Luật Quy hoạch: Cần bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với các Luật khác

Sáng nay (25/10), tiếp tục Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường, thảo luận, cho ý kiến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Quy hoạch.
Luật Quy hoạch: Cần bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với các Luật khác

Đa số các đại biểu tán thành với việc thông qua dự án Luật Quy hoạch tại Kỳ họp lần này để chuẩn bị cho Chiến lược quy hoạch giai đoạn 2021-2030 bởi nếu không sớm triển khai sẽ dẫn đến tình trạng khi bước vào thời kỳ chiến lược 2021-2030, các quy hoạch cũ hết hiệu lực trong khi đó quy hoạch mới chưa được lập.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) bày tỏ sự e ngại việc quy trình lập quy hoạch quốc gia, sau đó đến lập quy hoạch ngành quốc gia, lập quy hoạch vùng quốc gia, sau đó đến quy hoạch tỉnh... sẽ mất tổng thời gian là 5 năm.

Như vậy thì khi lập quy hoạch cấp dưới, sau 5 năm, quy hoạch cấp trên đã đến kỳ điều chỉnh, sẽ gây khó khăn cho quy hoạch cấp dưới. Vì vậy cần có sự điều chỉnh quy hoạch theo phương thức tích hợp.

Góp ý về từng nhóm quy hoạch, đại biểu Đinh Văn Nhã (Phú Yên) cho rằng, mỗi loại quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh cần được thiết kế hệ thống các điều kiện để tổ chức quản lý kiểm tra, giám sát điều kiện về cơ chế chính sách, điều kiện về nguồn lực.

Điển hình như quy hoạch quốc gia phải là quy hoạch ưu tiên bố trí nguồn lực nhiều nhất để thực hiện. Theo đại biểu, cần có sự phân biệt để có sự ưu tiên thực hiện; trong mỗi quy hoạch, cần tính toán các nhiệm vụ cần thực hiện trước.

Giải thích thêm về nội dung điều chỉnh quy hoạch, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: Đây là vấn đề rất quan trọng và phức tạp.

Trong thực tiễn, nếu quy định quá cứng nhắc, không linh hoạt khi xử lý những vấn đề phát sinh trong quá trình phát triển sẽ gây cản trở hoặc làm chậm quá trình phát triển, tuy nhiên nếu quy định không chặt chẽ thì việc điều chỉnh quy hoạch sẽ gặp khó trong quá trình triển khai thực hiện.

Lập quy hoạch đã khó nhưng tổ chức giữ được quy hoạch, thực hiện quy hoạch còn khó hơn nên Ban soạn thảo đã thiết kế để đảm bảo điều chỉnh quy hoạch phù hợp với thực tiễn cuộc sống, nhu cầu nhưng cũng đảm bảo những nguyên tắc nhất định, không tùy tiện trong việc thực hiện điều chỉnh quy hoạch.

Bên cạnh nhiều ý kiến về tiến độ và thời gian phải nhanh chóng hoàn thành Luật này, một số đại biểu còn nhấn mạnh về cần chú trọng đến nội dung của Luật, phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định để bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với các quy định của các Luật liên quan; hạn chế các nội dung giao Chính phủ quy định để tránh việc ban hành xong Luật vẫn phải chờ Nghị định, Thông tư hướng dẫn.

Đại biểu Hoàng Văn Cường, Hà Nội đề nghị Chính phủ cần sớm chỉ đạo công tác rà soát, lập quy quy hoạch, trong đó có những quy hoạch lập lần đầu ngay sau khi Quốc hội thông qua tại Kỳ họp lần này, không nên chờ đến ngày 1/1/2019 Luật có hiệu lực.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Bến Tre cho rằng, dự án Luật cần có các quy định về công tác xét xử thi hành án, để sau này nếu có sai phạm liên quan vấn đề vùng trời, mặt đất sẽ có chế tài xử lý.

Trong phần giải trình của mình, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, đây là lần đầu tiên khái niệm này được đưa ra, là xu thế từ tình hình thực tiễn, từ kinh nghiệm của các nước và bắt nguồn từ quan điểm không thể để các ngành tách rời nhau lập quy hoạch riêng, cần phải tích hợp lại để có sự thống nhất, tránh xung đột, mâu thuẫn, phát huy được tối đa lợi ích, lợi thế của các ngành, lĩnh vực trên địa bàn.

Vì lần đầu tiên thực hiện phương pháp này nên chắc chắn có nhiều vấn đề thách thức trong quá trình triển khai, do đó cần đẩy mạnh ứng dụng của khoa học công nghệ, đặc biệt là các phần mềm để phương pháp thực hiện được đảm bảo thống nhất, công khai, minh bạch, độc lập trong thời gian nhanh nhất.

Có thể bạn quan tâm