Mua bán nợ: Cần thêm cơ chế đặc thù

Việc đưa ra nhiều quy định khá chặt chẽ đối với DN mua bán nợ được cho là rất quan trọng, đảm bảo mua bán nợ công khai minh bạch, đảm bảo năng lực tài chính thực sự của DN.
Mua bán nợ: Cần thêm cơ chế đặc thù

Việc đưa ra nhiều quy định khá chặt chẽ đối với DN mua bán nợ được cho là rất quan trọng, đảm bảo mua bán nợ công khai minh bạch, đảm bảo năng lực tài chính thực sự của DN.

Mở rộng đối tượng kèm điều kiện 

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 69/2016/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ. Nghị định ra đời phần nào đáp ứng được mong đợi của thị trường. Trước đó trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng, lãnh đạo VAMC chia sẻ, việc Nghị định ra đời sẽ giúp thị trường mua bán nợ sôi động hơn, thay vì chỉ có VAMC, DATC và AMC của các NH như hiện nay.

Một trong những quy định được quan tâm tại nghị định này là DN muốn kinh doanh mua bán nợ phải có vốn điều lệ 100 tỷ đồng. Và DN hoạt động mua bán nợ không được nhận cấp tín dụng của TCTD, chi nhánh NH để mua nợ của khách hàng vay tại chính TCTD, chi nhánh NH nước ngoài đó. Có thể hiểu nôm na là DN không được vay của NH để mua khoản nợ xấu của chính NH đó.

Đánh giá quy định này là cần thiết, TS. Cấn Văn Lực cho rằng rõ ràng DN muốn mua bán nợ phải có vốn. Tất nhiên, DN có thể quay vòng vốn để mua bán, nhưng vẫn phải có phần vốn nhất định đủ lớn để tránh hiện tượng sử dụng đòn bẩy quá cao, có một đồng kinh doanh trăm đồng thậm chí nghìn đồng. “Bởi làm vậy khác nào lấy mỡ nó rán nó” - TS. Cấn Văn Lực ví von với trường hợp DN vay vốn NH để mua nợ chính NH đó.

Ngoài các yêu cầu trên, Nghị định 69 cũng đưa ra khá nhiều quy định chặt chẽ. Các khoản nợ được mua bán phải có đầy đủ các yếu tố: không có thỏa thuận bằng văn bản về việc không được mua, bán khoản nợ; không được sử dụng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự tại thời điểm mua bán nợ, trừ trường hợp có sự đồng ý bằng văn bản của bên nhận bảo đảm về nợ... Đồng thời, việc mua bán nợ phải được lập thành hợp đồng bằng văn bản trên cơ sở thỏa thuận giữa các bên liên quan, đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia mua bán nợ, trong đó quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của bên mua nợ, bên bán nợ...

Việc đưa ra nhiều quy định khá chặt chẽ đối với DN mua bán nợ được cho là rất quan trọng, đảm bảo mua bán nợ công khai minh bạch, đảm bảo năng lực tài chính thực sự của DN. Nhưng đồng thời quy định như vậy cũng để đảm bảo các DN có thời gian chuẩn bị. Nếu có nhu cầu tham gia vào thị trường này thì đây là cơ hội thuận lợi để các DN khai thác mảng kinh doanh mới và đang được Chính phủ cũng như NHNN khuyến khích.

Đánh giá tích cực Nghị định 69 về việc cho phép mở rộng đối tượng tham gia mua bán nợ, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, sự thay đổi trên chỉ hỗ trợ một phần nhỏ đối với hoạt động xử lý nợ xấu. Vấn đề chính để thúc đẩy nhanh xử lý nợ xấu, là luật pháp Việt Nam phải “cởi trói” đối với hoạt động thanh lý tài sản bảo đảm. 

