Mâu thuẫn chủ đầu tư và khách hàng tại các chung cư: Đồng sàng dị mộng

Thời gian qua cư dân của nhiều tòa nhà tại Hà Nội thực hiện “chiến thuật” căng băng rôn phản đối chủ đầu tư… ngay tại chính căn hộ của mình. Nội dung của những băng rôn này cho thấy nhiều mâu thuẫn đa
Mâu thuẫn chủ đầu tư và khách hàng tại các chung cư: Đồng sàng dị mộng

Không thể phủ nhận nhà chung cư cao tầng là xu thế tất yếu của xã hội hiện đại. Nhưng hệ quả của sự phát triển quá nóng trong những năm qua của loại hình này khiến không ít những tranh chấp pháp sinh.

Vấn đề PCCC được cư dân hết sức quan tâm

Sau những vụ cháy lớn, nhỏ liên tiếp xảy ra tại các chung cư nhà cao tầng vừa qua. Vấn đề PCCC bỗng dưng lại được quan tâm hàng đầu của nhiều cư dân mua và sống tại chung cư.

Một việc cụ thể cách đây không lâu, cư dân chung cư SME Hoàng Gia (phố Tô Hiệu, Hà Đông, Hà Nội) đã xuống đường, căng băng rôn để phản đối chủ đầu tư. Cư dân tại đây tố việc chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Tập đoàn bất động sản Hoàng Gia coi thường tính mạng người dân khi đã bàn giao nhà 2 năm mà hệ thống PCCC vẫn chưa được nghiệm thu.

Theo cư dân ở đây, bất đắc dĩ họ mới phải đem băng rôn xuống để “tố” chủ đầu tư bởi đã nhiều lần ý kiến bằng văn bản nhưng không được trả lời. Tuy nhiên, chủ đầu tư vẫn chây ỳ và không có động tĩnh gì.

Trước đó, ngày 16/4, đoàn thanh tra liên ngành của Thanh tra Hà Nội đã kiểm tra, phát hiện 3 lỗi về PCCC chưa được khắc phục tại chung cư SME Hoàng Gia. Các lỗi này liên quan đến lối ra thoát nạn, ngăn cháy lan, hệ thống PCCC chưa kết nối liên động.

5 năm dùng nước độc Asen, Amoni

Trong ngày 26-27/7 vừa qua, đông đảo cư dân KĐT Tân Tây Đô (xã Tân Lập, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội) đã tập trung căng băng rôn, yêu cầu chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát giải quyết vấn đề cung cấp nước sạch cho cư dân.

Rất nhiều băng rôn với các nội dung như: Tân Tây Đô 5 năm dùng nước độc Asen, Amoni; Yêu cầu Hải Phát cấp nước sạch... được treo đỏ rực các tòa nhà HHB, CT02 (gồm CT2A và CT2B).

Được biết, đây không phải là lần đầu tiên cư dân KĐT Tân Tây Đô căn băng rôn đòi quyền lợi, yêu cầu chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ của mình.

Vào năm 2014, xuất phát từ việc phí dịch vụ cao, trong khi nguồn nước nhiễm bẩn nặng, người dân khu đô thị Tân Tây Đô đã tập trung tuần hành trong khuôn viên tòa nhà, hô các khẩu hiệu phản đối ban quản lý và chủ đầu tư, yêu cầu giải quyết ngay những bức xúc của người dân.

Thế nhưng, 5 năm trôi qua, người dân tại đây vẫn phải đóng tiền để mua nước bẩn và phát sinh thêm tiền mua nước đóng chai để phục vụ sinh hoạt hàng ngày...

Vẫn là vấn đề nước sinh hoạt

Nguồn nước bị nhiễm Asen là một vấn đề xảy ra từ khi Chung cư Thanh Hà đi vào hoạt động năm 2016, thế nhưng vấn đề này không được Tập đoàn Mường Thanh giải quyết triệt để, gây nên những nỗi lo lắng về sức khỏe trong cư dân.

