Năm 2017: Năm của các nhà đấu giá nghệ thuật và những phiên đấu giá tiền tỷ

Năm 2017- có thể đánh dấu sự bùng nổ của thị trường hội họa Việt Nam do sự xuất hiện của các nhà đấu giá bắt đầu lên sàn. Tín hiệu này khiến cho thị trường tranh Việt trở nên khởi sắc, sôi động, và hứ
Năm 2017: Năm của các nhà đấu giá nghệ thuật và những phiên đấu giá tiền tỷ

Thị trường tiềm năng còn đang “ngủ”

Những năm 90 của thế kỷ 20, được coi là thời kỳ hoàng kim của các hội họa Việt Nam sau thời kỳ đổi mới và sau những cây đại thụ Sáng, Nghiêm, Liên, Phái. Sự mở cửa khiến cho thị trường hội họa những năm 90 bùng nổ, tấp nập, và ồn ào. Một số họa sĩ vẽ không kịp bán. Theo nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng: “Các họa sĩ được ngợi khen, khích lệ, mà thành quả là những đồng đô la xanh ngọt ngào và quyến rũ”, một loạt các họa sỹ rất thành công cả về kinh tế và tên tuổi. Hội họa của họ tuôn chảy và ngôn ngữ được trải nghiệm, đánh giá thông qua Gallery rồi tới khách.

Và rồi giai đoạn hoàng kim đó qua nhanh. Đến giai đoạn… “đóng băng”, đầy khó khăn của hội họa Việt Nam khi kinh tế suy thoái. Các Gallery trước kia được mùa, gần đây cũng đã không còn nhiều Gallery hoạt động có hiệu quả nên đã đóng cửa dần. Cho tới 5 năm gần đây, các nghệ sĩ bắt đầu tự chuyển mình, thay đổi cách tiếp cận với người yêu hội họa, nhà sưu tập, thông qua các cuộc triển lãm, trưng bày, bảo tàng, và các cuộc giao lưu nghệ thuật. Nhiều nghệ sỹ sau những “cơn vật vã”, đã tự tìm đường, biết cách “tiếp thị” tác phẩm của mình với công chúng. Các nhà sưu tập Việt Nam thường xuyên ra nước ngoài đấu giá, và mua các tác phẩm (đa phần là các tác phẩm của các danh họa Việt Nam thời Đông Dương). Và việc thắng đấu giá, giữ lại cho Việt Nam các tác phẩm quý giá, không chỉ là niềm tự hào riêng của các nhân nhà sưu tập nào, mà đó còn là điều may mắn cho đất nước khi sở hữu được chúng.

Cho tới năm 2017- sự xuất hiện và phát triển khá mạnh mẽ của một số nhà đấu giá tranh như Lạc Việt, Lý Thị, Chọn Auction House khiến cho thị trường nghệ thuật của Việt Nam bỗng sôi động, náo nức, và rõ ràng, những hoạt động của các nhà đấu giá này mang tới một diện mạo mới, hơi thở mới đầy sức sống cho thị trường nghệ thuật. Từ ngày 1/7/2017, Luật Đấu giá tài sản có hiệu lực, các phiên đấu giá tác phẩm nghệ thuật liên tục được tổ chức làm tăng sự hấp dẫn, thu hút không chỉ giới nghệ thuật, hội họa, mà cả các nhà đầu tư, kinh doanh, đầu tư tài chính tại Việt Nam và nước ngoài. Theo khảo sát, ba nhà đấu giá Lạc Việt, Lythi’s, Chọn’s, trong năm 2017 có tổng giao dịch khoảng gần 30 tỷ đồng. Theo ông Vũ Tuấn Anh (Fouder Chọn), chỉ riêng Chọn, số tiền giao dịch năm 2017 khoảng 1 triệu USD, con số này quá khiêm tốn, trong một thị trường tiềm năng hàng chục tỷ đô như ở Việt Nam.

