Ngân hàng cơ cấu nợ, giảm lãi vay cho doanh nghiệp "cầm cự" qua dịch Covid-19

Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay nhằm hỗ trợ hàng chục nghìn doanh nghiệp, hộ kinh doanh chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú trao đổi về các giải pháp hỗ trợ với thiệt hại do COVID-19. Ảnh:VGP/Huy Thắng.
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú trao đổi  về các giải pháp hỗ trợ với thiệt hại do COVID-19. Ảnh:VGP/Huy Thắng.

Chiều nay (12/3), Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức họp báo thông tin về việc ban hành Thông tư quy định cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh vượt qua giai đoạn dịch bệnh Covid-19 bùng phát. Thông tư này sẽ có hiệu lực từ ngày 13/3/2020. 

Cụ thể, Thông tư quy định, nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ là số dư nợ gốc và/hoặc lãi (bao gồm cả số dư nợ của các khoản nợ thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 55/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (đã được sửa đổi, bổ sung) đáp ứng đủ các điều kiện gồm: nợ phát sinh từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính; Phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2020 đến ngày liền sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch Covid-19.

Khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi do sụt giảm doanh thu thu nhập bởi dịch bệnh Covid-19.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, từ khi bắt đầu có dịch Covid-19, Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều biện pháp, khẩn trương chỉ đạo đối phó với dịch bệnh, đánh giá tình hình và có hướng chỉ đạo hỗ trợ cho các doanh nghiệp, cá nhân...

Hệ thống các tổ chức tín dụng đã nhanh chóng vào cuộc rất tích cực trên tinh thần đồng hành, chia sẻ cùng doanh nghiệp, thể hiện bằng việc nhiều ngân hàng đã chủ động giảm lãi suất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Đây là hành động thể hiện trách nhiệm cộng đồng thay cho việc ngân sách bỏ ra chi phí hỗ trợ cho doanh nghiệp, cũng là sự chia sẻ của ngành ngân hàng đối với khó khăn của doanh nghiệp.

“Dịch chưa kết thúc nên hiện giờ chưa thể nói khó khăn mà doanh nghiệp cụ thể là bao nhiêu, mà chỉ là con số ước tính đến thời điểm hiện tại”, ông Tú nói, cho biết, việc cơ cấu lại nợ đến hạn của doanh nghiệp gặp khó khăn là chính sách quan trọng và cấp thiết nhất hiện nay. Ngân hàng thương mại đã miễn giảm lãi và phí, thậm chí có ngân hàng miễn phí hoàn toàn phí thanh toán, giao dịch. Đây là sự đồng hành chia sẻ rất lớn của ngành ngân hàng đối với các doanh nghiệp giúp vượt qua đại dịch.

Bên cạnh đó,  với chủ trương, tinh thần chỉ đạo của Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp trong dịch bệnh, ông Đào Minh Tú cho hay Ngân hàng Nhà nước đã tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chủ động cơ cấu, gia hạn các khoản nợ, miễn giảm lãi suất, phí đối với các đối tượng bị thiệt hại do dịch Covid-19. Là người quyết định cho vay, các TCTD nắm rõ nhất việc cơ cấu như thế nào, tác động tới các kế hoạch tài chính của ngân hàng và các vấn đề khác liên quan. Đây cũng là điểm khác biệt so với các chính sách của NHNN trong thời gian trước đây, cụ thể hướng dẫn mới có quy định linh hoạt và đồng bộ hơn gói hỗ trợ cấp bù lãi suất hồi năm 2009.

Tuy nhiên, Thông tư đặt ra vấn đề cần đúng đối tượng, cần tránh các câu chuyện liên quan đến lợi dụng, sai chính sách từ cả doanh nghiệp và ngân hàng. Mặc dù phân quyền cho các TCTD trong việc hỗ trợ, các đơn vị của Ngân hàng Nhà nước sẽ có trách nhiệm trong việc thanh tra, giám sát, xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình các TCTD thực hiện, điều này thể hiện ở Điều 8 trong Thông tư.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, dư nợ tín dụng toàn hệ thống chỉ tăng 0,1% trong 2 tháng đầu năm, thấp hơn mức tăng 0,85% của cùng kỳ năm trước.

Theo báo cáo từ 23 tổ chức tín dụng gửi lên Ngân hàng Nhà nước, hiện có 926.000 tỷ đồng dư nợ cho vay đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, dẫn đến trả nợ không đúng hạn, chiếm tỷ lệ hơn 14,27% tổng dư nợ của 23 tổ chức này và chiếm 11% dư nợ toàn hệ thống.

Trong đó, dịch bệnh đã ảnh hưởng nặng nề nhất tới các ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản, doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu, dịch vụ lưu trú, ăn uống, thực phẩm, đồ uống, vận tải, dệt may, da giày, điện tử, điện lạnh, dầu khí, du lịch, giáo dục… Hệ thống tổ chức tín dụng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Trong thời gian qua, cơ quan điều hành cũng nhận được nhiều văn bản, đơn từ của các hiệp hội như Hiệp hội Vận tải, Hiệp hội Da giày, Tập đoàn Dệt may, Tập  đoàn xi măng… đề nghị tháo gỡ cho doanh nghiệp.

Kết quả bước đầu cho thấy, các ngân hàng đã bước đầu xem xét cơ cấu lại 21.753 tỷ đồng cho các doanh nghiệp khó khăn; miễn giảm lãi vay cho 8.000 khách hàng; đang xem xét giảm lãi vay cho 34.500 khách hàng với dư nợ 85.000 tỷ đồng.

Bàn về giải pháp trong thời gian tới, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết “Ngân hàng nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến và tác động dịch để triển khai điều hành tín dụng phù hợp thực tế. Chúng tôi chỉ đạo các tổ chức tín dụng quyết liệt hỗ trợ khách hàng vay vốn, tháo gỡ khó khăn, giảm thiệt hại do Covid-19”.

Có thể bạn quan tâm