Ngân hàng như thế nào sẽ phải chuyển giao bắt buộc?

Chỉ chuyển giao khi có tổ chức tín dụng, nhà đầu tư tự nguyện nhận chuyển giao, không mang tính chất ép buộc...
Ngân hàng như thế nào sẽ phải chuyển giao bắt buộc?

Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng đã quy định rõ hơn điều kiện để chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng.

Chuẩn bị kỳ họp thứ tư của Quốc hội sẽ khai mạc vào 23/10 tới, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vừa gửi đến các vị đại biểu báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật nói trên.

Hai điều kiện chuyển giao bắt buộc

Trước đó, tại phiên họp tháng 9/2017, phương án chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt là vấn đề khiến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội còn nhiều băn khoăn.

Yêu cầu được đặt ra tại phiên thảo luận là phải làm rõ điều kiện chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, chứ không thể chỉ nói chung chung có bao nhiêu phương án.

Trước nữa, khi thảo luận tại kỳ họp thứ ba của Quốc hội, một số ý kiến đề nghị quy định cụ thể, chặt chẽ cơ chế, điều kiện, đối tượng, tiêu chí chỉ định tổ chức nhận chuyển giao bắt buộc, đối tượng nhận chuyển giao bắt buộc chỉ là tổ chức tín dụng, nhà đầu tư hay cần quy định Nhà nước cũng đứng ra nhận chuyển giao bắt buộc trong một số trường hợp.

Tại báo cáo giải trình, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết đã tiếp thu những ý kiến trên, chỉ đạo rà soát toàn bộ các quy định về chuyển giao bắt buộc cả về điều kiện, trình tự thủ tục, nội dung phương án chuyển giao bắt buộc, biện pháp hỗ trợ...

Theo đó, dự thảo luật quy định hai điều kiện để chuyển giao bắt buộc: giá trị thực của vốn điều lệ và quỹ dự trữ ở mức âm; có tổ chức tín dụng, nhà đầu tư khác đề nghị nhận chuyển giao bắt buộc.

Trường hợp không có tổ chức tín dụng, nhà đầu tư khác đề nghị nhận chuyển giao bắt buộc; không xây dựng được phương án chuyển giao bắt buộc hoặc Chính phủ không phê duyệt phương án chuyển giao bắt buộc thì Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ quyết định chủ trương và thực hiện phương án phá sản như quy định tại luật này.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho biết, sau quá trình đánh giá việc thực hiện chủ trương mua bắt buộc, Chính phủ đã ban hành nghị quyết số 36 ngày 15/4/2017 quy định Nhà nước sẽ không áp dụng biện pháp mua bắt buộc. Tiếp nối tinh thần đó, dự thảo luật không quy định về phương án mua bắt buộc tổ chức tín dụng mà bổ sung phương án chuyển giao bắt buộc đối với ngân hàng thương mại.

Ý kiến đề nghị làm rõ khi nào phải thực hiện chuyển giao bắt buộc, hệ lụy nếu không có quy định phương án chuyển giao bắt buộc cũng có hồi âm tại báo cáo giải trình.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, dự thảo luật đã quy định rõ điều kiện thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc. Cụ thể, phương án chuyển giao bắt buộc chỉ áp dụng đối với ngân hàng thương mại không thể phục hồi được; giá trị thực của vốn điều lệ, quỹ dự trữ của ngân hàng này đã âm (tài sản nợ nhiều hơn tài sản có) thì thực chất các ngân hàng này đã lâm vào tình trạng phá sản nhưng trên thực tế cũng không thể giải thể hoặc phá sản được do ảnh hưởng đến an toàn, hoạt động của hệ thống; tiềm ẩn rủi ro lớn, ảnh hưởng đến an ninh tiền tệ quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Đồng thời chỉ chuyển giao khi có tổ chức tín dụng, nhà đầu tư tự nguyện nhận chuyển giao, không vi phạm về quyền tự do kinh doanh, không mang tính chất ép buộc.

Do đó, phương án chuyển giao bắt buộc là phương án cần thiết để xử lý ngân hàng thương mại yếu kém nhằm giữ ổn định an toàn hệ thống.

Nếu không có quy định phương án chuyển giao bắt buộc ngân hàng thương mại sẽ tạo ra khoảng trống pháp lý, không có cơ chế để xử lý ngân hàng thương mại yếu kém trong trường hợp ngân hàng thương mại đó không thể phục hồi được nhưng cũng không thể giải thể hoặc phá sản do ảnh hưởng đến an toàn, hoạt động của hệ thống - báo cáo giải trình nêu rõ.

Hợp Hiến và hợp pháp

Qua các phiên thảo luận, cũng có một số ý kiến đề nghị làm rõ việc “chấm dứt toàn bộ quyền, lợi ích cổ đông, thành viên góp vốn, chủ sở hữu của ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc” có phù hợp với tinh thần của Hiến pháp năm 2013 hay không.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc hạn chế quyền cổ đông theo quy định về chấm dứt quyền và nghĩa vụ của thành viên góp vốn, cổ đông của ngân hàng thương mại bảo đảm tính hợp hiến.

Vì theo quy định tại khoản 3 điều 151a của dự thảo luật, ngân hàng thương mại được kiểm soát được yêu cầu tăng vốn điều lệ và hoàn thành việc tăng vốn điều lệ trong thời hạn cụ thể. Khi đó, ngân hàng thương mại phải thông báo và tổ chức họp đại hội cổ đông để xem xét, quyết định. Trường hợp không hoàn thành việc tăng vốn điều lệ thì mới dẫn đến việc chấm dứt toàn bộ quyền, lợi ích cổ đông, thành viên góp vốn, chủ sở hữu của ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc.

Bên cạnh đó, quy định này cũng bảo đảm tính hợp pháp vì: Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định thành viên góp vốn, cổ đông của doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp. Tình trạng tài chính của ngân hàng đã quá yếu kém và các cổ đông của ngân hàng không thể có giải pháp phục hồi ngân hàng, giá trị thực của vốn điều lệ, quỹ dự trữ đã âm (tài sản nợ lớn hơn tài sản có). Nếu thực hiện phá sản thì các cổ đông cũng không được nhận bất cứ khoản tiền nào.

Mặt khác, dù được hỗ trợ nhưng thành viên góp vốn, cổ đông của ngân hàng thương mại không thể quản lý điều hành hiệu quả để ngân hàng thương mại thoát ra khỏi tình trạng kiểm soát đặc biệt thì cần chấm dứt quyền và nghĩa vụ của họ để thay đổi triệt để về quản trị và điều hành nhằm xử lý dứt điểm, bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền và lợi ích chung của xã hội.

Như vậy, các quy định của dự thảo luật bảo đảm tất cả cổ đông đều biết rõ thực trạng yếu kém và đã có thời gian để thực hiện quyền bảo vệ tài sản của mình tại ngân hàng thương mại trước khi bị chấm dứt quyền, lợi ích. Biện pháp này cũng được áp dụng phổ biến tại hầu hết các quốc gia Châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ... báo cáo nêu rõ.

Ủy ban Thường vụ cũng nhấn mạnh, chuyển giao bắt buộc như là phương án cuối cùng, áp dụng khi thực trạng ngân hàng thương mại đã rất xấu, không thể thực hiện các phương án cơ cấu lại khác và thực chất đã qua nhiều khâu nhưng không tìm kiếm được tổ chức tín dụng, nhà đầu tư nào quan tâm hoặc có đủ năng lực phục hồi ngân hàng thương mại yếu kém. Sau khi không thể áp dụng cơ chế tự điều tiết theo quy luật thị trường, Ngân hàng Nhà nước phải can thiệp và có biện pháp hỗ trợ mạnh để thu hút sự quan tâm của tổ chức tín dụng, nhà đầu tư.

Việc thực hiện cũng chỉ được áp dụng trên cơ sở đề xuất tự nguyện của bên nhận chuyển giao. Trường hợp có hơn một nhà đầu tư đề nghị nhận chuyển giao, từng nhà đầu tư phải xây dựng phương án và Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét trên cơ sở đánh giá tính khả thi, hiệu quả của từng phương án trên cơ sở sàng lọc nhà đầu tư tốt nhất. Việc chuyển giao bắt buộc thực hiện trên cơ sở chuyển giao chủ sở hữu, không phải giao dịch mua, bán, do đó không có cơ chế xác định giá, không thể thực hiện theo quy định pháp luật về đấu thầu.

Theo Nguyễn Lê/ VnEconomy

>> Các cổ phiếu ngân hàng chào sàn 2017 đã biến động thế nào?

Có thể bạn quan tâm

Những ngân hàng đầu tiên hé lộ kết quả kinh doanh năm 2024

Những ngân hàng đầu tiên hé lộ kết quả kinh doanh năm 2024

Một số ngân hàng vừa công bố kết quả kinh doanh khả quan trong những tháng cuối năm 2024. Trong đó, Sacombank ước tính mang về 12.700 tỷ đồng lợi nhuận cả năm. Các ngân hàng quốc doanh và TPBank cũng ghi nhận tăng trưởng mạnh mẽ về tài sản và tín dụng…

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Theo dự báo của VCBS, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ duy trì mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 15% trong cả hai năm 2024 và 2025. Đồng thời, chất lượng tài sản toàn ngành ngân hàng sẽ dần được cải thiện, nhờ vào đà phục hồi của nền kinh tế và hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ...