Một số ngân hàng đã có động thái hỗ trợ khách hàng cá nhân

Trước thực trạng hàng chục nghìn cá nhân vay vốn ngân hàng đang có nguy cơ rơi vào nợ xấu vì thu nhập giảm sút hoặc mất việc do ảnh hưởng bởi Covid-19, một số ngân hàng đã có động thái hỗ trợ nhóm khách hàng này.
Một số ngân hàng đã có động thái hỗ trợ khách hàng cá nhân

Theo đó, Kienlongbank giảm 25%/tổng số tiền lãi phải thanh toán cho hơn 85.000 khách hàng đang vay trả góp theo ngày kể từ ngày 3/4 đến 30/6. Nhóm khách hàng này chủ yếu là người bán vé số, chạy xe ôm, buôn bán nhỏ lẻ...

Từ nay đến hết 31/12, MSB triển khai gói tín dụng 7.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi dành cho khách hàng cá nhân vay tín chấp và vay thế chấp bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. Theo đó, MSB áp dụng vay tín chấp với lãi suất chỉ 12,99% trong 12 tháng đầu. Đối với vay thế chấp, khách hàng được lựa chọn lãi suất ưu đãi 6,99%/năm trong 6 tháng, 7,99%/năm trong 12 tháng hoặc 8,75%/năm trong 18 tháng đầu. 

BIDV cũng giảm lãi suất đến 1% các khoản vay hiện hữu cho nhóm khách hàng cá nhân vay tiêu dùng tín chấp, trả nợ bằng lương do ảnh hưởng dịch Covid-19. Trường hợp người lao động mất việc được hưởng trợ cấp 1,8 triệu đồng theo định hướng của Chính phủ, BIDV sẽ giảm lãi suất 2%/năm, đồng thời ân hạn chưa thu gốc và lãi đến hạn của những khách hàng này trong thời gian còn dịch.

Trước đó, lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại cổ phần thừa nhận, các ngân hàng đã nhận được hàng ngàn đề nghị giãn nợ, giảm lãi suất của khách hàng cá nhân. Theo tính toán sơ bộ, tại nhiều ngân hàng, trong tổng số dư nợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19, dư nợ của khách hàng cá nhân chiếm tới 1/3, nguyên nhân là do thất nghiệp hoặc thu nhập giảm sút.

Ông Phạm Quốc Thanh, Tổng giám đốc HDBank cho hay, theo thống kê mới của Ngân hàng, có khoảng 11.000 tỷ đồng tín dụng của HDBank bị ảnh hưởng bởi Covid-19, trong đó có tới hơn 4.000 tỷ đồng của khách hàng cá nhân. “Hiện tốc độ các khách hàng gửi đơn đề xuất xin cơ cấu nợ, giãn nợ tăng chóng mặt, đội ngũ xử lý phải chạy hết tốc lực”, ông Thanh cho hay.

Còn tại Sacombank, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Ngân hàng cho hay, trong 22.0000 tỷ đồng dư nợ do khách hàng đề xuất cơ cấu, giãn nợ, tới 7.000 tỷ đồng là của khách hàng cá nhân. 

Phó tổng giám đốc một ngân hàng TMCP tại Hà Nội cho hay, theo rà soát, trong vòng 1 tháng gần đây, số dư nợ cá nhân bị ảnh hưởng bởi Covid-19 của ngân hàng này đã tăng gấp 5 lần tháng trước.  

Có thể bạn quan tâm