Ngân hàng tích cực “ôm” trái phiếu các doanh nghiệp địa ốc

Mặc dù kênh trái phiếu được thúc đẩy với mong muốn giảm phụ thuộc nguồn vốn vào các ngân hàng thương mại. Tuy vậy, trong không ít đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp, hình bóng các nhà băng lại xuất
Ngân hàng tích cực “ôm” trái phiếu các doanh nghiệp địa ốc

CTCP Dịch vụ Cáp treo Bà Nà vừa công bố kết quả phát hành trái phiếu riêng lẻ. Theo đó, doanh nghiệp này đã phát hành thành công 740 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi có kỳ hạn 7 năm vào ngày 28/6 vừa qua. Chỉ có 1 trái chủ duy nhất là Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank). 

Trái phiếu được thanh toán lãi định kỳ 3 tháng/ lần, gốc trả cuối kỳ. Lãi suất áp dụng cho kỳ tính lãi đầu tiên là 10,3%/năm. Các kỳ tính lãi tiếp theo, lãi suất bằng 3,6%/năm và trung bình cộng của lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng do BIDV chi nhánh Sở giao dịch 1, Vietcombank Sở giao dịch, VietinBank chi nhánh Hà Nội và Agribank Sở giao dịch công bố. Riêng lãi suất áp dụng từ kỳ tính lãi thứ hai đến kỳ tính lãi thứ tư vẫn là 10,3%/năm.

Đại diện người sở hữu trái phiếu là CTCP Chứng khoán Kỹ Thương (Techcombank Securities), tổ chức nhận tài sản bảo đảm là ngân hàng Techcombank.

Trước đó, Cáp treo Bà Nà từng phát hành 600 tỷ đồng trái phiếu vào cuối tháng 5, Techcombank cũng là đơn vị đã mua trọn lô trái phiếu này. Như vậy, trong một tháng, Techcombank đã gom tổng cộng 1.340 tỷ đồng trái phiếu của Cáp treo Bà Nà. 

Không chỉ Techcombank, nhiều ngân hàng cũng ôm trọn các lô trái phiếu của các doanh nghiệp lĩnh vực bất động sản trong thời gian gần đây. 

Chẳng hạn, ngày 12/6, CTCP Đầu tư và Xây dựng Vịnh Nha Trang đã phát hành thành công 650 tỷ đồng trái phiếu với nhà đầu tư duy nhất mua trọn toàn bộ lượng trái phiếu trên là Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB).

Trái phiếu do CTCP Đầu tư và Xây dựng Vịnh Nha Trang phát hành là trái phiếu không chuyển đổi, có tài sản bảo đảm, mệnh giá 1 tỷ đồng/ trái phiếu. Trái phiếu có kỳ hạn 10 năm với lãi suất áp dụng theo phương thức lãi suất cố định kết hợp thả nổi. 

Cụ thể, đối với 4 kì tính lãi đầu tiên mức lãi suất áp dụng là 10%/năm. Đối với các kì tính lãi tiếp theo, mức lãi suất được xác định bằng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng tại MSB cộng với biên độ 3,5%/năm. Lãi được thanh toán định kỳ 3 tháng/lần trừ kì trả lãi đầu tiên.

Không chỉ MSB, một ngân hàng lớn khác cũng mua trọn lô trái phiếu do công ty bất động sản phát hành trong thời gian gần đây. Theo thông báo của Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Du Lịch Hoàng Trường, VPBank đã mua trọn toàn bộ trái phiếu với tổng mệnh giá 925 tỷ đồng do công ty này phát hành. 

Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, có tài sản bảo đảm, không phải nợ thứ cấp của doanh nghiệp và có mệnh giá là 1 tỷ đồng/trái phiếu.Các trái phiếu do Hoàng Trường phát hành có kỳ hạn 5 năm có lãi suất trong kỳ đầu tiên là 9,5%/năm. Các kỳ tính lãi tiếp theo, mức lãi suất được xác định bằng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng tại VPBank cộng với biên độ 3%/năm.

Tài sản đảm bảo cho lượng trái phiếu trên bao gồm gần 19,45 triệu cổ phiếu VIC do Tập đoàn Vingroup phát hành và các tài sản khác (bất động sản và động sản) mà Công ty Hoàng Trường hoặc/và bất kì bên thứ ba nào sử dụng làm tài sản bảo đảm bổ sung, thay thế tài sản bảo đảm.

Hay 800 tỷ đồng trái phiếu của CTCP Đầu tư Văn Phú - Invest (mã: VPI) phát hành ngày 9/5 vừa qua đã được Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) mua toàn bộ. Số trái phiếu này có lãi suất 12%/năm.

Trước đó, Văn Phú - Invest cũng đã nhận cấp bảo lãnh từ VPBank tối đa 500 tỷ đồng nhằm bảo lãnh nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với khách hàng liên quan đến tiến độ bàn giao nhà ở phàn thấp tầng Dự án Tổ hợp thương mại, dịch vụ, căn hộ cao cấp và nhà ở thấp tầng tại khu đô thị mới An Hưng, phường La Khê và Dương Nội, Hà Đông.

Ở nhóm doanh nghiệp khác, CTCP Thương mại đầu tư sản xuất Hà Nội nổi lên với trái phiếu có lãi suất 11,75%, tổng giá trị 600 tỷ đồng kỳ hạn 42 tháng. Số trái phiếu này cũng được Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại chúng Việt Nam (PVComBank) ôm trọn vào đợt phát hành hồi tháng 5 vừa qua.

Theo báo cáo mới cập nhật của MBS cho biết, từ đầu năm đến nay, đã có 69.747 tỷ đồng được huy động qua trái phiếu doanh nghiệp. Trong đó, nhóm ngành bất động sản, xây dựng, hạ tầng đứng thứ hai về lượng trái phiếu phát hành với 19,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 28,3% tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành từ đầu năm.

Lĩnh vực kinh doanh bất động sản, xây dựng là nhóm ngành thường có tỷ lệ vốn vay cao, đang phải tìm đến kênh huy động vốn khác như phát hành trái phiếu doanh nghiệp do thời gian tới Ngân hàng Nhà nước sẽ thắt chặt dòng tín dụng ngân hàng cho vay bất động sản thông qua quy định giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của tổ chức tín dụng từ 45% dần về mức 30% trong năm 2021-2022. 

Vì vậy, nhóm ngành bất động sản đang phải đẩy mạnh huy động qua trái phiếu doanh nghiệp với mức lãi suất coupon cao nhất, phổ biến trên 10%/năm.

 Tuy nhiên, việc các ngân hàng “ôm” trái phiếu doanh nghiệp có thể chịu nhiều rủi ro bởi trái phiếu doanh nghiệp khó trao đổi, khó mua, khó bán, bởi vì mua bán trái phiếu không khác gì mua bán nợ. Mà khi mua bán nợ phải dựa vào tình hình công ty, dựa vào tài sản bảo đảm, nhưng với trái phiếu thì hầu hết không có tài sản hoặc là tài sản không đảm bảo.

Rủi ro lớn nhất khi ngân hàng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp là nếu doanh nghiệp phá sản thì ngân hàng ôm trái phiếu doanh nghiệp đó bị coi như những khoản nợ thông thường, nên khó có thể thu hồi vốn. Khi đó, ngân hàng phải dùng tiền của mình trích lập dự phòng rủi ro.

>> VPBank sắp phát hành 1 tỷ USD trái phiếu quốc tế

Có thể bạn quan tâm