Lễ hội cầu ngư Đà Nẵng là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Mới đây, Lễ hội cầu ngư Đà Nẵng và nghi lễ trao bằng chứng nhận Lễ hội là Di sản phi vật thể quốc gia đã diễn ra tại bờ biển đường Nguyễn Tất Thành (quận Thanh Khê, Tp. Đà Nẵng).
Lễ hội cầu ngư Đà Nẵng là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Ông Huỳnh Văn Hùng – Giám đốc Sở VH & TT TP. Đà Nẵng trao bằng chứng nhận cho đồng chí Nguyễn Thanh Xuân - PCT quận Thanh Khê

Lễ hội cầu Ngư được tổ chức 2 phần: Phần lễ bao gồm Lễ Nghinh Ông, lễ cầu an, cầu ngư trên biển tưởng nhớ các bậc tiền nhân quá cố và cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, cầu một mùa đánh bắt hải sản thắng lợi; Phần hội với các trò chơi, phần thi văn hóa văn nghệ và thể thao. Tại lễ hội năm nay còn có nhiều hoạt động trưng bày, giới thiệu về nghề biển của ngư dân. Lễ hội cầu ngư trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo, quảng bá những nét văn hóa biển đặc sắc của thành phố Đà Nẵng. Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã đưa "Lễ hội cầu ngư tại thành phố Đà Nẵng" vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lễ hội cầu ngư Đà Nẵng là một hình thái sinh hoạt văn hóa cộng đồng đặc biệt. Đây là dịp để bà con hội tụ cùng nhau xây dựng và bảo tồn văn hóa thông qua các nghi thức truyền thống. Lễ hội mở màn bằng nghi lễ Nghinh thần, tiếp đến là các màn đánh trống khai hội, múa Trình tường, Thắp nhang trong Lễ tế chính, Cúng tạ và  các trò chơi dân gian...

Tại buổi lễ, Ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao PT.Đà  Nẵng cho biết: “Lễ hội cầu ngư là bằng chứng vật chất và tinh thần xác thực về chủ quyền biển đảo và kinh nghiệm ứng xử với biển đảo của các thế hệ người Việt Nam trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Nó đã khẳng định cả hàng ngàn năm qua, dân tộc ta đã có tầm nhìn thoáng mở, luôn hướng và tiến ra biển, đã khẳng định chủ quyền quốc gia trên biển và đồng thời vẫn luôn trọn vẹn khát vọng vươn khơi, bám biển, bám ngư trường để làm chủ vùng biển Đông của Tổ quốc”.

>> Đi đâu mùa lễ hội đầu năm mới?

Có thể bạn quan tâm