Ngân hàng được lợi khi giải quyết tranh chấp bằng trọng tài

Với lĩnh vực tài chính ngân hàng, việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài sẽ tạo được nhiều lợi thế cũng như khả năng nắm chắc phần thắng hơn cho DN, các tổ chức tín dụng.
Ngân hàng được lợi khi giải quyết tranh chấp bằng trọng tài

Ngày 6/6, tại Hà Nội, Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) đã phối hợp với Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) thuộc Ngân hàng Thế giới tổ chức hội thảo: Những cơ hội và thách thức khi giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực tài chính ngân hàng thông qua hòa giải và trọng tài để làm rõ hơn về vấn đề trên.

Hòa giải thương mại đang trở thành một phương thức giải quyết tranh chấp được ưa chuộng trên thế giới. Việc giải quyết tranh chấp thương mại tại tòa án luôn ở trong tình trạng quá tải, dẫn đến tăng số lượng vụ án tồn đọng (theo báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao: Số lượng tranh chấp thương mại được giải quyết bằng trọng tài chỉ chiếm chưa đến 1% số lượng các tranh chấp thương mại).

Phát biểu tại Hội thảo, ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) nhấn mạnh, vấn đề xử lý nợ xấu đang được xem là “cục máu đông” trong hệ thống tuần hoàn không khoẻ mạnh. Vì thế, phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài sẽ giúp các DN, tổ chức tín dụng giải quyết khối nợ xấu khổng lồ, giúp cho việc thu hồi nhanh những khoản nợ hiện tại và trong tương lai.

Theo Luật sự Trương Thanh Đức, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế ngân hàng cho biết, từ năm 2010 đến nay, phán quyết của trọng tài có hiệu lực y như bản án, tuy nhiên, việc đưa tranh chấp lên tòa án phải xếp lịch mới được xử lý vì quá tải. Riêng Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) đến nay đã có trên 6800 vụ. 1/8 trong số đó đã được giải quyết còn lại vẫn phải chờ giải quyết bởi bình quân tòa án phải mất 2-3 năm mới xử lý xong 1 vụ. Trong khi đó hòa giải thông qua trọng tài chỉ mất 5-6 tháng.

Bên cạnh đó, Luật sư Đức còn cho biết, phí trọng tài cao hơn tòa án nhưng có hạch toán rõ ràng. Tòa án khá chậm trễ, tốn kém, thậm chí có tiêu cực, chưa kể đế khả năng chuyên môn khi giải quyết các vụ tranh chấp có tính chất quốc tế.

Tại Hội thảo, Giáo sư Michael Hwang S.C., Cố vấn cao cấp và là thành viên của tổ chức Chartered Arbitrator, Singapore đã chia sẻ, tố tụng trọng tài có ưu điểm là cho phép các bên có cơ hội sử dụng các luật sư có kinh nghiệm về lĩnh vực ngân hàng ra quyết định về vụ việc, thay vì sử dụng thẩm phán của toà án quốc gia.

Đặc biệt, theo các chuyên gia tại hội thảo, việc ra đời của Nghị định 22/2017/NĐ-CP của Chính phủ về hòa giải thương mại đã mở thêm một cánh cửa để giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng; đồng thời quy định việc thành lập các trung tâm hoà giải, việc sử dụng hoà giải viên thương mại. Đây là Nghị định đầu tiên về hòa giải thương mại, có hiệu lực từ 15/04/2017.

Quy phạm pháp luật mới thể hiện rõ sự ủng hộ mạnh mẽ của Nhà nước từ phía Bộ Tư pháp trong việc giám sát và thúc đẩy hoà giải thương mại như một cơ chế giải quyết tranh chấp.

Theo Hương Dịu/ Báo Hải Quan

>> “Điểm nhãn” nợ xấu ngân hàng Sacombank

Có thể bạn quan tâm