Masan tung chiêu "đỡ giá" cổ phiếu lao dốc

Động thái mua lại 20 triệu cổ phiếu quỹ của Tập đoàn Masan (mã: MSN) được giải thích là nhằm “hiệu quả sử dụng lượng tiền mặt” mà công ty đang nắm giữ. Nhưng, cách này sẽ giúp Masan chống đỡ trước cú
Masan tung chiêu "đỡ giá" cổ phiếu lao dốc

Cách này sẽ giúp Masan chống đỡ trước cú “trượt dốc” mất tới 14,5% thị giá của cổ phiếu MSN

Ngày 18/8, HĐQT Tập đoàn Masan công bố Nghị quyết về việc mua lại 20 triệu cổ phiếu MSN làm cổ phiếu quỹ bằng nguồn thặng dư vốn. Công ty đang thực hiện các thủ tục xin phép sự chấp thuận của Sở giao dịch chứng khoán Tp.HCM (Hose) theo qui định.

 Vốn hoá “bốc hơi” 7.560 tỷ đồng

 Quyết định mua cổ phiếu quỹ được Masan đưa ra giữa thời điểm giá cổ phiếu MSN trên sàn sụt giảm liên tiếp trong vòng một tháng trở lại đây. Trước đó, ngày 18/7, cổ phiếu MSN bất ngờ giảm giá từ mức 69.000 đồng/CP xuống 67.000 đồng/CP.

Hàng chục phiên giao dịch sau đó, mã MSN tiếp tục lao dốc “không phanh”, xuống mức thấp kỷ lục chỉ 59.000 đồng/CP, tức mất tới 10.000 đồng/CP (giảm 14,5% thị giá). Vài phiên gần đây, cổ phiếu MSN mới hồi phục giá, leo lên mức 63.500 đồng vào chiều 18/8. Sau cú trượt giá bất ngờ này, với hơn 756 triệu cổ phiếu đang lưu hành, vốn hoá thị trường của Masan đã bị “bốc hơi” hơn 7.560 tỷ đồng chỉ sau thời gian ngắn. Cổ phiếu MSN bất ngờ “đổ đèo” sau khi lan truyền thông tin thanh tra dự án mỏ Núi Pháo (Thái Nguyên) vào tháng 8/2016.

Dự án này do công ty TNHH Khai thác và chế biến khoáng sản Núi Pháo (công ty Núi Pháo) làm chủ đầu tư và công ty Masan Resources (thuộc Tập đoàn Masan) đầu tư và khai thác. Đây được đánh giá là mỏ có trữ lượng vonfram lớn nhất thế giới. Trước đó, tháng 6/ 2016, người dân xã Hà Thượng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên đã có khiếu kiện, tụ tập đông người phản đối về tình trạng ô nhiễm môi trường đối với dự án mỏ Núi Pháo này.

Tuy nhiên, công bố thông tin ra thị trường về nguyên nhân mua 20 triệu cổ phiếu quỹ, Ban điều hành Masan cho rằng giá trị giao dịch hiện tại đối với cổ phiếu MSN đang được định giá rất thấp so với giá trị thực. Do đó, “kế hoạch mua lại cổ phiếu quỹ là một phương thức hiệu quả sử dụng lượng tiền mặt lớn mà công ty đang nắm giữ”- thông báo của Masan nêu rõ. Việc này cũng thể hiện niềm tin của Ban Điều hành về định hướng chiến lược và triển vọng kinh doanh cũng như cam kết gia tăng và tối đa hóa giá trị cho các cổ đông…

Trên thị trường, đã có nhiều công ty tiến hành mua lại cổ phiếu quỹ trong một số trường hợp cấp bách, như: khi giá cổ phiếu bị giảm mạnh, dưới giá trị thực thì cần mua cổ phiếu quỹ để chặn đà giảm giá chứng khoán. Việc mua lại cổ phiếu quỹ cũng góp phần ngăn chặn khả năng thao túng công ty từ bên ngoài. Một số công ty mua lại cổ phiếu quỹ để làm nguồn dự trữ, thưởng cho nhân sự như biện pháp khích lệ và cân đối cơ cấu tài chính… 

Dư tiền, lợi nhuận đột biến 

Theo giá giao dịch hiện tại 63.000 đồng/CP, Masan dự tính sẽ phải chi ra khoảng 1.260 tỷ đồng cho kế hoạch mua lại 20 triệu cổ phiếu quỹ. Là doanh nghiệp có quy mô vốn lớn hơn 7.560 tỷ đồng, việc mua lại cổ phiếu quỹ không phải vấn đề tài chính to tát với Masan. Tập đoàn này có nguồn thặng dư vốn cổ phần rất lớn, lên tới 9.631 tỷ đồng tại thời điểm 30/6/2016. Masan còn có lợi nhuận chưa phân phối hơn 7.933 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu liên tục tăng lên trong nhiều năm qua, hiện đạt tới 23.127 tỷ đồng, gấp hơn 7 lần vốn điều lệ.

Báo cáo tài chính quý II/2016 cho thấy Masan có lượng tiền mặt hợp nhất hơn 12.863 tỷ đồng, bao gồm tiền mặt và các khoản tương đương tiền, đầu tư ngắn hạn và các tài sản sinh lãi khác. Trong nửa đầu năm 2016, hoạt động kinh doanh của Masan có sự tăng trưởng ấn tượng trên tất cả các lĩnh vực khai khoáng, ngân hàng, sản xuất thức ăn chăn nuôi, thực phẩm – đồ uống… để đạt mục tiêu 2 tỷ USD doanh thu cho năm nay.

Cụ thể, 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Masan tăng 19.141 tỷ đồng, đạt 83,8% kế hoạch cả năm. Trong khi nửa cuối năm, công ty thường tăng trưởng mạnh hơn, thu về 60% doanh thu từ mảng kinh doanh thực phẩm và đồ uống. Lợi nhuận thuần 6 tháng đạt 1.863 tỷ đồng, tăng trưởng 103,6% và lãi thuần sau lợi ích cổ đông thiểu số đạt 1.034 tỷ đồng, tăng trưởng 184%. Masan đã hoàn thành 54% kế hoạch lợi nhuận thuần cả năm.

Do đó, Ban Giám đốc đã điều chỉnh tăng kế hoạch lợi nhuận cả năm thêm 25% lên mức gần 2.400 tỷ đồng, tức tăng trưởng khoảng 60% so với năm 2015. Hiện, cả thị trường vẫn dõi theo cuộc thanh tra dự án mỏ Núi Pháo đang diễn ra. Bộ trưởng- Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh: “Nếu phát hiện các vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định, đồng thời giải quyết thoả đáng các kiến nghị, khiếu nại của người dân với hoạt động của công ty này”.

Thông tin này sẽ có ảnh hưởng nhất định tới hoạt động đầu tư kinh doanh của dự án mỏ Núi Pháo trong nửa cuối năm 2016. Trước đó, dự án này triển khai chậm chạp, đến năm 2010, được chuyển giao từ Dragon Capital sang Masan với số tiền chuyển nhượng cỡ khoảng 300 triệu USD. Lãnh đạo Masan cũng tiết độ đã rót vào dự án khoảng 550 triệu USD.

Theo Thu Hằng/TBKD

Có thể bạn quan tâm