Loạt “đại gia” công nghệ sắp đến Việt Nam, bất động sản công nghiệp tiếp tục “dậy sóng”?

Các chuyên gia Savills đều nhấn mạnh yếu tố dịch chuyển đầu tư của các doanh nghiệp công nghệ và sản xuất lớn từ Trung Quốc vào Việt Nam khi dự báo về thị trường BĐS công nghiệp năm 2021.
BĐS công nghiệp là điểm sáng năm 2020 và tiếp tục có tiềm năng phát triển mạnh trong năm 2021
BĐS công nghiệp là điểm sáng năm 2020 và tiếp tục có tiềm năng phát triển mạnh trong năm 2021

Theo báo cáo mới đây nhất của Savills Việt Nam, BĐS công nghiệp là một trong những điểm sáng của thị trường Việt Nam. Việc kiểm soát hiệu quả đại dịch Covid-19 cùng với việc ký kết các Hiệp định Thương mại tự do đã thúc đẩy các nhà đầu tư ngành sản xuất và hậu cần kho bãi trên toàn cầu gia tăng niềm tin vào Việt Nam, kể cả trong bối cảnh khó khăn của năm nay và sẽ tiếp tục có tiềm năng phát triển mạnh trong năm 2021.

Lý giải cho sự phục hồi nhanh chóng của phân khúc BĐS công nghiệp của Việt Nam, chuyên gia Savills đưa ra 6 điểm chính như: Tầng lớp trung lưu và khu vực tư nhân năng động đang phát triển mạnh mẽ; Môi trường kinh doanh bền vững, chính trị ổn định: Chính phủ tiếp tục duy trì các khoản chi tiêu để ngăn chặn dịch bệnh; Đẩy mạnh chi phí cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng và ngăn chặn sự đóng băng trường BĐS; Các hiệp định thương mại song phương và đa phương, chẳng hạn như EVFTA hứa hẹn cải thiện khả năng tiếp cận thị trường khi đất nước phục hồi sau dịch và Việt Nam có vị thế tốt để phục hồi và phát triển thịnh vượng sau COVID-19.

Đánh giá về tiềm năng của BĐS công nghiệp năm 2021, các chuyên gia của Savills đều nhấn mạnh vào yếu tố dịch chuyển đầu tư của các doanh nghiệp công nghệ và sản xuất lớn từ Trung Quốc vào Việt Nam. Việc đại dịch kéo dài thậm chí được kỳ vọng sẽ là yếu tố đẩy nhanh việc di dời các cơ sở sản xuất của các công ty đa quốc gia ra khỏi Trung Quốc.

Đáng chú ý nhất là các nhà cung cấp linh kiện và lắp ráp cho Apple là Pegatron và Foxconn từ Đài Loan; Sharp, Nintendo và Komatsu từ Nhật Bản; và Lenovo từ Hồng Kông đã công bố kế hoạch chuyển đến hoặc mở rộng sản xuất tại Việt Nam.

Theo TS.Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, sở dĩ có làn sóng dịch chuyển mạnh ra khỏi Trung Quốc tới các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam là bởi các công ty đa quốc gia sản xuất những mặt hàng công nghệ hay tiêu dùng phải chịu áp lực cắt giảm chi phí, đồng thời ngoài việc thành lập nhà máy mới, các doanh nghiệp này còn có động lực lớn hơn để thúc đẩy phát triển chuỗi cung ứng địa phương. Thêm vào đó, sau khi đại dịch lắng xuống, lạm phát tiền lương có xu hướng tăng, khiến nhà sản xuất rời Trung Quốc đến Đông Nam Á.

Cơ cấu các danh mục xuất khẩu chính của Việt Nam (2019)
Cơ cấu các danh mục xuất khẩu chính của Việt Nam (2019)

Nhìn vào biểu đồ xuất khẩu của Việt Nam có thể nhận thấy xu hướng các sản phẩm công nghệ cao dự kiến sẽ tăng mạnh từ năm 2021, và nhu cầu gia tăng từ những người mua sắm quan tâm nhiều hơn đến chi phí, các sản phẩm cấp thấp dự kiến sẽ tăng trưởng tốt trong vòng 2 năm tới.

Ông John Campbell, Quản lý Bộ phận BĐS Công nghiệp Savills cho rằng “Sự chuyển hướng ra khỏi Trung Quốc của các phân khúc thuộc chuỗi cung ứng ngày càng rõ rệt, nhiều chủ đầu tư mong đợi một năm bận rộn khi các rào cản được tháo dỡ.”

Bên cạnh đó, BĐS công nghiệp tại Việt Nam trong vấn đề liên kết với chuỗi cung ứng, liên kết các vấn đề kho bãi, giao thông mới chỉ ở giai đoạn đầu, chính vì vậy cần có những chiến lược đúng đắn và cụ thể hơn trong việc hỗ trợ các nhà đầu tư tham gia vào phân khúc BĐS này.

TS.Sử Ngọc Khương chia sẻ thêm: “BĐS công nghiệp có liên quan đến nhiều yếu tố như chuỗi cung ứng, kho bãi, cảng biển, giao thông vận tải… Đồng thời, hiện nay Chính phủ đang ưu tiên các ngành nghề tạo ra sản phẩm có hàm lượng chất xám cao vì đây là những ngành mang tính thời đại, do đó vấn đề về nhân lực, lực lượng lao động có tay nghề để đáp ứng được nhu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài vào BĐS công nghiệp cũng là một bài toán cần phải quan tâm”.

Đây là một bài toán tổng thể giữa Chính phủ và các doanh nghiệp. Nhà nước sẽ đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông, kho bãi, kho vận cũng như là các chuỗi cung ứng trên tinh thần hợp tác công tư vì ngân sách của Chính phủ không thể phân bổ đều cho hết các ngành nghề nên việc phối hợp công tư thoả đáng sẽ góp phần giải quyết bài toán trên.

Hơn nữa, các nhà vận hành chuỗi cung ứng chuyên nghiệp cũng là yếu tố rất quan trọng vì khi các chuỗi cung ứng mang tính toàn cầu thì chúng ta cũng cần các công ty có tầm cỡ để đáp ứng được nhu cầu của các nhà đầu tư BĐS công nghiệp.

Bên cạnh đó, các thủ tục trong xuất nhập khẩu cũng là bài toán cần phải cân nhắc bởi việc hỗ trợ các DN trong ngoài nước trong việc thông quan hàng hoá cũng như là xuất hàng hoá ra nước ngoài sẽ giúp giảm thiểu được chi phí, tạo lợi thế để thu hút được nhà đầu tư nước ngoài.

Có thể bạn quan tâm