Báo cáo tài chính quý 2/2025 của hàng loạt công ty chứng khoán cho thấy sự phân hóa rõ rệt trong kết quả kinh doanh. Trong khi nhiều doanh nghiệp báo lãi đậm, vượt xa kỳ vọng, một số công ty lại ghi nhận mức lỗ hoặc suy giảm mạnh về lợi nhuận so với cùng kỳ. Dưới đây là bức tranh toàn cảnh về tình hình kinh doanh của các công ty chứng khoán trong nửa đầu năm 2025, phân chia theo nhóm lãi lớn, lãi sụt giảm và thua lỗ.
NHỮNG CÁI TÊN ‘HÁI RA TIỀN’ TRÊN SÀN CHỨNG KHOÁN QUÝ 2/2025
Dẫn đầu nhóm doanh nghiệp tăng trưởng mạnh là Chứng khoán VIX, với doanh thu hoạt động lũy kế 6 tháng đạt 2.955 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế lên tới 2.067 tỷ đồng, gấp lần lượt 4 và 5,8 lần so với cùng kỳ 2024. Công ty đã vượt kế hoạch lợi nhuận năm (1.500 tỷ đồng) chỉ sau 6 tháng. Tổng tài sản cũng tăng mạnh, đạt 24.385 tỷ đồng, với dư nợ cho vay ở mức cao nhất lịch sử 9.278 tỷ đồng.
Không kém cạnh, Chứng khoán SSI ghi nhận lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm đạt 2.161 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ và hoàn thành hơn nửa kế hoạch năm. Tổng doanh thu đạt 5.015 tỷ đồng, còn tài sản đạt gần 91.000 tỷ đồng, đứng đầu thị trường. Riêng quý 2, công ty lãi 1.144 tỷ đồng, cao nhất trong 4 năm.
Chứng khoán TCBS cũng duy trì vị thế dẫn đầu, với doanh thu quý 2 đạt 2.600 tỷ đồng, tăng 19%, lợi nhuận sau thuế 1.400 tỷ đồng, tăng 9%. Đây là mức tăng trưởng đáng kể trong bối cảnh thị trường cạnh tranh gay gắt.
Tăng trưởng đột phá còn ghi nhận tại Chứng khoán VPBank (VPBankS). Doanh thu quý 2 đạt 1.181 tỷ đồng, tăng 83%, lợi nhuận trước thuế lập kỷ lục mới với hơn 549 tỷ đồng, tăng 73% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng, công ty thu về 1.885 tỷ đồng doanh thu, gần 900 tỷ đồng lợi nhuận, dư nợ margin đạt kỷ lục 17.635 tỷ đồng, tăng 38% chỉ trong một quý.
Một gương mặt khác trong nhóm tăng trưởng là Chứng khoán SHS, với doanh thu nửa đầu năm đạt 1.255 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 788,7 tỷ đồng, hoàn thành gần 58% kế hoạch cả năm. Hiệu suất trên mỗi nhân viên lên tới 3,5 tỷ đồng, đưa SHS vào Top 4 công ty có hiệu quả hoạt động cao nhất. Tổng tài sản đạt 17.328 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu hơn 11.184 tỷ đồng, tạo nền tảng vững chắc cho hoạt động cho vay và mở rộng dịch vụ tài chính.
Một số công ty chứng khoán có quy mô nhỏ hơn đã có bước chuyển tích cực, từ thua lỗ sang có lãi trong quý 2/2025. Điển hình như Chứng khoán JB Việt Nam (JBSV) từ lỗ 1,3 tỷ đồng cùng kỳ đã chuyển sang lãi sau thuế 10,9 tỷ đồng. Chứng khoán Public Việt Nam (PBSV) cũng có lãi gần 6 tỷ đồng sau khi lỗ 0,5 tỷ đồng cùng kỳ. Chứng khoán Vina (VNSC) chuyển từ lỗ 5,2 tỷ đồng sang lãi gần 2 tỷ đồng.