Theo kết quả xét nghiệm nước vào tháng 10/2017, với các mẫu nước lấy tại nhà máy nước cao gấp 4,2 lần, tại nhà dân là 3,67 lần và tại bể chứa nước của chung cư là 3,69 lần giới hạn Asen cho phép có trong nước sinh hoạt. Như vậy, sau hoạt động sửa chữa của Mường Thanh, hàm lượng Asen không những không giảm mà còn tăng lên đáng kể.

Sau khi đã kiến nghị nhiều lần trong suốt gần ba năm trời sống chung với nguồn nước bẩn nhưng không được chủ đầu tư giải quyết thỏa đáng, cư dân đã tiến hành treo băng rôn phản đối ở cả ba khu nhà.

Được biết, Chung cư Thanh Hà do Tập đoàn Mường Thanh làm chủ đầu tư gồm 3 khu chung cư: M1, HH01, HH02 cách nhau vài trăm mét. Thế nhưng, theo người dân nguồn nước ở cả ba khu chung cư này đều có vấn đề.

Usilk City trách nhiệm cơ quan chức năng đến đâu?

Là một trong những dự án chung cư "khủng" ở Hà Nội vào thời điểm năm 2008, tuy nhiên, sau 10 năm xây dựng, dự án vẫn còn ngổn ngang. Tuy chưa hoàn thiện, nhiều người mua nhà đã miễn cưỡng dọn về vì không thế chờ đợi thêm.

Gần đây, hàng trăm khách hàng mua căn hộ của dự án Usilk City đã tập hợp tại toà nhà CT1-101 căng băng rôn tố cáo và yêu cầu Công ty cổ phần Sông Đà Thăng Long trả tiền, trả nhà như đã cam kết. Không những thế cư dân đã dọn về sống còn căng rất nhiều băng rôn tại ban công của tòa nhà tố cáo những sai phạm của chủ đầu tư.

Nhưng đến nay, chủ đầu tư vẫn bặt vô âm tý trong khi quyền lợi hàng trăm người dân mua nhà  đang treo lơ lửng.

Dư luận đặt ra câu hỏi là liệu dự án Usilk City có tiếp tục thi công hoàn thiện và đến bao giờ những người mua nhà tại dự án Usilk City mới được nhận nhà trong khi họ bỏ ra tiền tỷ để mua nhà tại dự án này từ nhiều năm trước?

Đồng thời, trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc quản lý để xảy ra tình trạng trên gây bức xúc dư luận.

Bộ Xây dựng vào cuộc

Trước tình trạng ngày càng nhiều tranh chấp xảy ra, Bộ Xây dựng cho biết sẽ rà soát sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật liên quan đến chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của chủ đầu tư, ban quản trị, doanh nghiệp quản lý vận hành nhà chung cư và chủ sở hữu, chủ sử dụng chung cư.

“Bộ Xây dựng sẽ hoàn thành các đề án quan trọng đối với an ninh kinh tế trong lĩnh vực bất động sản bao gồm nhiều nội dung như: Tín dụng, bong bóng BĐS, quản lý vận hành nhà chung cư, tranh chấp chung cư… dự kiến trình chính phủ vào tháng 12”. Ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng).

Bộ sẽ sớm nghiên cứu, ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng nhà chung cư, trong đó quy định cụ thể cách xác định diện tích căn hộ, phần diện tích thuộc sở hữu chung và riêng.

Bộ đề xuất Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an kiểm tra, xử lý các vi phạm về phòng cháy chữa cháy, cũng như việc thực hiện thẩm định, nghiệm thu về PCCC… tổ chức điều tra, khởi tố, truy cứu trách nhiệm đối với các chủ thể có hành vi vi phạm, đặc biệt là hành vi chiếm dụng,  sử dụng kinh phí bảo trì.

Có thể bạn quan tâm