Lần đầu tiên Việt Nam có "Ngày không tiền mặt"

Theo công bố của Ngân hàng Nhà nước, đơn vị này đã phối hợp với Hiệp hội Thương mại điện tử lấy ngày 16/6 hàng năm là Ngày không dùng tiền mặt.
Lần đầu tiên Việt Nam có "Ngày không tiền mặt"

Đây sẽ là ngày phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt được khuyến khích sử dụng khi mua sắm, giao dịch thanh toán và người tiêu dùng sẽ được hưởng chính sách ưu đãi từ các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán và các nhà bán lẻ, nhà cung ứng dịch vụ. Ngày này cũng là thời điểm bắt đầu vào mùa du lịch, mua sắm giữa năm.

Ngày không tiền mặt sẽ bao gồm chuỗi các sự kiện với hoạt động tiêu biểu, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu của Chính phủ tại Đề án phát triển Thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016-2020, Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công.

Đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế, góp phần thực hiện chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện và Nghị quyết 02 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến 2021.

Theo ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước cho biết: "Một khảo sát gần đây cho thấy, Việt Nam đã vượt qua Singapore và Malaysia trong cuộc đua không tiền mặt. Đây là minh chứng rõ nét nhất về việc phát triển thanh toán không tiền mặt. Thanh toán di động đang là xu thế chủ đạo và vô cùng tiện lợi. Câu chuyện ở đây là làm thế nào để người tiêu dùng bước qua ngưỡng giữa chưa sử dụng và sử dụng.”

Cũng theo NHNN, trong 3 tháng đầu năm 2019, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đã xử lý trên 37 triệu giao dịch với giá trị gần 21 triệu tỷ đồng (tăng tương ứng khoảng 23% số giao dịch và 17% giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2018).

Cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt liên tục được tăng cường, mở rộng; đến cuối năm 2018, toàn quốc có 18.587 ATM trải rộng khắp cả nước, 243.123 máy POS, phần lớn được lắp đặt tại các điểm bán lẻ tại các trung tâm thương mại, siêu thị, chuỗi bán lẻ, cửa hiệu tạp hóa lớn, nhà hàng, khách sạn và đang mở rộng tới nhiều đơn vị cung ứng dịch vụ công như cơ sở y tế, bệnh viện, trường học, dịch vụ công ích...

Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục áp dụng nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt như hoàn thiện hành lang pháp lý, xây dựng cơ chế, chính sách. 

Với những vấn đề phát sinh trong thực tế nhưng chưa có hành lang pháp lý, NHNN sẽ Chính phủ Đề án xây dựng Cơ chế quản lý thử nghiệm cho hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng để từ đó đưa ra hành lang pháp lý chính thức. 

Ngoài ra, NHNN cũng sẽ đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt mà trọng tâm là thanh toán trên di động. Thực tế hiện nay thông qua di động, người dùng có thể thực hiện nhiều dịch vụ hơn so với thanh toán tại quầy. 

 >> NHNN đề xuất giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn xuống 30%

Có thể bạn quan tâm