Mới hay nhiều sự chẳng tại Trời

Đại thi hào Nguyễn Du khi viết về thân phận nàng Kiều đã từng phải thốt lên “Mới hay trăm sự tại Trời”… Còn chúng ta - chủ nhân của xã hội đương đại cũng phải thốt lên ngậm ngùi: Mang tiếng là người c
Mới hay nhiều sự chẳng tại Trời

Khi có ý định xả vài chuyện cho đỡ xì trét, tôi cũng hơi băn khoăn vì những câu chuyện của mình chỉ là những giọt nước trong biển cả mênh mông. Và chắc chắn có nhiều chuyện bi hài gấp những câu chuyện của tôi cả ngàn vạn lần. Nhưng cũng phải có vài ví dụ của “người trong cuộc” để dẫn chứng cho chủ đề “Mới hay nhiều sự chẳng tại Trời” mà tại một số “người trần mắt thịt” đang ngồi ghế “hành dân” mà thôi.

Câu chuyện thứ nhất: Dấu nặng quý hơn vàng

Anh trai tôi là sĩ quan quân đội. Cả đời phụng sự Tổ quốc, quân lệnh như sơn. Biết điểm yếu của mình khi vượt ra ngoài khuôn khổ quân đội là “lơ ngơ như bò đội nón” nên anh ấy rất cẩn thận trong mọi việc liên quan đến quy định hành chính, quản lý xã hội…
Hơn 20 năm trước, như tất cả những ngôi nhà trong khu vực, ngôi nhà của gia đình tôi và gia đình anh bắt đầu được làm thủ tục cấp sổ đỏ. Gần 10 năm sau các gia đình mớinhận được cuốn sổ khẳng định quyền sử dụng mảnh đất và sở hữu ngôi nhà quý giá của mình. Ngay lập tức anh cất nó vào két, không ai nhìn thấy nó lần nào, kể cả vợ anh.

Cô gái trẻ cầm sổ tôi đưa, lục trong tủ lưu trữ và rút hồ sơ gốc… rồi cô cầm bút mực tàu chấm nhẹ dấu nặng dưới chữ Viên và trả lại tôi sổ đỏ. Tất cả diễn ra trong vòng 15 phút. Tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Hóa ra sự việc rất giản đơn nếu được các “công bộc” coi là giản đơn! Tôi mừng đến quên cả cám ơn cô gái, nhưng gương mặt nhẹ nhõm của cô thì tôi nhớ mãi.

Mấy năm sau, khi “bị” tôi dụ dỗ và thuyết phục anh cho mượn sổ đỏ, đặt ngân hàng để vay vốn, cho một dự án làm ăn khá thuyết phục, anh mở két, đưa sổ đỏ cho tôi. Trong quá trình làm thủ tục vay vốn, hỡi ôi! Người ta phát hiện ra tên anh trong sổ đỏ là Viên, còn tên trong giấy chứng minh và hộ khẩu là Viện – Thiếu đứt đi một dấu nặng. Trách ai bây giờ? Trách các cụ nhà mình, đã biến tấu và sử dụng được chữ Latin sao còn để tồn tại các loại dấu a á ã ả à… làm gì cho phức tạp. Trách người làm sổ đỏ thiếu cẩn thận, có mỗi cái dấu mà cũng quên.

Trách anh tôi coi cái sổ đỏ là vật linh thiêng quá, còn cao quý hơn cả sổ gạo, quý hơn cái bìa thực phẩm A-B-C thời bao cấp chưa xa… mà giấu béng vào két, để không ai được ngắm nhìn và biết đâu, vô tình phát hiện ra mà tìm cách xử lý ngay. Giờ đang cần thủ tục gấp biết húc đầu vào đâu để có thêm dấu nặng dưới chữ Viên kia. (Nói vụng: Ông anh rất kỹ tính và nhất nhất tôn trọng cơ quan quản lý Nhà nước, vợ con anh cũng quen tuân lệnh và chịu chết với cái tên Viên giời ơi đất hỡi trong sổ đỏ). Tôi chạy lên quận, nhân viên của quận hướng dẫn quay về phường làm lại thủ tục từ đầu. Tôi ngẩn người, nghĩ đếnhành trình gian nan gần 10 năm làm thủ tục và chờ đợi để có sổ đỏ, giờ bắt đầu từ con số 0, có mà khóc. Đó là chưa kể đến việc đang cần sổ đỏ gấp để làm thủ tục thế chấp, vay vốn?!...

