Ngành du lịch chuyển đổi số để vượt khó năm 2021

Đại dịch COVID-19 làm thay đổi sâu sắc nhu cầu và hành vi của khách du lịch. Để ứng phó với khó khăn này trong năm 2021, Tổng cục Du lịch đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và cho ra mắt ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn”.

Với ứng dụng này, khách du lịch có thể tra cứu thông tin về các điểm đến an toàn, đăng ký tham gia các chương trình du lịch an toàn.

Nhân dịp đầu năm mới, ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đã chia sẻ với Tạp chí Thương gia về những khó khăn và giải pháp khắc phục của ngành du lịch trong năm 2021.

Ngành du lịch chuyển đổi số để vượt khó năm 2021 ảnh 1

Thưa Phó Tổng cục trưởng, đâu là những thiệt hại riêng của ngành Du lịch trong năm 2020?

Có thể nói, năm 2020 ngành Du lịch là ngành chịu thiệt hại trực tiếp và nặng nề nhất. Các chỉ tiêu đều giảm mạnh: khách du lịch quốc tế đạt 3,7 triệu lượt, giảm 80% so với 2019. Khách du lịch nội địa 11 tháng giảm 37%; Tổng thu từ khách du lịch trong 11 tháng đầu năm cũng giảm 56,8%. Ước tính tổng thiệt hại lên tới 23 tỷ USD.

Hai đợt kích cầu mà Bộ VHTTDL phát động sau hai đợt dịch COVID-19 bùng phát ngành du lịch có những nỗ lực rất lớn. Ngành đã nhìn thấy cơ hội gì qua hai đợt kích cầu đó?

Ngay sau khi dịch được kiểm soát ở Việt Nam, Tổng cục Du lịch đã tham mưu Bộ VHTTDL phát động chương trình kích cầu du lịch nội địa vào đầu tháng 5/2020 với chủ đề “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” và tiếp tục phát động giai đoạn 2 vào tháng 9/2020 với chủ đề “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn”. Chương trình kích cầu được phát động ở quy mô toàn quốc, mang lại hiệu quả rất thiết thực, theo đó:

Thứ nhất là phục hồi lượng khách nội địa: Các điểm đến đều ghi nhận nhu cầu khách tăng cao sau đợt giãn cách xã hội. Lượng khách nội địa tháng 7 tăng 16% so với cùng kỳ 2019. Sau giãn cách, công suất buồng phòng ở các cơ sở lưu trú cũng tăng từ 30-90%. Các hãng hàng không, tàu du lịch liên tục tăng chuyến, mở đường bay mới để phục vụ nhu cầu đi lại.

Thứ hai là sự tham gia tích cực của các địa phương, DN và xu hướng hình thành các liên minh, liên kết phát triển du lịch. Các DN liên tục tung ra những sản phẩm và chương trình khuyến mại chất lượng. Chưa bao giờ người dân có thể được sử dụng các dịch vụ chất lượng cao cấp với giá cả như năm 2020.

Thứ ba là phát triển các sản phẩm mới: Dịch COVID-19 đã làm thay đổi đáng kể nhu cầu và thị hiếu của khách du lịch, trong đó ưu tiên cho yếu tố an toàn, trải nghiệm thiên nhiên, sinh thái, đi nhóm nhỏ, thời gian ngắn, sử dụng công nghệ... Do vậy, các địa phương, DN đã chủ động phát triển các sản phẩm mới phù hợp hơn với nhu cầu của khách. Sự ra đời những sản phẩm mới đã mang lại nhiều lựa chọn cho du khách.

Có thể nói, chương trình kích cầu du lịch đã làm hồi sinh thị trường du lịch nội địa, là điểm tựa cho sự phục hồi của ngành du lịch, đồng thời giúp giảm thiểu thiệt hại do COVID-19 gây ra.

Được biết Tổng cục Du lịch đang đẩy mạnh ứng dụng Công nghệ thông tin nhằm mục tiêu phát triển và kích cầu du lịch. Lĩnh vực này sẽ được triển khai như thế nào trong năm 2021, thưa ông?

Đại dịch COVID-19 làm thay đổi sâu sắc nhu cầu và hành vi của khách du lịch. Ngày 10/10/2020, Tổng cục Du lịch đã cho ra mắt ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn” nhằm góp phần triển khai hiệu quả chương trình kích cầu du lịch giai đoạn 2.

Với ứng dụng này, khách du lịch có thể tra cứu thông tin về các điểm đến an toàn, đăng ký tham gia các chương trình du lịch an toàn. Đặc biệt, khách du lịch có thể gửi ý kiến đánh giá, phản hồi trên ứng dụng về chất lượng dịch vụ, giúp cơ quan quản lý có thể xử lý kịp thời nếu có vụ việc xảy ra.

Đây là công cụ rất tốt để bảo đảm an toàn cũng như quyền lợi của khách. Lần đầu tiên Tổng cục Du lịch phối hợp với Tổng cục Quản lý thị trường đã tổ chức truyền thông sâu rộng để doanh nghiệp và khách du lịch cài đặt và sử dụng ứng dụng này.

