Năng lực cạnh tranh quốc gia nhìn từ doanh nghiệp

Muốn tạo nên một lợi thế cạnh tranh khác biệt cho quốc gia, sẽ cần đến chiến lược hành động ở cấp quốc gia và đến từng DN.
Năng lực cạnh tranh quốc gia nhìn từ doanh nghiệp

Năng suất và năng lực – cách nhìn mới

Theo báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 2016-2017 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, mặc dù điểm năng lực cạnh tranh (GCI) năm 2016 được 4,31 - nhỉnh hơn so với 4,3 năm 2015, Việt Nam vẫn bị tụt hạng từ vị trí 56/140 năm 2015 xuống vị trí 60/138 năm 2016. Ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng thứ 6, sau Singapore (2), Malaysia (25), Thái Lan (34), Indonesia (41) và Philippines (57).

Được đánh giá là một trong những quốc gia có năng suất lao động thấp, trong nhiều năm qua, Việt Nam cạnh tranh chủ yếu dựa trên giá lao động rẻ và chi phí nguyên liệu thấp (yếu tố cơ bản)- là yếu tố dẫn dắt năng lực cạnh tranh ít quan trọng nhất. Việc dựa vào lợi thế lao động giá rẻ và chi phí thấp trong một thời gian dài đã khiến các doanh nghiệp lơ là trong việc nâng cao khả năng hoạch định chiến lược, trình độ quản trị, đẩy mạnh áp dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất, kinh doanh, cải thiện tay nghề lao động và tăng cường hiệu quả sử dụng vốn, dẫn đến kết cục là năng suất của lao động Việt Nam ngày càng thấp hơn so với các nước trong khu vực. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực cạnh tranh của Việt Nam.

Chúng ta nói mỗi gia đình là một tế bào của xã hội. Vậy, mỗi doanh nghiệp là một tế bào của nền kinh tế và năng lực cạnh tranh của mỗi doanh nghiệp là một tế bào của cao năng lực cạnh tranh quốc gia”, ông Nguyễn Quang Vinh phân tích.

Từ đó, ta có thể nhận thấy để nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất của lao động Việt Nam cần được cải thiện. Việc tăng năng suất phải là một chiến lược kết hợp ở cấp doanh nghiệp và cấp quốc gia. Nghĩa là, bên cạnh sự nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ban ngành nhằm cải thiện môi trường kinh doanh thì nội lực của cộng đồng doanh nghiệp và của từng doanh nghiệp như: hoạch định chiến lược, năng lực quản trị, nâng cao năng suất, xây dựng thương hiệu, áp dụng khoa học công nghệ, thực hiện trách nhiệm xã hội doanh nghiệp (TNXHDN) đóng vai trò tiên quyết trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh.

Không để DNNVV đứng ngoài cuộc chuyển đổi

Trong khi các thương hiệu ngoại bắt đầu xâm nhập ào ạt vào VN, số lượng DNVN có thể cạnh tranh hiệu quả ở cả thị trường trong nước lẫn nước ngoài là khá hạn chế.  Chúng ta dễ dàng nhận thấy chỉ có một số DN, tập đoàn lớn và sở hữu các sản phẩm có thương hiệu mạnh như: Bảo Việt, Viettel, TBS, Saigontourist, Bitis, Cà phê Trung Nguyên… đủ sức trụ vững trên thị trường. Vậy, thành công của họ bắt nguồn từ đâu?

Bảo Việt là một tập đoàn tài chính, bảo hiểm ở Việt Nam. Đối với Bảo Việt, phát triển bền vững là một trong những mục tiêu chiến lược, không chỉ được gắn kết chặt chẽ trong chiến lược kinh doanh mà còn được hiện thực hóa trong các hoạt động thực tiễn hàng ngày. Vừa qua, Bảo Việt được vinh danh với giải nhất Báo cáo tích hợp xuất sắc nhất Châu Á 2016 và Giải đặc biệt Báo cáo phát triển bền vững tốt nhất Châu Á 2016. Đây là sự ghi nhận những nỗ lực của Bảo Việt nhằm lan tỏa các giá trị bền vững tới cộng đồng, thúc đẩy kinh doanh bền vững được thể hiện thông qua Báo cáo phát triển bền vững đã được các nhà thẩm định quốc tế ghi nhận và phản ánh trong giải báo cáo bền vững tốt nhất châu Á năm 2016. Điều này góp phần nâng tầm uy tín trong việc cam kết kinh doanh bền vững của Bảo Việt và các doanh nghiệp Việt trên thị trường khu vực.

Một đại diện tiêu biểu của DN Việt Nam trong lĩnh vực viễn thông là Viettel. Với sự hiện diện tại 10 nước ở 3 châu lục (Á, Phi, Mỹ), Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel là một trong những minh chứng rõ ràng nhất cho năng lực hội nhập mạnh mẽ của DN Việt. Gần đây, Viettel được đánh giá xếp hạng là thương hiệu viễn thông lớn nhất Việt Nam, TOP 5 thương hiệu viễn thông hiệu quả nhất ASEAN và lọt vào TOP 100 thương hiệu viễn thông lớn nhất thế giới với giá trị thương hiệu đạt ngưỡng 1 tỷ USD. Đây là kết quả xứng đáng của Viettel cho chiến lược đầu tư thông minh, sáng tạo, năng lực quản trị, cân đối chi phí đầu tư, áp dụng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông tốt nhất và phát triển dài hạn.

Trong khi những DN, tập đoàn lớn vẫn đang tiếp tục xây dựng thương hiệu mạnh mẽ, vươn xa khỏi biên giới Việt Nam và gặt hái nhiều thành công thì nhiều DN ở Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc xác định chiến lược kinh doanh dài hạn, thiếu vốn, khả năng áp dụng công nghệ, trình độ quản trị và năng suất lao động kém. Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2015 số lượng DN giải thể phần lớn là những DN có quy mô vốn đăng ký nhỏ dưới 10 tỷ đồng, với tỷ lệ 93,68%. Tệ hơn nữa là nhiều DN nhỏ có tư duy kinh doanh manh mún, chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt mà quên đi việc phát triển bền vững trong dài hạn.

Nhận thức về các khái niệm kinh doanh như phát triển bền vững và việc thực hiện trách nhiệm xã hội DN (CSR) của các DN Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Trong khi các DN lớn, DN đa quốc gia đã thẩm thấu và đưa ra những giải pháp kinh doanh vừa tốt cho DN và xã hội thì các DNVN trong đó phần lớn là DNVVN vẫn đang loay hoay ở những bước đầu tiên trên con đường thực hiện CSR. Nhiều DN sa đà vào những hoạt động từ thiện, quyên góp… không thể hiện đúng tinh thần của TNXHDN.

Làm sao để cộng đồng DN Việt Nam bao gồm cả những DNNVV có thể năng cao năng lực cạnh tranh và năng suất lao động? Lời giải cho câu hỏi bức thiết này nằm ở việc chúng ta có đủ quyết tâm chính trị và có đủ mạnh mẽ trong thực thi cam kết Chính phủ kiến tạo và phát triển hay không? Xét đến cùng, vấn đề năng suất và năng lực của một doanh nghiệp và rộng hơn là cả quốc gia đòi hỏi cách tiếp cận thực chất, để rút ngắn chặng đường từ cam kết đến hành động. 

Nguyễn Quang Vinh
Tổng thư ký Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững Việt Nam (VBCSD)

Có thể bạn quan tâm