Lãi suất điều hành khó có thể giảm trong nửa cuối năm 2020

Theo nhận định của CTCK Bảo Việt (BVSC) trong 6 tháng cuối năm 2020 NHNN sẽ không chú trọng vào việc giảm thêm lãi suất điều hành mà sẽ chuyển hướng sang các mục tiêu khác.
Lãi suất điều hành khó có thể giảm trong nửa cuối năm 2020

BVSC cho rằng, trong thời gian tới đây Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tập trung tháo gỡ các rào cản khiến doanh nghiệp khó tiếp cận vốn sau dịch covid-19, nới room tín dụng cho các ngân hàng, thậm chí tái cấp vốn cho các dự án có độ lan tỏa cao.

Cùng quan điểm với BVSC, CTCK KB Việt Nam (KBSV) cũng đánh giá thấp khả năng NHNN sẽ hạ lãi suất điều hành trong nửa cuối năm 2020 khi áp lực lạm phát đang có dấu hiệu tăng cũng như hoạt động kinh tế trong nước đã dần hồi phục lại.

KBSV cho rằng, tín dụng sẽ phục hồi trong nửa cuối năm 2020 khi hoạt động sản xuất đang dần phục hồi sau dịch, cũng như mặt bằng lãi suất cho vay đang ở mức thấp trong nhiều năm qua nhờ định hướng chính sách của NHNN. KBSV dự báo tăng trưởng tín dụng trong năm nay quanh mức 10%. 

Trong khi đó, CTCK Rồng Việt (VDSC) cho rằng, Việt Nam vẫn còn dư địa để kích thích tiền tệ hơn nữa. Trong bối cảnh tái khởi động nền kinh tế, VDSC tin rằng chính phủ các nước, bao gồm cả Việt Nam, cần phải quan sát tác động của việc nới lỏng tài chính và tiền tệ đối với sự phục hồi kinh tế trước khi đưa ra bất kỳ sự nới lỏng nào. 

Theo VDSC, mặc dù NHNN đang phân phối lại giới hạn tín dụng giữa các ngân hàng thương mại, vẫn có nhiều dư địa để cắt giảm lãi suất. Hiện tại, VDSC muốn nhấn mạnh rằng các ngân hàng trung ương ưu tiên ổn định tài chính hơn ổn định giá cả. Theo đó, việc cắt giảm lãi suất đầy hứa hẹn nhằm khởi động lại nền kinh tế.

Trước đó, trong nửa đầu năm NHNN đã có 2 lần cắt giảm lãi suất điều hành cùng các chính sách tái cơ cấu nợ, giảm lãi cho các khoản vay. Trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng cũng được điều chỉnh, giúp mặt bằng lãi suất huy động và lãi suất cho vay giảm đáng kể từ đầu năm đến nay. 

Lãi suất liên ngân hàng cũng giảm mạnh xuống mức thấp kỷ lục 10 năm nhờ cung vốn tăng. Thanh khoản hệ thống dư thừa trong khi đó, tín dụng tăng trưởng khá yếu trong 5 tháng đầu năm và mới chỉ có dấu hiệu bật tăng mạnh hơn từ tháng 6. Đến cuối tháng 6, tín dụng mới chỉ tăng gần 3,3%, chưa bằng một nửa so với mức tăng 7,3% cùng kỳ năm 2019, và cũng là mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020. 

Có thể bạn quan tâm