Dù mức lợi nhuận còn khiêm tốn, những chuyển biến này cho thấy sự hồi phục và tiềm năng tăng trưởng nếu thị trường tiếp tục tích cực.
NHÓM DOANH NGHIỆP THUA LỖ, ĐẢO CHIỀU KẾT QUẢ
Trái ngược với các công ty dẫn đầu, một số tên tuổi lớn lại ghi nhận lợi nhuận đi xuống dù doanh thu vẫn tăng trưởng. Chứng khoán FPT (FPTS) là một trong số đó. Dù doanh thu 6 tháng đạt 551 tỷ đồng, giảm gần 9%, nhưng lợi nhuận trước thuế chỉ còn 258 tỷ đồng, giảm 32%.
Quý 2 riêng lẻ, công ty chỉ lãi trước thuế 85 tỷ đồng, giảm hơn một nửa do hoạt động tự doanh thua lỗ và chi phí tài chính tăng mạnh. Tuy vậy, các khoản cho vay, đặc biệt là margin, vẫn duy trì cao, chiếm hơn 7.200 tỷ đồng trong tổng tài sản 11.280 tỷ đồng.
Chứng khoán HSC (HCM) cũng ghi nhận doanh thu 6 tháng tăng nhẹ lên 2.073 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế giảm mạnh 29% xuống 419 tỷ đồng. Quý 2 riêng biệt, lãi sau thuế chỉ còn 192 tỷ đồng, giảm 39%. Áp lực chi phí và sự cạnh tranh khốc liệt từ các công ty top đầu đã ảnh hưởng đáng kể tới biên lợi nhuận.
Chứng khoán Bản Việt (Vietcap, VCI) dù đạt doanh thu quý 2 cao nhất lịch sử (1.160 tỷ đồng), nhưng lợi nhuận lại giảm sâu 38,5%, chỉ còn 211,5 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng, lợi nhuận trước thuế đạt 566,6 tỷ đồng, gần như không tăng trưởng, mới hoàn thành 40% kế hoạch năm.
Bên cạnh các điểm sáng, vẫn còn nhiều công ty chứng khoán lâm vào tình cảnh thua lỗ hoặc chuyển từ lãi sang lỗ. Chứng khoán APG là một trong số ít công ty ghi nhận doanh thu tăng mạnh nhưng vẫn lỗ. Quý 2/2025, công ty đạt 161,3 tỷ đồng doanh thu hoạt động, tăng gấp 2,5 lần cùng kỳ, nhưng lỗ ròng 6,8 tỷ đồng do chi phí tăng vượt kiểm soát. Lũy kế 6 tháng, lợi nhuận sau thuế chỉ còn gần 2 tỷ đồng, giảm 96% so với nửa đầu 2024.
Chứng khoán APEC (APS) từ lãi 27 tỷ đồng quý 2/2024 chuyển sang lỗ gần 7 tỷ đồng. Chứng khoán Everest (EVS) lỗ gần 8 tỷ đồng, trái ngược với mức lãi 17 tỷ đồng cùng kỳ. Đáng chú ý, Chứng khoán VTG (VTSS) dù có doanh thu tăng mạnh nhưng vẫn lỗ 10,2 tỷ đồng, đảo chiều so với mức lãi 25,2 tỷ đồng quý 2 năm ngoái.
NHÓM DOANH NGHIỆP THUA LỖ, ĐẢO CHIỀU KẾT QUẢ
Theo Công ty Chứng khoán MBS, sau mức tăng trưởng ấn tượng 23% trong quý 1, lợi nhuận toàn thị trường được kỳ vọng sẽ tăng lần lượt 14% trong quý 2, 24% trong quý 3 và 17% trong quý 4 năm 2025. Động lực chính đến từ các nhóm ngành chủ lực như ngân hàng (+14%), vật liệu xây dựng (+39%), bán lẻ (+28%) và bất động sản (+25%).
Trong kịch bản cơ sở, lợi nhuận toàn thị trường giai đoạn 2025–2026 có thể tăng 17% và 16% so với cùng kỳ, nhờ sức cầu nội địa duy trì ổn định. Kịch bản tích cực có thể đẩy tốc độ tăng trưởng lên mức 18%/17%, trong khi kịch bản tiêu cực có thể kéo tăng trưởng xuống còn 15%/13% do tác động từ xuất khẩu sụt giảm và chi phí lãi vay gia tăng khi tỷ giá biến động mạnh.
Xét về định giá, tính đến ngày 4/7/2025, VN-Index đang giao dịch ở mức 14 lần P/E, cao hơn trung bình ba năm gần đây (13,5 lần), nhưng vẫn thấp hơn 17% so với đỉnh năm 2021 (16,9 lần). Nhóm VN30, vốn chiếm tỷ trọng lớn bởi các cổ phiếu ngân hàng, có P/E khoảng 12,7 lần, cũng chỉ nhỉnh hơn một chút so với trung bình ba năm là 12,3 lần và vẫn thấp hơn đáng kể so với mức đỉnh 15 lần.
Những con số này cho thấy thị trường Việt Nam vẫn đang được định giá hấp dẫn, đặc biệt nếu so với tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp cũng như kỳ vọng nâng hạng trong thời gian tới.
MBS cho rằng việc VN-Index vượt vùng dự báo đầu năm (1.400–1.420 điểm) chủ yếu là nhờ một số mã vốn hóa lớn. Tuy nhiên, nếu loại bỏ những mã này, chỉ số thực chất đang dao động trong vùng 1.350–1.380 điểm. Điều này cho thấy còn nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn chưa tăng giá đáng kể và có thể trở thành điểm hút dòng tiền trong thời gian tới nhờ định giá hợp lý và triển vọng lợi nhuận tích cực.
Với giả định lợi nhuận doanh nghiệp tăng 17% và P/E dao động 13,5–13,8 lần, MBS kỳ vọng VN-Index có thể đạt 1.500–1.540 điểm vào cuối năm 2025. Trong kịch bản tích cực hơn, khi ảnh hưởng từ chính sách thuế quan của Mỹ thấp hơn dự kiến và dòng vốn ngoại đổ mạnh vào nhờ triển vọng nâng hạng, chỉ số này có thể tiến đến vùng 1.580 điểm, với kỳ vọng P/E dao động 13,5–14 lần và tăng trưởng lợi nhuận toàn thị trường đạt 19%.
Công ty Chứng khoán SSI cũng cho rằng định giá thị trường vẫn còn nhiều dư địa để mở rộng. Tính đến hiện tại, thị trường Việt Nam đang giao dịch với hệ số P/E ở mức 20,15 lần và P/B là 1,54 lần, gần sát mức trung bình lịch sử. SSI nhận định điều này phản ánh tiềm năng tái định giá, nhất là nếu Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi.
Trong nửa cuối năm 2025, SSI kỳ vọng một số yếu tố sẽ đóng vai trò chất xúc tác cho thanh khoản thị trường và dòng vốn ngoại, đặc biệt đối với ngành chứng khoán: Hệ thống KRX chính thức vận hành đầy đủ và kích hoạt các tính năng nâng cao, cải thiện tính minh bạch và khả năng tiếp cận của nhà đầu tư; khả năng được FTSE Russell nâng hạng vào ngày 7/10/2025, yếu tố quan trọng thu hút dòng vốn ngoại.
Ngoài ra, IPO của Chứng khoán Kỹ thương (TCBS), sự kiện được kỳ vọng sẽ thiết lập mặt bằng định giá mới cho toàn ngành chứng khoán. Nếu thành công, đây sẽ là cú hích lớn cho nhóm cổ phiếu ngành này.
Theo SSI, những yếu tố trên sẽ tạo nền tảng vững chắc cho sự phục hồi và bứt phá của nhóm cổ phiếu chứng khoán trong giai đoạn cuối năm 2025 và sang năm 2026.