Năm 2019, Vàng bạc đá quý Phú Nhuận đặt mục tiêu lãi 1.000 tỷ đồng sau thuế

Năm 2018, Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) ghi nhận doanh thu thuần 14.571 tỷ đồng, tăng 33%, lợi nhuận trước thuế 1.206 tỷ đồng, tăng 33% so với năm trước đó.
Năm 2019, Vàng bạc đá quý Phú Nhuận đặt mục tiêu lãi 1.000 tỷ đồng sau thuế

PNJ đặt kế hoạch doanh thu thuần năm 2019 là gần 18.208 tỷ đồng, tăng trưởng 25%.

Ngày 20/4, Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận đã tổ chức Đại hội cổ đông thường niên 2019 với nhiều nội dung được thông qua.

Tăng vốn điều lệ lên 2.253 tỷ đồng

Với những kết quả đạt được trong năm 2018, PNJ đặt kế hoạch doanh thu thuần năm 2019 là gần 18.208 tỷ đồng, tăng trưởng 25%. Trong đó, mảng trang sức bán lẻ là 10.225 tỷ đồng, chiếm khoảng 56% doanh thu của PNJ.

PNJ cũng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế kế hoạch tăng 23% so với năm 2018 lên mức 1.480 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế gần 1.182 tỷ đồng, cao hơn 23% so với kết quả năm trước. Nếu đạt được con số này, đây là lần đầu tiên công ty có lãi sau thuế vượt 1.000 tỷ đồng.

Từ lợi nhuận sau thuế thu về 959 tỷ đồng, PNJ quyết định trích 329 tỷ đồng để chi trả cổ tức năm 2018 với tổng tỷ lệ 20%. PNJ tạm ứng 2 đợt cổ tức trước đó với tổng tỷ lệ 18% và dự kiến chi trả đợt 3 với tỷ lệ 2%/mệnh giá (số tiền khoảng 33,4 tỷ đồng).

Cũng tại Đại hội, PNJ đã trình cổ đông thông qua phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu. Số lượng dự kiến phát hành là 55,67 triệu cổ phiếu, qua đó tăng vốn điều lệ lên 2.227 tỷ đồng.

Tỷ lệ phát hành là 3:1 (cổ đông sở hữu 3 cổ phiếu sẽ được nhận thêm 1 cổ phiếu mới). Nguồn vốn phát hành từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại thời điểm 31/12/2018. Thời điểm phát hành trong năm 2019 sau khi UBCKNN chấp thuận việc phát hành.

Bên cạnh việc phát hành thưởng 33% trên, công ty còn trình phương án phát hành cổ phiếu cho lãnh đạo chủ chốt của PNJ và công ty con.

Tổng khối lượng phát hành cho lãnh đạo chủ chốt là 2,226 triệu cổ phiếu với giá phát hành là 20.000 đồng/cp.

Ngoài ra, PNJ cho biết ông Robert Alan Willet, thành viên HĐQT độc lập của PNJ, mặc dù chưa đủ điều kiện thâm niên nhưng có nhiều đóng góp nên sẽ phát hành cho ông 400.000 cổ phiếu với giá chiết khấu 25% so với giá đóng cửa bình quân 10 phiên giao dịch liên tiếp.

Với 2 phương án phát hành trên, vốn điều lệ của PNJ dự kiến sẽ tăng từ 1.670 tỷ lên 2.253 tỷ đồng.

Sẽ luôn làm mới mình

Theo bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT PNJ,  trước sự canh tranh gay gắt của thị trường hiện nay, PNJ luôn cần tiếp tục làm mới mình.

Cụ thể, PNJ sẽ xây cao và vững chắc hơn nữa vị trí các thị trường cấp 1, mở rộng vị trí tại thị trường cấp 2, cấp 3 trên toàn quốc. Đồng thời, tiếp tục phát triển các mảng kinh doanh cốt lõi, kiểm soát chi phí, tăng năng suất và hiệu quả hoạt động.

Bên cạnh đó, DN này cũng tăng tốc việc tiến hoá năng lực nguồn quản trị, tiếp tục đầu tư có trọng điểm nâng cao năng lực công nghệ, đẩy mạnh việc tiến hoá năng lực marketing, nâng cao năng lực quản trị bán lẻ, bên cạnh việc nâng cao lợi thế về quản trị sản xuất, chuỗi cung ứng, quản trị chiến lược, công nghệ…

Còn ông Lê Trí Thông – Tổng giám đốc PNJ chia sẻ, trong thời gian tới, bên cạnh mô hình truyền thống, PNJ sẽ tiếp tục tinh chỉnh và mở thêm một số mô hình PNJ Next.

Theo đó, bên cạnh trang sức, PNJ đang trong giai đoạn đầu đưa sản phẩm đồng hồ vào danh mục kinh doanh. Điển hình là đầu năm 2019, PNJ đã khai trương cửa hàng quy mô lớn đầu tiên kinh doanh cả đồng hồ và trang sức mang tên PNJ Next tại Q.1, TP.HCM.

Với chiến lược phát triển dài hạn, PNJ tiến tới đa dạng hóa sản phẩm, tìm kiếm thêm nhà nhập khẩu từ bên ngoài. Tiếp tục mở rộng sản xuất, để nâng cao kỹ thuật và công nghệ. Do đó, chi phí sản xuất và hiệu quả hoạt động trong sản xuất cũng như trong bán hàng phải được nâng cao.

Trong năm 2019, PNJ sẽ tiếp tục mở thêm 40 cửa hàng, nâng tổng số cửa hàng lên 364. DN này cũng sẽ xây dựng trụ sở mới tại 577 Nguyễn Kiệm, Phú Nhuận, TP.HCM. Dự kiến đến giữa năm nay, tòa nhà sẽ là khu bán hàng cho khách du lịch và trụ sở văn phòng.

Có thể bạn quan tâm