Theo họa sĩ Lương Xuân Đoàn, vừa qua, Bộ Văn Hóa Thể Thao và Du Lịch cũng đã rất quan tâm tới thị trường tranh, Gallery, bảo tàng, bảo tàng tư nhân. Đây là một động thái tốt, để nhà nước quan tâm chủ động, và có ý thức, cho dù sự quan tâm có là muộn nhưng còn hơn không. Nên xây dựng một thị trường tranh, gallery chuyên nghiệp và lành mạnh, nếu có sự cạnh tranh, cũng phải là sự cạnh tranh lành mạnh.”

Bên cạnh đó, ông cũng nhấn mạnh sự chống chếnh hiện nay của thị trường tranh Việt, khi chúng ta chưa dọn được sạch sẽ một thị trường lành mạnh, việc đầu tiên, không chỉ ở nước ta, mà còn là hiện tượng của thế giới, khi xuất hiện các tranh giả. Vì vậy, theo ông Lương Xuân Đoàn, việc xuất hiện các loại hình đấu giá nghệ thuật, là một việc hết sức can đảm. Nên làm sao tạo dựng được thị trường nội địa thực sự chuyên nghiệp, lành sạch là một thử thách lớn với các doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam.

Thẩm định tranh trở thành vấn đề thách thức nhất

Người ta trở nên e dè trước các thông tin tranh phiên bản ở Việt Nam có tỷ lệ quá cao. Thẩm định tranh thật – giả đang trở nên một vấn đề thách thức nhất hiện nay. Trên tờ New York Time ngày 11/8/2017 giật title: “Tranh Việt Nam đang nổi tiếng hơn bao giờ hết, nhưng thị trường lại tràn ngập tranh giả” của tác giả Richard C.Paddock. Theo tác giả, ngay cả bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam ở Hà Nội, từ lâu cũng đã không chắc chắn liệu bức nào trong số những bức tranh quý giá của họ là bản sao, và bức nào là thật.

Ngay cả trên sàn quốc tế như Chiristie’s và Sotheby’s cũng gây bão với một số tranh Việt mà 2 nhà này đấu giá như bức tranh “Mơ về một ngày mai” (Dream of the follwing day) của Christie’s – tác phẩm được cho là do danh họa Tô Ngọc Vân vẽ những năm 1940, có giá 45.000 USD, nhưng các chuyên gia Việt Nam cho rằng, bức này có thể là bản sao bức The Young Beggar và con trai danh họa cũng khẳng định 100% bức tranh đó không phải là tác phẩm của cha mình. Hay như chiều 30/9/2017, tại phiên đấu giá Nghệ thuật hiện đại và đương đại diễn ra tại Nhà Sotheby’s Hồng Kong với 74 bức tranh, trong đó, có 3 bức là của họa sĩ Việt Nam gồm bức “La Famile” của họa sĩ Đông Dương Lê Phổ (giá 4.1 triệu đô la Hongkong), “A family of deer in a forest” của họa sĩ Phạm Hậu (1.5 triệu đô la HK), “Paysage” của họa sĩ Nguyễn Gia Trí (3 triệu đô la HK). Điều đáng chú ý là cộng đồng họa sĩ VN đã xôn xao trước nghi vấn cả 3 tác phẩm trên đều là giả và có nhà sưu tập đã gửi thư cảnh báo cho nhà Sotheby’s về các bức tranh trên nhưng không nhận được câu trả lời, và cả ba bức tranh trên đều đã bán được.

Tác phẩm tự họa của Bùi Giáng - Lythi's

Quay lại thị trường nội địa, khi các nhà đấu giá Việt đang ngày càng nỗ lực phát triển, làm sao người Việt bán tác phẩm Việt được tin tưởng, để các nhà đầu tư, sưu tập, không cần phải ra nước ngoài mua nữa, làm sao để niềm tin đặt trọn vẹn vào nhà đấu giá, đó là điều thách thức tiếp theo mà các nhà doanh nghiệp đấu giá Việt cần phải đạt tới.

Nếu như nhà Lythi’s mạnh về cách tổ chức chuyên nghiệp, ngay tháng 1/2018 đã đấu giá thành công với các tác phẩm của các tới các danh họa Đông Dương và các tác giả thành danh ở Miền Nam như Vũ Cao Đàm, Lê Phổ, Bùi Giáng, Nguyễn Trung, Đinh Cường, Ngô Viết Thụ, Nguyễn Quỳnh, Hồ Hữu Thủ, Uyên Huy, Dương Sen… 9/26 tác phẩm đấu giá thành công, đạt tổng trị giá lên tới 148.800 USD. Trong đó: vị trí cao nhất thuộc tác phẩm “Tĩnh vật hoa” của họa sĩ Lê Phổ vẽ năm 1955, lot 24 với 54.000 USD. Bức sơn dầu Idylle (Vũ Cao Đàm vẽ năm 1969) với 33.500 USD. Tranh sơn dầu Thiếu nữ và hoa sen (20.000 USD).

Nhà Chọn’s nổi tiếng với các phiên đấu giá khá chuyên nghiệp ở miền Bắc với các chủ đề Trí – Lân – Vân- Cẩn và Nghiêm – Liên – Sáng – Phái, các tác phẩm của 8 tác giả hàng đầu Việt Nam từ thời kỳ đầu nghệ thuật hiện đại. Con số giao dịch 1 triệu USD cho năm 2017- cho dù là còn nhỏ so với tiềm năng của thị trường, nhưng nó là tiền đề cho mọi sự khởi đầu đầy hy vọng. Trong tháng 1/2018 cũng có phiên đấu giá mở đầu năm mới với bộ sưu tập 32 bức tranh của họa sĩ Phạm Lực. Đây là phiên đấu giá thứ 10 của Chọn’s và năm 2018 hứa hẹn một năm với nhiều kế hoạch, nhiều phiên đấu giá có giá trị, chất lượng của Chọn’s.

Theo nhà sưu tập Nguyễn Minh – người tham gia gần như nhiều nhất các cuộc đấu giá tranh tại nước ngoài, và ông đã đấu giá thắng nhiều tác phẩm có giá trị cho rằng: các nhà đấu giá Việt nên học hỏi, tham khảo nhiều phiên đấu giá quốc tế, để tạo cho mình những sàn đấu chuyên nghiệp, uy tín, chất lượng. Sao cho nhà đầu tư tin tưởng gửi gắm tác phẩm của mình để giao dịch, hoặc tới mua bán trao đổi các tác phẩm phải là gốc. Chính vì vậy, việc để nhà đấu giá trở thành một bên trung gian khách quan, uy tín, chất lượng và sạch, hay nói đúng hơn, để tranh Việt có một trị trường sạch, sàn sạch, người mua… sạch, và cả tác giả sạch, tác phẩm sạch… thì cần tới chính tâm tín của tất cả các bên. Làm sao để những sàn đấu giá nghệ thuật nội địa phát triển mạnh mẽ, chuyên nghiệp, để “nước lên, thuyền lên”… khiến cho nhu cầu thưởng thức, hoặc đầu tư nghệ thuật phát triển là sự góp phần lành mạnh cho các chủ thể, cá nhân, và cả nền kinh tế xã hội nước nhà!

Từ ngày 1/7/2017, Luật Đấu giá tài sản có hiệu lực, các phiên đấu giá tác phẩm nghệ thuật liên tục được tổ chức làm tăng sự hấp dẫn, thu hút không chỉ giới nghệ thuật, hội họa, mà cả các nhà đầu tư, kinh doanh, đầu tư tài chính tại Việt Nam và nước ngoài. 

Lam Tuệ

Có thể bạn quan tâm