Ngân hàng thu hẹp đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp

Các ngân hàng đang thu hẹp vai trò ở cả khía cạnh tổ chức phát hành và nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp cho thấy sự tăng trưởng thực chất của thị trường này.
Sự thu hẹp vai trò của các ngân hàng trên thị trường TPDN cho thấy sự tăng trưởng thực chất của thị trường này với định hướng dần trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn thay thế cho kênh tín dụng. (Ảnh: Int)
Sự thu hẹp vai trò của các ngân hàng trên thị trường TPDN cho thấy sự tăng trưởng thực chất của thị trường này với định hướng dần trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn thay thế cho kênh tín dụng. (Ảnh: Int)

Tại Báo cáo triển vọng thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2022 vừa được phát hành, các chuyên gia của Công ty chứng khoán SSI cho biết, xét riêng các trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phi ngân hàng, dù số dư trái phiếu mà các ngân hàng thương mại (NHTM) nắm giữ vẫn tăng lên nhưng tốc độ tăng thấp hơn nhiều quy mô thị trường trái phiếu nên tỷ trọng TPDN nắm giữ bởi các NHTM liên tục giảm từ 71% (2018) xuống 25% (2021).

Sự thu hẹp vai trò của các ngân hàng ở cả khía cạnh tổ chức phát hành và nhà đầu tư trên thị trường TPDN cho thấy sự tăng trưởng thực chất của thị trường này với định hướng dần trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn thay thế cho kênh tín dụng”, SSI đánh giá.

Trong phạm vi 15 NHTM mà SSI theo dõi với tổng dư nợ tín dụng chiếm khoảng 75% thị phần tín dụng toàn hệ thống (không tính Agribank), tổng số dư trái phiếu các tổ chức kinh tế mà các NHTM đầu tư tại 31/12/2021 là khoảng 214.000 tỷ đồng, tăng 17% so với cuối năm 2020. Tỷ trọng bình quân đầu tư TPDN trong tổng tín dụng của các NHTM này giữ nguyên ở mức 3,1%. Các NHTM sở hữu lượng TPDN lớn nhất tại cuối năm 2020 là TCB, MBB, VPB, TPB.

Năm 2022, các chuyên gia SSI cũng lưu ý một số yếu tố có thể tác động đến thị trường.

Điển hình như Dự thảo sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP đối với phát hành trái phiếu riêng lẻ, quy định chi tiết hơn về trách nhiệm công bố thông tin, hoạt động lưu ký tập trung, điều kiện đăng ký, thay đổi hay hủy bỏ giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán để phát triển thị trường thứ cấp.

Ngoài ra, Dự thảo còn đưa ra một số điểm sửa đổi bổ sung quan trọng, có thể tác động mạnh đến thị trường TPDN như: doanh nghiệp không được phát hành trái phiếu để góp vốn dưới mọi hình thức, mua cổ phần, mua trái phiếu của doanh nghiệp khác, hoặc cho doanh nghiệp khác vay vốn; Yêu cầu có xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu và trái phiếu phát hành trong trường hợp phát hành trái phiếu cho nhà đầu tư...

Hay như Thông tư 16/2021/TT-NHNN quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán TPDN đã chính thức có hiệu lực từ 15/1/2022.

Trong đó, một số quy định siết chặt hơn như tổ chức tín dụng chỉ được mua trái phiếu của tổ chức phát hành không có phát sinh nợ xấu trong 12 tháng gần nhất (tại tất cả các tổ chức tín dụng); không được mua lại TPDN chưa niêm yết đã bán hoặc) trái phiếu phát hành cùng lô/đợt với trái phiếu đã bán trong vòng 12 tháng; không được bán TPDN cho các công ty con.

"Theo định hướng, các NHTM sẽ tập trung vào kênh tín dụng ngắn hạn và TPDN sẽ là kênh huy động vốn vay trung và dài hạn của doanh nghiệp; việc các ngân hàng thương mại cấp tín dụng cho doanh nghiệp thông qua đầu tư TPDN cũng sẽ hạn chế hơn", chuyên gia SSI Research nêu.

Đồng tình, giới phân tích cho rằng, ngành ngân hàng đang phải đối mặt với nhiều rủi ro như: lượng tiền gửi giảm mạnh, nợ xấu có xu hướng tăng mạnh, bị cạnh tranh dịch vụ bởi các công ty Fintech… Đặc biệt, rủi ro liên quan đến TPDN bất động sản cũng đang hiện hữu.

Chỉ cần thị trường chứng khoán hơi mất cân bằng, tài chính của các doanh nghiệp bất động sản khó lòng ổn định, ảnh hưởng tới khả năng trả lãi vay cho trái chủ. Do đó, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 16 là việc cần thiết và đã được dự báo từ trước, nhằm hạn chế vốn tín dụng đổ quá nhiều vào TPDN bất động sản.

Theo nhóm nghiên cứu tại SSI, sang năm 2022, thị trường TPDN vẫn có khả năng tăng trưởng tốt do cung – cầu đều duy trì ở mức cao.

Trong đó, SSI dự đoán mặt bằng lãi suất tiền gửi năm 2022 có thể tăng nhẹ 0,2-0,25 điểm phần trăm nên lợi suất TPDN cũng sẽ tăng theo khi mà hơn 70% TPDN phát hành có lãi suất thả nổi.

Đồng thời, xu hướng tăng lãi suất điều hành của các ngân hàng trung ương lớn và áp lực lạm phát trên thế giới có thể tác động đến tâm lý nhà đầu tư, làm tăng kỳ vọng lãi suất với các đợt phát hành trái phiếu mới.

Với việc chênh lệch lãi suất kênh TPDN so với kênh tiền gửi vẫn duy trì ở mức hấp dẫn, nhu cầu đầu tư TPDN vẫn cao. Chiều còn lại, số TPDN đáo hạn năm 2022 ước khoảng 266.000 tỷ đồng, tăng 39% so với năm 2020 và chiếm khoảng 19% lượng TPDN lưu hành.

"Nhu cầu phát hành để đảm bảo vòng quay vốn của các doanh nghiệp khá cao. Cùng với đó, hoạt động sản xuất kinh doanh được kỳ vọng sẽ sôi động hơn năm 2021 khi nền kinh tế đang mở cửa trở lại sau đại dịch. Bởi vậy, nguồn cung TPDN dự kiến vẫn rất dồi dào", nhóm nghiên cứu nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm