Ngân hàng phát hành trái phiếu quốc tế: Có lạc quan?

Ngoài việc giải quyết nguồn vốn, trái phiếu quốc tế còn làm tăng sức mạnh cho ngân hàng. Tuy nhiên, mỗi đợt phát hành thành công thì lại phụ thuộc vào nhiều vấn đề, bao gồm cả
Ngân hàng phát hành trái phiếu quốc tế: Có lạc quan?

Trong khi huy động vốn cấp 1 gặp nhiều khó khăn do chính sách siết tín dụng đang được Ngân hàng Nhà nước đẩy mạnh, trái phiếu trong nước đã sắp bão hòa thì để duy trì được nguồn vốn trung và dài hạn, kênh phát hành trái phiếu quốc tế được xem là “phao” cứu sinh cho các ngân hàng trước nhiều áp lực.

Nhộn nhịp "chợ" trái phiếu

Mới đây, Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank – mã: VPB) đã phát đi thông báo lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc phát hành và niêm yết trái phiếu quốc tế với hai phương án phát hành được đưa ra.

Phương án thứ nhất là VPBank muốn chào bán trái phiếu thành nhiều đợt tại nước ngoài (theo Chương trình euro Medium Term Note) với mệnh giá trái phiếu là bội số của 1.000 USD hoặc mệnh giá khác phù hợp với tập quán thị trường trái phiếu quốc tế.

Theo đó, tổng giá trị phát hành của phương án này tối đa lên tới 1 tỷ USD có kỳ hạn từ 3 đến 5 năm, lãi suất trái phiếu có thể cổ định, thả nổi, kết hợp cả 2 hoặc lãi suất cấu trúc khác.

Trái phiếu này được phát hành ra thị trường quốc tế cho các nhà đầu tư ngoài lãnh thổ Mỹ và sẽ được niêm yết tại sở Giao dịch chứng khoán Singapore.

Phương án hai mà VPBank muốn xin ý kiến cổ đông là phương án phát hành trái phiếu doanh nghiệp xanh (Green Bond) theo hình thức phát hành riêng lẻ cho một số nhà đầu tư với khối lượng 120 triệu USD.

Green Bond sẽ có kỳ hạn 3 năm với lãi suất thỏa thuận. Mục đích phát hành để tài trợ cho danh mục xanh/khoản vay đáp ứng tiêu chí xanh. Thời gian phát hành của cả hai phương án đều dự kiến trong năm 2019 và năm 20120.

Cách đây không lâu, HĐQT Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cũng đã thông qua chủ trương lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về phương án phát hành 200 triệu USD trái phiếu quốc tế vốn cấp II trong năm 2019

Theo đó, ngày đăng ký cuối cùng để lập danh sách cổ đông là ngày 25/6/2019 với tỷ lệ thực hiện là 1 cổ phiếu – 1 quyền biểu quyết. Thời gian thực hiện lấy ý kiến dự kiến bắt đầu từ ngày 28/6/2019 và kết thúc vào ngày 12/7/2019.

Trong thời gian gần đây, nhiều ngân hàng khác cũng muốn phát hành trái phiếu để huy động vốn như ACB phát hành 2.500 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm, VietinBank muốn phát hành 10.000 tỷ đồng trái phiếu trong năm nay,...

"Tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, hiện tại nguồn vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế vẫn dựa vào hệ thống ngân hàng, tạo sức ép rủi ro lớn cho hệ thống tổ chức tín dụng. 

Do đó, cần giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn xuống 30% là phù hợp với thông lệ quốc tế bởi hiện ở nhiều nước phát triển, hệ số này hiện chỉ ở mức 20%. Việc chủ động nguồn vốn đang là yêu cầu cấp thiết tại các ngân hàng hiện nay.

Cơ hội và rủi ro

Thực tế, thu hút vốn từ thị trường thế giới là mục tiêu hướng đến của nhiều doanh nghiệp và ngân hàng tại Việt Nam trong bối cảnh nguồn vốn trong nước đang bị thu hẹp. Đặc biệt, đối với ngành ngân hàng cònnhằm giải quyết áp lực tiêu chuẩn Basel II (tại Việt Nam) và Basel III (ở nước ngoài).

Ngoài ra, theo lãnh đạo một ngân hàng quốc doanh, việc huy động vốn ngoại tệ dài hạn và ổn định thông qua phát hành trái phiếu quốc tế giúp cân đối nguồn vốn cho các khoản vay tín dụng ngoại tệ trung và dài hạn đã cho vay, cũng như các cam kết giải ngân tín dụng ngoại tệ đã ký kết với khách hàng.

Hơn nữa, nguồn vốn quốc tế từ phát hành trái phiếu còn được xác định là dồi dào và có giá rẻ hơn nhiều so với thị trường trong nước.

Mục đích đã rõ ràng nhưng tỷ lệ thành công là bao nhiêu là một câu hỏi khiến nhiều người đưa ra. Một chuyên gia tài chính đã đưa ra nhận định, trong bối cảnh hiện nay, sự thành công trong việc phát hành trái phiếu quốc tế của các ngân hàng cũng như doanh nghiệp là không khó.

Thậm chí đây có thể coi là thời điểm “vàng” để các ngân hàng đa dạng hóa nguồn vốn khi hiệu quả kinh doanh của hệ thống ngân hàng Việt Nam là khá tốt, ngoài những “ông lớn” như Vietcombank, BIDV, Vietinbank, “câu lạc bộ nghìn tỷ” cũng đón chào các gương mặt mới như Techcombank, VPBank, TPBank...

Tuy nhiên, khi sử dụng nguồn vốn này tổ chức phát hành không những phải chịu áp lực về dùng vốn có hiệu quả, mà còn phải gánh thêm rủi ro về tỷ giá. Đó là chưa kể quyền lợi của các nhà đầu tư cũng bị ảnh hưởng không nhỏ.

Nhìn lại sự thành công của một vài thương vụ phát hành thành công trong quá khứ của Vietinbank, VinGroup, Masan có thể thấy sự đánh đổi rất lớn giữa lãi suất thấp và việc pha loãng quyền lợi cổ đông.

Ví như VinGroup với thương vụ phát hành 185 triệu USD trái phiếu quốc tế khi đó còn là CTCP Vincom kỳ hạn 5 năm phát hành bằng USD với lãi suất cuống phiếu (coupon) là 5%/năm, thanh toán 6 tháng một lần vào cuối kỳ, NĐT sẽ được quyền chuyển đổi sang cổ phần từ ngày thứ 41 kể từ ngày hoàn thành đợt phát hành với giá 112.200 đồng/cp.

Hay như đợt phát hành 250 triệu usD trái phiếu của Vietinbank với lãi suất coupon lên tới 8% / năm, kỳ hạn 5 năm và không có tài sản đảm bảo phải đứng trước nguy cơ mất giá của tiền VND và usD đồng tiền định giá trái phiếu mà VietinBank đã phát hành. Do đó, việc trả lãi định kỳ và hoàn vốn cho các nhà đầu tư quốc tế phải tính đến cả việc bù trừ.

Thực tế, thời hạn trái phiếu 3 năm hay 5 năm có thể là một thời gian đủ dài để cả hệ thống ngân hàng của Việt Nam đi vào ổn định theo đúng định hướng đã đề ra.
Thế nhưng diễn biến đồng USD vẫn luôn là động thái rất khó dự đoán, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều bất ổn, cuộc chiến thương mại Mỹ Trung ngày càng leo thang như hiện nay.

>> "Nóng" chuyện phát hành trái phiếu ngân hàng

Có thể bạn quan tâm