Ngành Công Thương sẵn sàng đưa hàng hóa vào vùng dịch

Ngành Công Thương đảm bảo đáp ứng đủ các mặt hàng thiết yếu cho nhân dân trong mọi tình huống, kể cả trường hợp cách ly một TP, một vài tỉnh thành trong dịch Covid-19.
Ngành Công Thương sẵn sàng đưa hàng hóa vào vùng dịch

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tại cuộc họp khẩn với các đơn vị thuộc Bộ Công Thương vào chiều tối 19/3 về việc chuẩn bị hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Báo cáo tại cuộc họp Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) nêu rõ, đến nay đã có 55 tỉnh, thành trong cả nước gửi báo cáo, trong đó đã có các “kế hoạch tác chiến”, kịch bản đối phó với dịch bệnh theo 5 cấp độ. Trong đó, đã tính đến các tình huống nếu dịch bệnh lan rộng, phức tạp mà phải cách ly những TP lớn, các TP vệ tinh thì việc đưa các mặt hàng thiết yếu vào vùng dịch sẽ được tiến hành thế nào, các điểm bán hàng sẽ được bố trí ra sao?.

“Chúng ta đã có kinh nghiệm trong việc cung ứng hàng hóa ở Sơn Lôi, Vĩnh Phúc, kênh phân phối hàng hóa từ các điểm bán xăng dầu, cung cấp điện, đưa hàng vào siêu thị, điểm bán để đến tay người dân… và hiện tại, công tác này đang được tiếp tục và tăng lên thành cấp cao hơn”, đại diện Vụ Thị trường trong nước khẳng định.

Thực tế cho thấy thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, Sở Công Thương Hà Nội đã có phương án chuẩn bị nguồn hàng và bảo đảm cung ứng cho thị trường theo các kịch bản diễn biến của dịch bệnh.

Trong đó, lượng hàng hóa dự trữ tăng 30 - 50% so với nhu cầu bình thường của người dân/tháng, đối với khu vực bị cách ly, các phương án đã tính đến tình huống giả định khu vực bị cách ly khoảng 5.000 người trong thời gian 30 ngày ngành Công Thương Hà Nội chuẩn bị gạo 90 tấn, thịt lợn 6,75 tấn; trứng gia cầm 75.000 quả; muối ăn, bột canh 750kg; thủy hải sản đông lạnh 7,8 tấn; thực phẩm chế biến 6,75 tấn; sản phẩm chế biến từ ngũ cốc (Mỳ ăn liền, cháo ăn liền, cơm khô, lương khô… 60.000 gói.

Không chỉ Hà Nội mới tích cực dự trữ hàng hóa mà các tỉnh thành trên cả nước cũng trong tình trạng tương tự. Tại tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận và các tỉnh vệ tinh Liên hiệp hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh và Công ty CP Vincommerce, Tổng công ty lương thực miền Nam đã tăng cường cung ứng đầy đủ các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu cho các điểm bán hàng tại các địa phương đang có dịch bệnh lan rộng.

Phối hợp với các Sở Công Thương các tỉnh/TP lân cận các địa bàn đang có diễn biến dịch bệnh phức tạp (như TP Hồ Chí Minh, Lâm Đồng... để kết nối nguồn hàng bình ổn thị trường.

Không chịu thua kém, sau khi tỉnh Hải Dương cách ly thôn Tiêu Sơn với dân số 2.300 người, Sở Công Thương tỉnh Hải Dương đã xây dựng các kịch bản ứng phó với tình hình dịch Covid-19 theo 5 cấp độ lây lan của dịch bệnh tại đia phương kèm theo các phương án ứng phó, bảo đảm nguồn cung các hàng hóa thiết yếu cho người dân.

Theo đó, địa phương đã dự kiến lượng hàng hóa để phục vụ cho khu vực bị cách ly, giả định cho khoảng 3.000 người trong thời gian 30 ngày.

Đại diện Sở Công Thương Hải Dương cho biết, đến chiều 19/3/2020, về cơ bản, nguồn cung hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu dân sinh trong tỉnh khá dồi dào; luôn sẵn sàng phục vụ nhân dân đầy đủ, kịp thời. Số lượng hàng thực phẩm tươi sống (lưu chuyển thường xuyên trong ngày) và hàng dự trữ lưu thông bình quân (hàng thực phẩm có hạn sử dụng) của các thương nhân luôn sẵn sàng phục vụ cho số lượng dân cư từ 20.000 đến 40.000 người.

Các DN, hộ kinh doanh cam kết sẵn sàng tăng năng lực sản xuất, kinh doanh từ 50 - 100% khi có yêu cầu phòng, chống dịch bệnh, riêng Big C Hải Dương sẵn sàng phục vụ các xuất ăn nhanh khi cần.

Như vậy, nếu tính bình quân một khu vực bị cách ly có khoảng 3.000 dân, thì các DN, hộ kinh doanh sẵn sàng phục vụ từ 7 - 12 khu cách ly, khi cần có thể phục vụ 30 khu cách ly hoặc chi viện các địa phương khác trong cả nước. Giá cả hàng hóa và chi phí vận chuyển cam kết đảm bảo ổn định theo diễn biến thị trường trước và trong thời điểm thực hiện cách ly.

Kết luận tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh yêu cầu các đơn vị cần lập đoàn khảo sát thực tế, trên tinh thần nhỏ, gọn thành phần tham dự, nhưng công khai minh bạch để làm việc với một số địa phương, điểm nóng và doanh nghiệp. Đồng thời yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa để đảm bảo ổn định thị trường, không để hiện tượng lợi dụng dịch bệnh đầu cơ tăng giá, hàng nhái hàng giả trà trộn, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng.

“Dịch bệnh kéo dài dẫn đến nhu cầu khẩu trang sẽ ngày một nhiều hơn, Tổng cục Quản lý thị trường cần phối hợp với Cục Công Nghiệp hoàn tất quy trình sản xuất của khẩu trang kháng khuẩn và mũ giọt bắn để đưa ra thị trường, nhất là vào hệ thống các hiệu thuốc trên cả nước để mỗi người dân có thể dễ dàng tiếp cận”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu.

Có thể bạn quan tâm