Trong cái khó bỗng ló ra cái khôn. Tôi chợt nhớ đến ông bạn làm ở Sở Tài nguyên và Môi trường. Một cú điện thoại, tôi cứ nhắm mắt làm theo hướng dẫn… Tôi mang hồ sơ đến gặp nhân viên H của Sở tài nguyên môi trường. Cô gái trẻ cầm sổ tôi đưa, lục trong tủ lưu trữ và rút hồ sơ gốc… rồi cô cầm bút mực tàu chấm nhẹ dấu nặng dưới chữ Viên và trả lại tôi sổ đỏ. Tất cả diễn ra trong vòng 15 phút. Tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Hóa ra sự việc rất giản đơn nếu được các “công bộc” coi là giản đơn! Tôi mừng đến quên cả cám ơn cô gái, nhưng gương mặt nhẹ nhõm của cô thì tôi nhớ mãi.

Câu chuyện thứ hai: Em xin được đóng thuế!

Tôi mua chiếc xe máy hiệu FUTURE. Nhân viên của tôi giúp tôi chạy thủ tục đăng ký. Việc đầu tiên là đóng thuế. Cô nhân viên đi 3 lần không xong. Lý do là vì trong hóa đơn đỏ, cửa hàng ghi tên phố theo hộ khẩu là phố Chương Dương. Trên chứng minh nhân dân của tôi là phố Chương Dương Độ. Nhân viên thuế nói đây là hai con phố khác nhau. Nhân viên của tôi giải thích thế nào anh ta cũng không đồng ý.

Tôi nghe nhân viên thuật lại với vẻ mặt chán chường, mệt mỏi, máu nghề bỗng nổi lên. Tôi xách hồ sơ, đút theo máy ghi âm đến gặp nhân viên nọ. Bụng thầm nghĩ, phen này cu mày chết rồi, ông sẽ làm bài về nhân viên hành dân khi đi nộp thuế. Nhưng, hỡi ôi! Định bắt con săn sắt thì bắt được cả cá rô! Anh nhân viên thuế ngả bài chia đôi tiền VAT khi viết lại hóa đơn, tất cả lời nói của anh ta chui hết vào máy ghi âm. Tôi lí nhí: Để em về nói với chồng em.

Tôi lách cách đánh văn bản: Đơn xin được thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước. Kính gửi… và trình bày. Một đơn gửi công an phường, xin chứng nhận phố Chương Dương với Chương Dương Độ là một. Một đơn gửi Chi cục trưởng Chi cục thuế. Tôi cẩn thận chụp ảnh tên biển phố Chương Dương (giống như tên ghi trên hóa đơn đỏ) và in thành tấm. Anh phó công an phường đọc đơn, ký và đóng dấu chứng nhận, cười tủm tỉm – biết là “con này” bắt đầu gây sự. Tôi ôm tất cả giấy tờ lên xin gặp Chi cục trưởng chi Chi cục thuế. Chìa Thẻ Nhà báo, lễ phép hỏi việc cá nhân. Được mời ngồi, tôi đưa ra giấy tờ mua xe và hỏi: “Em đủ hồ sơ nộp thuế không anh?”.

Anh Chi cục trưởng xem hồ sơ rất kỹ, ngạc nhiên: “Đủ chứ, có thiếu gì đâu?”. Tôi nhẹ nhàng: “Thế mà nhân viên của anh không chấp nhận hồ sơ này”. – “Nhân viên nào?”. Anh Chi cục trưởng có vẻ sốt ruột. “Đây, em và anh cùng nghe” rồi mở máy ghi âm. Thú thực, nhìn thấy gương mặt hết tím lại đỏ của anh mà tôi thấy hơi ái ngại. Nghe xong, anh ấy gọi điện thoại cho anh đội trưởng, nói “lên phòng tôi có việc ngay”. Chỉ mấy phút sau đã thấy anh đội trưởng có mặt. Anh "sếp" ghìm giọng: “Anh nghe đi. Nhân viên của anh làm ăn thế à”. Tất nhiên là xin lỗi, là thông cảm, và ký tất cả giấy tờ ngay tại chỗ. Tôi thấy mục đích của mình đã đạt được rồi nên lòng bỗng trùng xuống. Tôi nhẹ nhàng: “Gửi lại anh cuốn băng ghi âm này. Em giữ bản gốc. Để anh biết vậy và nhắc nhở nhân viên thôi”.

Câu chuyện thứ ba: Rằng thì là mà rồi sau khi đó…

Chuyện này thì hầu như ai cũng gặp, nếu đến cửa hành chính.

3 lần nhân viên của chồng tôi đến cơ quan nọ xin đăng quảng cáo sản phẩm. Khai theo mẫu hướng dẫn, kịch bản phim quảng cáo… đủ cả. Lần đầu nhân viên tiếp nhận đơn hướng dẫn thay câu này, lần sau bỏ chữ và, lần sau nữa khoanh tròn một câu khác… Máu nghề lại nổi lên, tôi ôm toàn bộ giấy tờ, bút tích khoanh chữ này, gạch chữ kia lên gặp nhân viên nọ. Vừa trao hồ sơ vào tay nhân viên công bộc nọ, tôi chủ động tấn công: “Anh xem giúp tôi, hôm nay anh có cần thay dấu phẩy bằng chữ và hay ngược lại, thay chữ và bằng dấu phẩy hay không? Cần thay đổi bất cứ chữ gì, anh phê vào đó và cho tôi xin một dòng cam kết là sẽ không nghĩ ra trò gì hay hơn nữa…”. Tôi hôm nay không gặp may, chủ động “đánh nhau” thì lại đấm đúng vào thinh không! Anh nhân viên nhìn tôi mỉm cười: Đủ hết rồi chị ạ. Không cần thêm thắt gì nữa đâu…

Ơ hơ! Vẫn anh đó, tên như thế, sao hôm nay lại… hiền thế! Có phải “sơn ăn tùy mặt” không nhỉ? Tôi vừa sung sướng vừa… xấu hổ. Tôi thích hình ảnh mình nhẹ nhàng, dịu dàng cơ. Tôi không dám ước mình như giọt sương chực rơi ra khỏi lá sen để các chàng, các nàng phải giật mình thon thót mà đỡ lấy nhưng chí ít thì cũng là gương mặt đàn bà. I am Đàn bà!

Chị bạn tôi chuẩn bị về hưu, làm xong thủ tục nhưng không sao nộp được hồ sơ cho cơ quan bảo hiểm. 5 lần đến bảo hiểm mà về không. Lần thì cô nhân viên khoanh tròn câu này, yêu cầu viết lại. Lần khác thì sửa chữ rằng, lần khác nữa quay lại chữ thì… Lần cuối vẫn chưa xong. Lý do: Sổ bảo hiểm đang kiểm tra theo quy định chung. Phải lấy được sổ về mới làm thủ tục cho chị được. Nhưng khổ nỗi, khi lấy được sổ về thì thời hạn làm thủ tục sẽ bị muộn so với quy định. Chị lại phải giải trình vì saonộp hồ sơ muộn. Chị bạn tôi bảo: Chị sẽ giải thích là vì cơ quan bảo hiểm đang kiểm tra sổ nhé. Cô nhân viên lắc đầu: Không được. Chị phải tìm lý do khác, không đổ lỗi cho cơ quan em được…

Cãi nhau với cô này giống như vạch đầu gối ra kể chuyện. Chị bạn biết tôi có mấy kinh nghiệm, kỹ năng giao tiếp với họ liền tìm gặp tôi nhờ giải quyết.

Hu hu! Nghĩ đến việc xuất hiện trước một cô bé đáng tuổi con mình để thay vì xin xỏ, phải hất hàm, cương cái mặt dịu hiền của mình lên, tôi ngán như chót ăn cả cân mỡ.

Tôi muốn làm đàn bà. Nhất là khi tôi đã được lên chức bà! Nhưng cây muốn lặng, gió chẳng muốn đừng, chỉ mong cháu tôi đừng nhìn thấy cái mặt của tôi khi tiếp xúc với các “công bộc”, trong những hoàn cảnh trên.

Càng hiểu thêm, nhiều sự chẳng phải tại Trời đâu!

Nguyễn Kim Khánh

Có thể bạn quan tâm