại khỏi SWIFT. Sau khi sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014, Nga đã phát triển giải pháp thay thế cho SWIFT là Hệ thống chuyển thông điệp tài chính (SPFS). Đến nay, đã có hơn 400 tổ chức tài chính của nước này tham gia SPFS.

Nguồn dự trữ vàng đang được xem là “lá chắn” tài chính quan trọng để nền kinh tế Nga chống lại các biện pháp trừng phạt. Theo dữ liệu từ Ngân hàng Trung ương Nga, dự trữ vàng của nước này hiện nhiều hơn so với đồng USD.

Kể từ năm 2014, Nga đã giảm nắm giữ USD. Thay vào đó, nước này mua vàng và các loại tiền không phải của Mỹ. Nga đang tích cực đầu tư vào các tài sản như vàng và ngoại tệ trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu ngày càng bất ổn với lạm phát gia tăng. Ngoài vàng và ngoại tệ, dự trữ của Nga cũng bao gồm Quyền rút vốn đặc biệt (SDR).

SDR là một tài sản dự trữ quốc tế có lãi suất do Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) phát hành. Việc loại bỏ dần đồng USD khỏi tài sản dự trữ là một phần trong chiến lược sâu rộng do Tổng thống Vladimir Putin vạch ra nhằm phi USD hóa nền kinh tế Nga để giảm tác động tiêu cực từ các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Báo cáo của Bộ Phát triển Kinh tế nêu rõ: “Chính sách kinh tế vĩ mô cân bằng, dẫn đến mức nợ công thấp và các khoản dự trữ quốc tế, đã góp phần tăng thêm sự ổn định của nền kinh tế Nga”.

Bộ Phát triển Kinh tế Nga cũng tiết lộ kế hoạch của nước này nhằm ứng phó các lệnh trừng phạt của phương Tây. Theo đó, Nga sẽ tăng cường quan hệ kinh tế và thương mại với các nước khác, chủ yếu là với các nước châu Á. “Liên minh Kinh tế Á - Âu có tiềm năng to lớn và chưa được phát huy đầy đủ. Chúng tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy hội nhập toàn diện”, Bộ Phát triển Kinh tế Nga khẳng định.

Hiểu một cách khác, thế giới này phát triển mà không thể không có Nga.

Có thể bạn quan tâm