Muôn vẻ M&A bất động sản: Hải Phát và những ngọt đắng trong các thương vụ M&A

Thông qua hoạt động mua bán (M&A) dự án bất động sản, nhiều doanh nghiệp đã tạo lập được quỹ đất lớn để phát triển trong dài hạn. Trong số các doanh nghiệp tích cực trên thị trường M&A, thì Hải Phát l
Muôn vẻ M&A bất động sản: Hải Phát và những ngọt đắng trong các thương vụ M&A

Lên nhờ M&A, xuống vì M&A

Hải Phát gia nhập thị trường từ cuối năm 2003 với số vốn điều lệ ban đầu vỏn vẹn 8 tỷ đồng. Bốn năm sau, vốn điều lệ của Hải Phát mới chỉ tăng lên 15 tỷ đồng. Thế nhưng, đến năm 2008, Hải Phát bất ngờ tăng vốn lên 300 tỷ đồng, đồng thời công bố triển khai một loạt dự án bất động sản lớn, trong đó đáng kể là Tổ hợp thương mại, dịch vụ và căn hộ The Pride, thuộc Khu đô thị An Hưng (Hà Đông).

Đến cuối năm 2010, đầu năm 2011, lúc thị trường bất động sản bước vào giai đoạn "nóng bỏng" nhất, Hải Phát tiếp tục tăng vốn điều lệ lên 750 tỷ đồng và công bố triển khai nhiều dự án với tổng diện tích lên tới hàng trăm héc-ta, như Dự án Khu đô thị Tân Tây Đô, Khu nhà ở Phú Lãm, Khu đô thị mới Tây Nam An Khánh…

Thời điểm đó, thông tin không được công khai quá nhiều, nhưng giới thạo tin địa ốc cho biết, đây đều là các dự án được Hải Phát mua lại một phần của các chủ đầu tư khác.

Tuy nhiên, việc đầu tư đồng loạt nhiều dự án, nên khi thị trường bất động sản suy thoái năm 2012-2013, Hải Phát đã lâm vào khó khăn. Các dự án mà đơn vị này đầu tư bắt đầu rơi vào cảnh đình trệ giống như hàng loạt công ty địa ốc khác. Tòa HH-B Tân Tây Đô và Tòa CT3 The Pride có thời điểm phải tạm ngừng thi công một thời gian, khách hàng mất niềm tin, tranh chấp.

Trước thế khó khăn, Hải Phát phải bán dự án Đại Thanh cho Mường Thanh, một phần lớn CT2A - Tân Tây Đô; hay bán cả đất vàng 36 Phạm Hùng cho FLC. Chính nhờ việc “bán máu” này, Hải Phát mới cân đối được dòng tiền và trụ qua khủng hoảng.

Sau đó, cùng với việc “giải cứu” thành công dự án ở phân khúc trung bình Tân Tây Đô khi có gói 30.000 tỷ đồng, Hải Phát được MBBank “bơm” 530 tỷ đồng vào thời điểm thị trường xuống thấp nhất, đã giúp cho công ty này hoàn thành và bàn giao cả hai dự án Tân Tây Đô và The Pride.

Trở lại, nhưng có vững?

Được đà đi lên, khi thị trường hồi phục trở lại từ cuối 2014, Hải Phát nhanh chóng chiếm ưu thế trên thị trường nhà trung cấp, triển khai thành công CT3 The Prise và bàn giao nhà cho cư dân trước thời hạn.

Cuối tháng 10/2015, Hải Phát “đi săn” trở lại khi thâu tóm Dự án HPC Landmark 105; bỏ ra 700 tỷ đồng để mua lại quyền khai thác 35% dự án Khu đô thị Phú Lương (Hà Đông); đấu giá thành công 7.200 m2 đất tại Vạn Phúc (Hà Đông) để phát triển khu nhà shophouse; khởi công dự án Hải Phát Plaza; đầu tư vào một loạt dự án như Khu đô thị sinh thái Đồng Quang, Khu đô thị Tây Nam An Khánh, A7 Trung Yên và đặc biệt là thâu tóm dự án đình đám một thời Usilk City.

Chưa dừng lại ở đó, cùng thời điểm trên, Hải Phát tiếp tục chi hơn 200 tỷ đồng để mua hơn 10 triệu cổ phần của Cienco 5 thông qua đấu giá, chiếm 23% vốn cổ phần Cienco 5. Thương vụ này được đồn đoán là bước cần thiết để Hải Phát đi đến cái đích là dự án Khu đô thị Thanh Hà - Cienco 5 (Hà Đông, Hà Nội).