Đồng thời vừa qua, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Tổng cục đã triển khai kết nối liên thông dữ liệu về các cơ sở lưu trú đăng ký và đánh giá an toàn COVID-19 lên hệ thống của Ban chỉ đạo quốc gia.

Năm 2021 Tổng cục Du lịch sẽ tiếp tục thúc đẩy việc sử dụng ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn” để cùng lúc đạt hai mục tiêu kép: vửa trở thành công cụ đồng hành tin cậy của du khách, vừa góp phần bảo đảm sự quản lý thống nhất, hiệu quả trong phòng chống dịch.

Chúng tôi cũng đang nỗ lực triển khai phát triển Đề án xây dựng Trung tâm điều hành du lịch với phần mềm điều hành thông minh, tích hợp các cơ sở dữ liệu, các dịch vụ công; xây dựng nền tảng ứng dụng Du lịch thông minh quốc gia; triển khai Cổng thông tin du lịch thông minh VTV Travel và Tổng đài Du lịch Việt Nam 1039; phát triển ứng dụng du lịch thông minh như hướng dẫn viên du lịch ảo, hỗ trợ du khách tham quan và tăng tính trải nghiệm tại điểm đến.

Thưa ông, định hướng đến năm 2025, Ngành Du lịch đề ra mục tiêu phát triển đồng bộ Hệ sinh thái du lịch thông minh - bắt đầu bằng quá trình chuyển đổi số. Quá trình này bao gồm những nội dung gì?

Trước hết cần phải thấy đây là quá trình chuyển đổi cả tư duy và cách thức hoạt động. Trước đây, Tổng cục Du lịch đã xây dựng các cơ sở dữ liệu riêng biệt về DN lữ hành quốc tế, hướng dẫn viên, cơ sở lưu trú du lịch để phục vụ công tác quản lý nhà nước.

Thời gian vừa qua, chúng tôi đã hình thành một nền tảng chung tích hợp tất cả các cơ sở dữ liệu nói trên. Đồng thời, phát triển thêm các cơ sở dữ liệu về điểm đến du lịch, điểm mua sắm, nhà hàng, thống kê du lịch...

Điểm mấu chốt ở đây là hệ thống sẽ được thiết kế để các địa phương, điểm đến, doanh nghiệp, cơ sở du lịch có thể tham gia cập nhật thông tin dữ liệu mới theo thời gian thực. Đây sẽ là nguồn dữ liệu rất quan trọng nhưng lại là cơ sở tiền đề để các bên từng bước chuyển sang hoạt động ở môi trường số.

Đối với hoạt động quản lý chuyên ngành, Tổng cục đã xây dựng phần mềm chế độ báo cáo thống kê tổng hợp từ trung ương đến cơ sở - nghĩa là sẽ chuyển sang thực hiện hoàn toàn trên môi trường số.

Nền tảng số này hướng tới cả hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch trong và ngoài nước, kết nối tất cả các địa phương, hiệp hội, DN một cách chuyên nghiệp, hiệu quả.

Tại sao chúng tôi lại hướng mạnh tới điều này? Bởi du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng cao. Yếu tố liên kết, hợp tác là rất quan trọng. Vừa qua, chúng tôi phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Tổng cục Quản lý thị trường cùng nhiều đơn vị công nghệ khác để phát triển nhiều ứng dụng liên quan đến thương mại điện tử, các ứng dụng du lịch thông minh. Qua đó, từng bước chuyển đổi các hoạt động du lịch sang môi trường số, mang lại những giá trị gia tăng mới, đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới.

Tổng cục Du lịch đưa ra những kịch bản nào cho năm 2021 thưa ông? Đâu sẽ là trọng tâm đột phá?

Theo dự báo của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), nền du lịch toàn cầu sẽ phục hồi từ quý III/2021. Hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới còn đang diễn biến hết sức phức tạp, việc kinh doanh lữ hành quốc tế trước mắt chưa thực hiện được. Do đó, Tổng cục Du lịch đã tham mưu Bộ VHTTDL dự báo 2 kịch bản thu hút khách du lịch trong năm 2021 như sau:

Kịch bản 1: Khách du lịch quốc tế 6 triệu lượt khách; Khách du lịch nội địa 80 triệu lượt khách; Tổng thu từ du lịch: 480.000 tỷ đồng.

Kịch bản 2: Khách du lịch quốc tế 0 lượt khách; Khách du lịch nội địa 80 triệu lượt khách; Tổng thu từ du lịch 337.000 tỷ đồng.

Trong bối cảnh đó, toàn ngành du lịch tiếp tục theo dõi tình hình và đánh giá về diễn biến dịch COVID-19, thực hiện mục tiêu kép ”Vừa phát triển du lịch, vừa chống dịch”, và chuẩn bị phương án phục hồi du lịch sau khi dịch bệnh được khống chế.

Đồng thời, Tổng Cục sẽ bám sát Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, cũng như lập Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 để chủ động đưa ngành du lịch phát huy được những vận hội và thời cơ tăng trưởng, bứt phá!.

Xin cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm