Lãi suất cho vay sẽ giảm ngay trong tháng 7

Theo thông tin từn NHNN, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu 4 ngân hàng thương mại Nhà nước và 12 ngân hàng thương mại cổ phần xem xét tiếp tục giảm lãi suất cho vay với các khoản dư nợ hiện hữu.
Lãi suất cho vay sẽ giảm ngay trong tháng 7

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu Hiệp hội Ngân hàng vận động sự đồng thuận của các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay với những mức cụ thể ngay trong tháng 7.

Đây là một trong những nội dung quan trọng được lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và các đơn vị thành viên, các tổ chức tín dụng nêu ra tại hội nghị trực tuyến về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế trước tác động của đại dịch COVID-19.

Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú cho biết dịch, COVID-19 bùng phát gần 18 tháng qua đã tác động lớn đến nền kinh tế nói chung và hoạt động của ngành ngân hàng nói riêng. Trong khi đó, đại dịch vẫn còn diễn biến rất phức tạp, đặt ra yêu cầu phải vừa phòng, chống dịch nhưng vẫn bảo đảm được khôi phục, đạt mục tiêu kinh tế.

Trên thực tế, các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn vì dịch bệnh. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ doanh nghiệp rút khỏi thị trường tương đối lớn do sức chống chịu không còn.

Theo Phó Thống đốc, Nhà nước đã và đang nỗ lực đưa ra nhiều giải pháp, chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Trong đó, ngành ngân hàng được xem là một kênh hỗ trợ doanh nghiệp tích cực thời gian vừa qua.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 01/2020, sau đó là Thông tư 03/2021 sửa đổi, bổ sung Thông tư 01 để tái cơ cấu, giãn hoãn các khoản vay dư nợ và lãi vay đến hạn, giảm lãi suất, phí, cùng nhiều cơ chế chính sách khác, hệ thống ngân hàng đã triển khai hỗ trợ doanh nghiệp.

Các chính sách mới này cùng với các hỗ trợ về thuế, bảo hiểm, san sinh xã hội… đã giúp các doanh nghiệp, người lao động tháo gỡ khó khăn.

Tuy nhiên, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho rằng hiện nay, tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục phức tạp, các doanh nghiệp vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn và khả năng chống chịu ngày càng suy giảm khi dịch bệnh kéo dài. Vì vậy, năm 2021 này vẫn cần những hỗ trợ tích cực và trách nhiệm hơn từ tất cả ngân hàng trong việc tiếp tục cơ cấu lại các khoản nợ, hỗ trợ lãi suất.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh, mọi hoạt động của ngành ngân hàng phải hài hoà giữa 2 mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho hệ thống ngân hàng và cho từng tổ chức tín dụng, không chỉ trong ngắn hạn mà còn trong trung, dài hạn.

Lãnh đạo cơ quan quản lý tiền tệ cũng cho biết thêm trên cơ sở mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác để kiểm soát lạm phát; duy trì ổn định vĩ mô, thị trường, hỗ trợ phục hồi nhanh kinh tế.

Theo đó, hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp thông qua các giải pháp, biện pháp trên tinh thần hỗ trợ tích cực, thực chất. Đặc biệt, hỗ trợ doanh nghiệp nhưng phải đảm bảo an toàn, duy trì năng lực tài chính cho bản thân ngân hàng và hệ thống.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu 4 ngân hàng thương mại Nhà nước và 12 ngân hàng thương mại cổ phần xem xét tiếp tục giảm lãi suất cho vay với các khoản dư nợ hiện hữu. Ngân hàng Nhà nước cũng đã giao Hiệp hội Ngân hàng vận động sự đồng thuận của các tổ chức tín dụng giảm lãi suất với những mức cụ thể ngay trong tháng Bẩy này.

Được biết, ngay trong tuần này, các ngân hàng sẽ có thêm một cuộc họp với cơ quan quản lý để thảo luận về các bước đi tiếp theo khi thực hiện giảm lãi suất.

Kể từ khi đại dịch bùng phát đến nay, các ngân hàng đã nhiều đợt giảm lãi suất cho cả dư nợ mới và dư nợ hiện hữu để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trước những khó khăn do dịch bệnh.

Có thể bạn quan tâm