Tuy nhiên, ngay sau khi Hải Phát công bố nắm giữ Cienco 5, thì Tập đoàn Mường Thanh bất ngờ công bố sở hữu 95% cổ phần tại Công ty cổ phần Phát triển địa ốc Cienco 5 (Cienco Land), đơn vị triển khai dự án Thanh Hà - Cienco 5. Diễn biến bất ngờ này khiến sau đó nhóm cổ đông mới của Cienco 5 (trong đó có Hải Phát) muốn ra yêu cầu đòi lại 49% cổ phần vốn tại Cienco 5 Land, với lý do, việc tăng vốn của Cienco 5 Land trước đây là không đúng quy định, nhằm giành lại quyền lợi trong dự án lớn hiện nay đang do Mường Thanh sở hữu.

Tuy nhiên, việc này sau đó đã không thể thực hiện được và Hải Phát, cùng nhóm cổ đông mới đành phải "ngậm ngùi" nhìn dự án Thanh Hà - Cienco 5 rơi vào tay đối thủ.

Rắc rối với việc đòi lại quyền lợi của tại dự án Cienco 5 Thanh Hà không thành công, việc Hải Phát và nhóm cổ đông mới thâu tóm Cienco 5 còn được cho là vi phạm quy định Luật Doanh nghiệp, Nghị định 59/2011/NĐ-CP của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần và điều lệ công ty. Vụ việc sau đó đã có ý kiến của Bộ Giao thông - Vận tải về việc yêu cầu hoàn trả tình trạng Cienco 5 về trước thời điểm 11/3/2016.

Trong khi đó, theo Quyết định số 278/QĐ-KTNN ngày 6/3/2017, Kiểm toán Nhà nước ban hành quyết định kiểm toán việc quản lý và sử dụng đất khu đô thị trên địa bàn TP. Hà Nội giai đoạn 2013 - 2016. Một trong những dự án “lọt” danh sách kiểm tra đối chiếu của Kiểm toán Nhà nước về việc quản lý và sử dụng đất là Dự án đầu tư xây dựng tổ hợp thương mại, dịch vụ và căn hộ cao cấp Hải Phát Plaza (phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).

Trở lại thương vụ đình đám mới nhất của Hải Phát thời gian gần đây là dự án Usilk City. Cuối tháng 3/2017, TP. Hà Nội đã ra Quyết định 1983/QĐ-UBND cho phép Công ty cổ phần Sông Đà Thăng Long chuyển nhượng tòa CT2-105 thuộc lô đất CT2 Dự án Usilk City cho Hải Phát. Tuy nhiên, trong thương vụ này, Hải Phát được cho là "tiền trảm hậu tấu" và vi phạm một số quy định pháp luật khi ký hợp đồng chuyển nhượng dự án khi chưa được UBND TP. Hà Nội phê duyệt.

Ngoài ra, theo nguồn tin của Báo Đầu tư Bất động sản, sau thời điểm ký hợp đồng chuyển nhượng 10 ngày (tức ngày 24/10/2015), Sông Đà Thăng Long và Hải Phát mới tổ chức lấy ý kiến của khách hàng có liên quan về việc chuyển nhượng tòa CT2-105. Dù mới chỉ có phân nửa chủ căn hộ mà Sông Đà Thăng Long đã bán trước khi chuyển nhượng dự án CT2-105 cho Hải Phát đồng ý chuyển nhượng dự án, nhưng Hải Phát và Sông Đà Thăng Long cho biết, 100% khách hàng tham dự đồng ý.

Theo đánh giá của một số môi giới kinh nghiệm, việc Hải Phát tham gia mua lại Usilk City mang lại cơ hội hồi sinh mới cho dự án này. Tuy nhiên, bản thân Hải Phát sẽ phải giải quyết rất nhiều việc nếu muốn đưa dự án về đích. Việc đổi tên dự án thành Roman Plaza mới chỉ là một bước để tái khởi động dự án, chứ chưa thể đảm bảo được dự án có thực sự "đắt sô" sau khi tái khởi động hay không, bởi còn rất nhiều vướng mắc trong việc giải quyết quyền lợi người mua nhà cũ tại dự án này.

Chưa kể, đổ vốn mới vào, Hải Phát cũng sẽ phải thay đổi thiết kế, công năng sử dụng sao cho phù hợp với xu thế thị trường. Đây không phải là bài toán dễ dành cho một dự án có quy mô như Usilk City.

Theo Trang Ninh/ĐTBĐS

Có thể bạn quan tâm