Cần thêm quyền năng mạnh 

Thực tế hiện nay, người mua nợ lại không có quyền quyết định đối với khoản nợ xấu mà mình đã mua. Ngay cả VAMC khi mua khoản nợ xấu, đến lúc thanh lý tài sản bảo đảm thì người mua vẫn đợi ý kiến của ông chủ nợ đầu tiên là NH, và quan trọng hơn là chờ sự hợp tác của con nợ. Như vậy, người mua không thể có toàn quyền đối với món hàng mình mua, vốn dĩ là hàng xấu thì liệu họ có mặn mà? Vì vậy, muốn xử lý nhanh nợ xấu thì chúng ta phải trả lời được câu trả hỏi liệu người mua có toàn quyền đối với khoản nợ, tài sản bảo đảm đó không.

“Nếu không thì không mong có thể xử lý nhanh nợ xấu, dù người mua là tây hay ta và dù chủ trương đang đi đúng hướng”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh. Còn theo TS. Cấn Văn Lực, việc Chính phủ ban hành Nghị định 69 tạo lập thị trường mua bán nợ cũng mới chỉ tháo gỡ được một trong ba vướng mắc quan trọng đối với vấn đề xử lý nợ xấu.

Hai vướng mắc còn lại là khuôn khổ pháp lý hoàn thiện hơn, bổ sung quyền năng của VAMC, nhất là xử lý tài sản  bảo đảm; Và sự phối kết hợp cơ quan bộ, ngành, đặc biệt tòa án… Như vậy, có thể thấy vấn đề xử lý nợ xấu phải gắn liền với xử lý tài sản bảo đảm. Vậy làm thế nào để giải quyết được vấn đề này?

TS. Trần Du Lịch kiến nghị: Chính phủ nên rà soát tất cả các quy định, nếu bất hợp lý thì đề nghị Quốc hội cho điều chỉnh. Đó cũng là kiến nghị của Chủ tịch HĐTV VAMC Nguyễn Quốc Hùng. Để có thể tạo hành lang pháp lý thông suốt, thời gian tới, VAMC kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết về xử lý nợ xấu hoặc một bộ luật về xử lý nợ xấu.

Đơn cử, không áp dụng điều kiện chuyển nhượng dự án BĐS quy định tại Điều 49 Luật Kinh doanh BĐS 2014 đối với các dự án BĐS là tài sản bảo đảm khoản nợ xấu của VAMC, ông Hùng đề nghị. Theo đó, trường hợp bên mua nợ hoặc nhận chuyển nhượng dự án đáp ứng điều kiện theo quy định của Luật Kinh doanh BĐS và có khả năng hoàn thành đúng tiến độ cho phép, VAMC được xử lý tài sản bảo đảm là dự án BĐS mà không cần đáp ứng điều kiện nêu trên.

Bên cạnh đó, VAMC cũng cần có thêm cơ chế nữa là hoạt động đấu giá để đẩy nhanh việc mua bán nợ, thay vì phải chờ đợi ý kiến các bên liên quan. Trong trường hợp bên bảo đảm không hợp tác, không tự nguyện bàn giao tài sản cho VAMC hoặc TCTD ủy quyền thì VAMC được quyền quyết định giảm giá để tiếp tục bán đấu giá cho đến khi bán được tài sản.

Đồng thời, VAMC đề nghị được vận dụng và quy định tương tự như trường hợp giảm giá bán đấu giá tài sản tại Điều 104 Luật Thi hành án... Những đề xuất trên của VAMC nhận được sự đồng tình của các chuyên gia NH. Thay vì chờ đợi Quốc hội sửa từng luật một, trước mắt các chuyên gia kiến nghị ban hành một luật riêng cho VAMC, hoặc ít nhất là tiếp tục tăng thêm quyền năng mạnh hơn nữa cho VAMC, nhất là trong vấn đề xử lý tài sản bảo đảm.

Có như vậy, thì mới xử lý nhanh, triệt để được nợ xấu. “Nếu không vấn đề này sẽ kéo dài, mất nhiều thời gian và tiền bạc cho cả nền kinh tế, chứ không riêng gì ngành NH”, một chuyên gia khẳng định.

Có thể bạn quan tâm