Lãi suất sẽ không tăng từ nay đến cuối năm

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, từ nay đến cuối năm lãi suất sẽ tiếp tục được ổn định còn việc giảm hay không sẽ phụ thuộc vào tình hình thực tế, điều kiện vĩ mô và quan hệ tín dụng
Lãi suất sẽ không tăng từ nay đến cuối năm

Phó Thống đốc khẳng định, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường tiền tệ, ngoại tệ và kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.

Các số liệu được công bố đến ngày 24/9/2019 và so với thời điểm cuối năm 2018: tổng phương tiện thanh toán (M2) tăng 8,58%, thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng được đảm bảo; huy động vốn tăng 9,03%; dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tăng 8,64%, tập trung hướng vào sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, tín dụng với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được tăng cường kiểm soát.

Trên cơ sở đánh giá diễn biến kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ trong nước và quốc tế đặc biệt trong bối cảnh nhiều ngân hàng trung ương liên tục cắt giảm lãi suất, từ ngày 16/9/2019, NHNN điều chỉnh giảm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành để tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ nền kinh tế và thanh khoản của hệ thống TCTD. Về cơ bản, mặt bằng lãi suất duy trì ổn định.

Trong khi lãi suất cho vay và lãi suất liên ngân hàng được duy trì thì lãi suất huy động lại liên tiếp tăng trong thời gian qua. Lãi suất tiền gửi tiết kiệm online kỳ hạn 6 tháng ở mức 8,03%/năm của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) công bố và áp dụng cho khách hàng từ ngày 14/9/2019 được coi là rất cao trong so sánh với trần lãi suất 5,5%/năm với các kỳ hạn dưới 6 tháng theo quy định hiện hành.

Bên cạnh đó, ngân hàng này còn áp dụng lãi suất tiền gửi tiết kiệm ở mức cao nhất lên đến 8,76%/năm. Trong khi đó, cùng loại tiền gửi tiết kiệm online kỳ hạn 6 tháng nhưng lãi suất huy động của nhiều ngân hàng khác ở mức thấp hơn, từ 6,5 - 7,7%/năm.

Theo quy định, các NHTM vẫn bị khống chế trần lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn dưới 6 tháng là 5,5%/năm. Lãi suất tiền gửi tiết kiệm các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên được thả nổi.

Theo TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng BIDV cho rằng, hiện tượng này chỉ xảy ra cục bộ, mang tính thời điểm ở một vài ngân hàng có quy mô nhỏ và trung bình. Các ngân hàng đó có tính cạnh tranh huy động thấp hơn các ngân hàng quy mô lớn cũng có phần bởi thói quen, văn hóa gửi tiền của nhiều người dân, đó là, ưu tiên chọn ngân hàng lớn dù lãi suất huy động có thể thấp hơn. 

Theo ông Lực, biến động lãi suất huy động đợt này không phản ánh tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng, bởi vì nhiều ngân hàng lớn vẫn giữ lãi suất huy động ở mức ổn định, lãi suất liên ngân hàng trong thời gian gần đây không những không tăng mà còn giảm.
Tuy nhiên,ở góc nhìn khác TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia ngân hàng cho rằng, hiện tượng huy động kỳ hạn 6 tháng ở mức trên 8% là khá bất thường, đặc biệt trong so sánh với trần lãi suất giới hạn ở mức 5,5% với kỳ hạn dưới 6 tháng.

Ông Hiếu cho rằng, có thể, các ngân hàng muốn đẩy mạnh tỷ lệ tăng trưởng tín dụng từ nay đến cuối năm để tạo điều kiện được cấp tỷ lệ tăng trưởng tín dụng ở mức cao hơn trong năm sau. Cũng có thể, ngân hàng rơi vào tình trạng yếu thanh khoản nên cần hút vốn huy động. Bên cạnh đó, nhiều khả năng các ngân hàng dự báo mức tăng trưởng tín dụng trong những tháng còn lại sẽ cao nên dự trữ nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu trong thời gian tới. 

“Ngoài ra, không loại trừ trường hợp các ngân hàng thiếu thanh khoản do tình trạng nợ xấu vẫn ở mức cao, họ cần huy động vốn để trả nợ cũ” - ông Hiếu nói.

Về lãi suất cho vay, ông Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, động thái giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước sẽ không tác động nhiều đến lãi suất cho vay của các NHTM. Bởi vì, lãi suất điều hành chỉ tác động trên thị trường liên ngân hàng mà thị trường đó không liên thông với thị trường tiền tệ cho vay. Mặt khác, các động thái chính sách như vậy thường có độ trễ nên tác động gián tiếp về mặt nào đó cũng sẽ rất ít. 

>> 9 tháng, tăng trưởng tín dụng chậm lại đạt 8,64%

Có thể bạn quan tâm